Bộ Công Thương quản lý cạnh tranh: “Vừa đá bóng, vừa thổi còi”

(PLO) - Theo quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc để Bộ Công Thương quản Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh quốc gia không khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”… 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Vì Bộ này chủ quản nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, khi xảy ra vấn đề về cạnh tranh khó có thể nói cơ quan chức năng phân xử khách quan, đảm bảo đúng bản chất của phân xử cạnh tranh.
Giảm khả năng cạnh tranh vì tham nhũng vặt
Phát biểu tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh: DN chung tay trong cải cách thể chế” do VCCI và USAID tổ chức hôm qua, 19/3, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (người tham gia xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhiều lần đi khảo sát tác động của Bộ chỉ số này ở các địa phương, tận mắt chứng kiến chuyển biến rõ nét ở các địa phương khi thực hiện Bộ chỉ số này) đã khẳng định PCI làm công chức tích cực hơn rất nhiều. 
Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng phải có quy định pháp luật nghiêm cấm hành vi của công chức đòi DN chi phí cho cơ quan Nhà nước. “Tôi đi giảng, có một chủ DN kinh doanh khách sạn ở Hà Nội đưa cho tôi xem thiếp chúc Tết của một cơ quan và lời đề nghị mừng tuổi 35 công chức trong danh sách cơ quan này cung cấp. Không chỉ mừng tuổi dịp Tết mà còn đóng góp chi phí cho cơ quan đi nghỉ hè, thậm chí đóng góp cho địa phương tổ chức đoàn đi khảo sát nước ngoài – ông Doanh nói – Trên thế giới, đó chắc chắn là tham nhũng. Theo tôi, ở Việt Nam cũng phải có quy định cấm hành vi này”.
“Chúng ta đang hội nhập mạnh mẽ. Năm nay giá điện tăng, thuế môi trường tăng, phí đường cao tốc tăng..., giờ lại cộng cả khoảng tiền “chung chi” như trên, DN chịu sao nổi? – ông Doanh nói – vì thế, đã đến lúc chúng ta phải trung thực với mình”. Theo ông Doanh, tham nhũng vặt khá tinh vi nhưng cũng  phổ biến này đang ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN.
Cơ quan quản lý cạnh tranh nhất định phải độc lập
Đánh giá cao mục tiêu Chương trình cải cách thể chế theo Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016, ông Doanh mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành đề ra mục tiêu cụ thể hơn, ví như đơn giản thủ tục thì thủ tục dấu đơn giản những gì, thuế và hải quan đơn giản ra sao, hay tiếp cận điện, khởi sự DN… đơn giản thủ tục được đến đâu.
Liên quan đến một số điểm bất cập trong Luật Cạnh tranh, chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện Nghị quyết 19, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi những bất cập này trong thời gian tới. 
Về phần mình, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đồng thời là Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ quan điểm: “Đề nghị cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng Cạnh tranh quốc gia phải là cơ quan độc lập. Bộ Công Thương là bộ chuyên ngành đang chủ quản nhiều DN lớn. Việc để Bộ Công Thương quản Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh quốc gia không khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khi xảy ra vấn đề về cạnh tranh, khó có thể nói cơ quan chức năng phân xử khách quan, đảm bảo đúng bản chất của phân xử cạnh tranh”.
Đồng quan điểm với ông Lộc, ông Trần Hữu Huỳnh – chuyên gia cao cấp cho hay, cơ quan quản lý cạnh tranh nhất định phải là một cơ quan độc lập, và đây là nguyên tắc căn bản của cơ chế thị trường.
Khi chuyên gia Lưu Bích Hồ đưa ra quan điểm “xây dựng thể chế cạnh tranh phải thương cả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), vì có Tổng Giám đốc DNNN phàn nàn chịu hàng trăm cuộc điện thoại nhờ cậy DNNN”, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI – cho rằng, đưa Cục Quản lý cạnh tranh thành đơn vị độc lập và bỏ chế độ chủ quản Nhà nước đối với DN để DN tự do cạnh tranh mà không phải gánh vác nhờ vả chính là “cách thương” phù hợp nhất đối với DN.

Đọc thêm