Bộ Công Thương vẫn muốn giữ Thông tư 20

(PLO) - Trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Thông tư  20/2011/TT-BCT (Thông tư 20) Bộ Công thương cho rằng  Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên không phải tự động bãi bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014. 
Bộ Công thương cho rằng Thông tư 20 không phải là điều kiện kinh doanh nên không tự động bị bãi bỏ theo Luật Đầu tư 2014
Bộ Công thương cho rằng Thông tư 20 không phải là điều kiện kinh doanh nên không tự động bị bãi bỏ theo Luật Đầu tư 2014

Không những thế, Bộ này còn kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20 (!?)

Sứ mệnh “bảo vệ người tiêu dùng”

Trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Công thương cho biết, Bộ ban hành Thông tư 20 trong bối cảnh, ở Việt Nam thường xuyên xảy ra tình trạng một số chủng loại phương tiện (chủ yếu là xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống) được nhà sản xuất triệu hồi trên toàn thế giới để khắc phục lỗi nhưng không được triệu hồi ở Việt Nam. 

Thông tư này, thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (loại chưa qua sử dụng) khi làm thủ tục nhập khẩu phải nộp những giấy tờ sau cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là DN nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó; Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp.

Bộ Công Thương khẳng định, Thông tư 20 không được ban hành để “hạn chế nhập khẩu” hoặc “kiềm chế nhập siêu” mà mục đích là “nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) và an toàn giao thông đường bộ”.

Bộ Công Thương cũng khẳng định, cho tới nay, Thông tư 20 đã đạt được mục đích quan trọng của mình là bảo vệ quyền lợi NTD và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, rằng “việc áp dụng Thông tư 20 cũng đã triệt tiêu hoàn toàn tình trạng vô trách nhiệm đối với NTD nói riêng và toàn xã hội nói chung của một số nhà nhập khẩu, phân phối ô tô trước đây...”

“Thủ tục hành chính” chứ không phải “điều kiện kinh doanh” (!?)

Về những ý kiến phản đối Thông tư 20, trong đó có ý kiến cho rằng Thông tư 20 là điều kiện đầu tư kinh doanh, nên phải được bãi bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014, Bộ Công Thương khẳng định: Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên không phải tự động bãi bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014. 

Trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Công Thương đã cố gắng thuyết phục Chính phủ rằng Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để bảo đảm một mục tiêu quản lý. Bộ này ví mặt hàng ô tô như mặt hàng hoa quả.

“Tại nước ta, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền bỏ vốn đầu tư để kinh doanh mua, bán hoa quả bởi đây không phải là ngành đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, khi nhập khẩu hoa quả từ nước ngoài, thương nhân nhập khẩu sẽ không thể hoàn thành thủ tục hải quan nếu không xuất trình được một số giấy tờ nhất định. Từ trước tới nay, yêu cầu này không bị coi là điều kiện đầu tư kinh doanh hoa quả, cũng không bị coi là vi phạm Luật Cạnh tranh hay bất kỳ luật nào khác của Việt Nam…”- Tờ trình của Bộ Công Thương phân tích.

Trung thành với mục tiêu ban hành Thông tư 20 là để bảo vệ quyền lợi NTD, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công Thương khẳng định qua 5 năm thực hiện, Thông tư 20 đã chứng minh được tác dụng của mình, triệt tiêu hoàn toàn tình trạng vô trách nhiệm với NTD và với xã hội của một số nhà nhập khẩu, phân phối ô tô. Thông tư 20 cũng không bị bất kỳ Thành viên WTO nào phản đối.

Không những thế, Thông tư 20 còn được cộng đồng DN nước ngoài và các DN sản xuất ô tô trong nước ủng hộ bởi từ khi Thông tư 20 ra đời, thị trường ô tô mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã trở nên trật tự và nề nếp hơn, quyền được an toàn của NTD và của toàn xã hội được bảo đảm hơn. 

Bộ này còn cho biết, theo hướng này, nhiều ý kiến yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục duy trì Thông tư 20 (!?)

“Nhân rộng” diện áp dụng Thông tư 20?

