Bitcoin chưa được công nhận, Đại học FPT có “cầm đèn chạy trước ô tô”?

(PLO) -Mới đây, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT Lê Trường Tùng tuyên bố: “Đại học FPT chấp nhận cho các đối tượng đang là sinh viên hoặc chuẩn bị là sinh viên của trường nộp học phí bằng bitcoin. Trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại.” Tuyên bố này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi tại Việt Nam bởi việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán được cho là hành vi bị cấm ở nước ta.
Việt Nam có thể công nhận tiền ảo bitcoin
Việt Nam có thể công nhận tiền ảo bitcoin

“Tiền ảo” giá trị thật

Bitcoin (ký hiệu: BTC, XBT) là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp, được phát hành bởi Satoshi Nakamoto dưới dạng phần mềm mã nguồn mở từ năm 2008. Bất cứ ai hiểu về lập trình cũng có thể tham gia “đào bitcoin” bằng cách dùng hệ thống máy tính để giải các thuật toán ngày một phức tạp. Nó là loại tiền ảo và là loại tiền mã hóa điển hình, được sử dụng rộng rãi trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư tại nhiều quốc gia.

Chủ tịch HĐQT Đại học FPT Lê Trường Tùng cho biết, trường sẽ bắt đầu thử nghiệm thu học phí bằng bitcoin vì đây là giải pháp khả thi đối với rất nhiều sinh viên nước ngoài đang học tập tại Đại học FPT. Đó là những sinh viên châu Phi, đặc biệt là từ Nigeria, họ rất khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài để đóng học phí. Ông chia sẻ, bitcoin thực tế là một công cụ hỗ trợ cho việc nộp học phí của sinh viên. Sinh viên dùng bitcoin để chuyển tiền sang Việt Nam, sau đó có thể đổi từ bitcoin sang tiền mặt để nộp cho trường.

Ông Tùng nói thêm: “Bitcoin là một sản phẩm công nghệ. Chúng tôi muốn thử nghiệm thu học phí, sử dụng đồng Bitcoin như một dạng giao dịch của Cách mạng Công nghiệp 4.0, là một trường đại học đào tạo về công nghệ, chúng tôi thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều mà hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0”.

“Cần nói rõ, việc thử nghiệm của trường cũng chỉ ở quy mô nhỏ vì thực tế hiện trường có khoảng 100 sinh viên nước ngoài theo học, chiếm 1% số sinh viên đang theo học. Còn để thực hiện chính thức thì chưa thể vì phải phụ thuộc nhiều yếu tố về quy định pháp lý và cần có hạ tầng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để dùng bitcoin giao dịch như một đồng tiền bình thường. Chúng tôi sẽ triển khai phù hợp với những quy định pháp lý hiện nay” - ông Tùng khẳng định.

Hồi tháng 5/2015, trang web du lịch trực tuyến có trụ sở tại TP HCM cũng thông báo chấp nhận đặt vé máy bay và thanh toán bằng bitcoin. Trang web này thuộc Công ty Future.Travel hay còn có tên là Industrytravel.asia được thành lập từ năm 2011 nhưng trước đó đều giao dịch theo phương thức truyền thống (tiền mặt).

Bước vào vận hành website mua bán trực tuyến toàn cầu, Công ty cho biết, khách hàng mua vé máy bay và các dịch vụ đi kèm trên trang web có quyền lựa chọn đơn vị tiền tệ của quốc gia mình. Khi đã tìm và đặt được chuyến bay hoặc sản phẩm, ở phần thanh toán, khách hàng sẽ nhận được giá ở đơn vị tiền tệ đã chọn, có thể trả bằng thẻ tín dụng, tài khoản công ty hoặc bitcoin.

Đang bị cấm 

Trước tuyên bố của Đại học FPT, Ngân hàng Nhà nước phát đi văn bản khẳng định bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước viện dẫn Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP. Theo đó, khoản 6 Điều 4 Nghị định 80 quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tại khoản 7 Điều 4 Nghị định này nêu rõ phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định trên.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức từ 150 - 200 triệu đồng. 

Đây là nội dung quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đồng thời, cơ quan này cho biết, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tương tự, trước sự chấp nhận thanh toán bằng bitcoin của công ty du lịch vừa nêu, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ và giao dịch liên quan đến bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác.

Năm 2014, khi có một diễn đàn mua bán đầu tiên tại Việt Nam tuyên bố chấp nhận bitcoin và một công ty khác thông báo lập sàn giao dịch bitcoin trực tuyến, Ngân hàng Nhà nước cũng đều đưa ra ý kiến nhấn mạnh đây không phải là tiền tệ theo pháp luật hiện hành và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Trong một diễn biến liên quan, Người phát ngôn Bộ Tư pháp - Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Đức Hiển vừa thông tin: Để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro và cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 trong lĩnh vực tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. 

Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an... thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao để tổ chức triển khai thực hiện Đề án, rà soát lại khung pháp lý hiện tại và đánh giá toàn diện về thực trạng nhằm đề xuất Chính phủ có hướng xử lý cũng như sửa đổi pháp luật về tiền điện tử cho phù hợp cũng như quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc đôn đốc, theo dõi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Đề án; đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung Đề án (nếu cần thiết); tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án.

Đề án nêu rõ báo cáo đánh giá thực trạng để sửa đổi khung pháp lý cần hoàn thành trước tháng 8/2018 và đến cuối năm 2018 phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Đến tháng 6/2019 cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Ngoài ra, những đề xuất để phòng, chống xử lý các vi phạm liên quan đến loại hình tiền tệ này cũng được Chính phủ giao hoàn thành trước tháng 9/2019. 

Có thể nói, với Đề án này, các hình thức tiền ảo như bitcoin sẽ được Việt Nam cân nhắc chỉnh sửa khung pháp lý để có hình thức quản lý thích hợp, hé lộ khả năng loại tiền này có thể được công nhận.

Đọc thêm