Khẳng định Thông tư 20 tuy không trái luật, lại có mục tiêu chính đáng, nhưng  Bộ Công thương thừa nhận Thông tư 20 “chưa phải là giải pháp toàn diện nhất và tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của NTD và bảo đảm an toàn giao thông”.

Cụ thể, Thông tư 20 chỉ điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, không điều chỉnh các loại phương tiện khác trong khi rủi ro gây mất an toàn và rủi ro xâm phạm quyền lợi của NTD của tất cả các loại phương tiện là như nhau. Không những thế, Thông tư 20 cũng chỉ áp dụng cho hàng nhập khẩu, không áp dụng cho hàng sản xuất trong nước. 

“Để thực sự bảo vệ quyền lợi của NTD và bảo đảm an toàn giao thông, các quy định như của Thông tư 20 cần được áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia lưu thông, bất kể là xe chở người hay chở hàng, bất kể nơi sản xuất. ..”- Bộ Công Thương đề nghị.

“Quả bóng” được khéo léo đẩy sang Bộ GTVT khi  trong tờ trình của mình, Bộ Công Thương cho rằng Cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành các quy định như vậy là Bộ GTVT, không phải Bộ Công Thương và quy định đó phải là quy định trong nước để áp dụng chung cho cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, không nên chỉ quy định tại cửa khẩu. 

Không những thế, Bộ này còn cho rằng càng phải áp dụng các quy định của Thông tư 20 tại khâu đăng ký lưu hành phương tiện để khắc phục tình trạng biến xe mới thành xe cũ hoặc đưa xe mới về nước theo đường quà biếu, quà tặng để “lách” Thông tư 20, coi thường NTD nói riêng và an toàn của toàn xã hội nói chung…

3 kiến nghị “níu” Thông tư 20

Trên cơ sở các phân tích những vẫn đề liên quan đến Thông tư 20, Bộ Công Thương đưa ra 3 kiến nghị:

Thứ nhất, không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.

Thứ hai, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.

Thứ ba, giao Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ GTVT ban hành chính thức có hiệu lực. Đồng thời, giao Bộ Công Thương, căn cứ các quy định của pháp luật cạnh tranh, giám sát hoạt động nhập khẩu, phân phối ô tô tại Việt Nam để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng cho các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.

Trao đổi với PLVN, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng những lập luận của Bộ Công Thương mang nặng lợi ích nhóm. Theo Luật sư, không thể coi Thông tư 20 là thủ tục hành chính, bởi thủ tục hành chính là quy định về những thủ tục, trình tự , đằng này Thông tư 20 quy định những loại giấy tờ mà DN phải nộp thì đó là nội dung, là điều kiện knh doanh và đương nhiên bị bãi bỏ theo Luật Đầu tư 2014. 

Luật sư Đức cũng cho rằng việc Bộ Công Thương so sánh việc nhập khẩu ô tô như nhập khẩu hoa quả để áp các điều kiện là không hợp lý nếu không nói là buồn cười. “Nếu vậy sao không quy định nhập khẩu hoa quả phải có giấy ủy quyền, phải có nhà xưởng tiêu chuẩn đi. ”- Luật sư đặt vấn đề.

Liên quan đến lập luận Thông tư 20 nhằm bảo vệ quyền lợi NTD và an toàn giao thông đường bộ, Luật sư Đức cho rằng các hãng xe họ kinh doanh lâu dài chứ không phải bán một cái xe là xong, do vậy nếu họ không có cơ sở bảo hành bảo dưỡng tại Việt Nam, tức là không có hậu mãi thì họ sẽ khó bán hàng, không bán được giá tốt. Khách hàng sẽ không mua hoặc chỉ mua rẻ và sau này sẽ phải khó khăn, tốn kém hơn trong bảo dưỡng, sửa chữa bằng các dịch vụ chung hoặc của hãng khác. Còn việc bảo đảm an toàn giao thông, theo luật sư Đức là việc của các cơ quan chức năng, của đăng kiểm…

Theo Luật sư Đức, Bộ Công Thương nên làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình thay vì lo hộ cho các đơn vị khác…

Đọc thêm