Bộ Giao thông “điểm danh” dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư

(PLVN) - Mới đây, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã thông tin về việc xử lý các dự án trọng điểm chậm tiến độ.
Đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên là một trong những dự án chậm tiến độ, làm tăng mức đầu tư
Đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên là một trong những dự án chậm tiến độ, làm tăng mức đầu tư

Giải ngân 10 ngàn tỷ từ nay đến cuối năm

Liên quan tới một số dự án giao thông trọng điểm đang chậm tiến độ, ông Thể cho biết, năm 2019, Bộ GTVT là một trong 3 đơn vị được giao số vốn ngân sách lớn, với số tiền 26 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ GTVT giải ngân số vốn này chậm, một số dự án trọng điểm cũng bị chậm. 

Cụ thể, Bộ GTVT bố trí 10 ngàn tỷ đồng cho 11 dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và 14 dự án được Quốc hội giao 15 ngàn tỷ đồng vào năm 2017. Tới thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã bàn giao vốn cho 14 địa phương để giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo tiến độ các địa phương cam kết, tới tháng 12/2019 sẽ giải ngân được 4.000 tỷ đồng trên tổng số 7.000 tỷ đồng được dùng để giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến.

Với 14 dự án cấp bách trong gói 15.000 tỷ, ông Thể cho biết từ nay đến cuối năm sẽ khởi công 10 dự án (đang đấu thầu và đang chuẩn bị mặt bằng). Dự kiến từ nay đến cuối năm, sẽ giải ngân khoảng 10.000 cho GPMB và tạm ứng tiền xây lắp.

Trong 3 dự án đầu tư công của cao tốc Bắc - Nam, từ nay tới cuối năm Bộ sẽ khởi công thêm 12 gói thầu. Do nhiều công trình tập trung chuẩn bị đầu tư, cuối năm mới khởi công nên một phần kinh phí sau khi khởi công sẽ do nhà thầu tạm ứng, chỉ giải ngân phần xây lắp. Còn phần mặt bằng, các địa phương sẽ tập trung tới cuối năm để hoàn thành.

Về 10.000 tỷ đồng liên quan tới vốn ODA, ông Thể cho biết, một số dự án đã được giao mới như: đường nối từ Lai Châu về cao tốc Hà Nội - Lào Cai hay đường nối từ Nghĩa Lộ vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường nối từ QL19 lên Tây Nguyên đều có kinh phí lớn, nhưng Quốc hội thông qua đưa vào danh mục chậm. Do đó, dẫn đến tình trạng “có vốn nhưng triển khai tương đối chậm”.

“Bộ GTVT quyết tâm giải ngân bằng tỷ lệ chung của cả nước, từ 90- 95%”, ông Thể nói.

Danh sách dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư

Trong Báo cáo gửi đến Quốc hội về các dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, Bộ GTVT cho biết, một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai trong thời gian vừa qua phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, tăng lớn so với phê duyệt ban đầu. Thời gian thực hiện kéo dài dẫn tới giảm hiệu quả đầu tư. Tình trạng này chủ yếu tập trung ở các dự án quy mô lớn, công nghệ phức tạp, thực hiện qua nhiều năm và đã được phê duyệt, triển khai từ các giai đoạn trước, điển hình là các dự án đường sắt đô thị.

Nhóm dự án đường bộ chậm tiến độ gồm 2 dự án: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Nhóm dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư gồm 5 dự án. Trong đó có ba dự án do Hà Nội và TP HCM làm chủ đầu tư (Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương của TP HCM; Dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội của TP Hà Nội). Hai dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư (Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi).

Bộ GTVT giải trình do ba nguyên nhân chính: Đều là các nhóm dự án lớn và công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, do đó chưa có kinh nghiệm quản lý và thực hiện; chậm giải phóng mặt bằng, di chuyển hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến yếu tố trượt giá, biến động giá của một số nguyên vật liệu do thời gian thi công kéo dài; kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ là chậm thanh toán cho nhà thầu dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng, vướng mắc về cơ chế đấu thầu, hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn còn bất cập…

Các trục liên kết vùng sẽ hình thành sau 5-10 năm tới

Ở phía Bắc, ông Thể cho biết, tiếp tục triển khai trục dọc, như Hoà Bình - Sơn La, Hữu Nghị - Chi Lăng, nối từ TP Hạ Long lên Móng Cái. Về liên kết ngang, Bộ GTVT tập trung vào bốn dự án: QL4C, QL4D, QL279, QL37. Trục ngang kết nối trục dọc để giao thông miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng được tốt hơn. 

Riêng với Đồng bằng sông Hồng, tập trung vào một số đường vành đai của Hà Nội và một số trục, trong đó có đường sắt kết nối về Hải Phòng để phát huy cảng biển Lạch Huyện và đưa hàng hoá của khu vực ra Hải Phòng.

Tại khu vực miền Trung, hiện đang có tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM, đường biển khu vực miền Trung và QL1A mở rộng 4 làn xe. Kết nối đường cao tốc từ TP HCM ra Hà Nội. Ngoài ra còn đường Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện cũng như kết nối các trục ngang giữa vùng ven biển và khu vực Tây Nguyên. 

Tại khu vực Đông Nam Bộ, tập trung 2 đường vành đai TP HCM là đường vành đai 3, 4, kết hợp cao tốc TP HCM – Tây Ninh, TP HCM – Long Thành, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, tập trung cho sân bay Long Thành cùng với một số trục đường địa phương để giao thông liên vùng ở Đông Nam Bộ và TP HCM kết nối tốt nhất.

Ở khu vực Tây Nam Bộ, sẽ hình thành cao tốc TP HCM - Cần Thơ kết nối xuống Cà Mau. Đường thứ hai là QL60 trong đó có cầu Rạch Miễu, cầu Đại Ngãi. Thứ ba là đường vành đai từ Củ Chi qua Đồng Tháp Mười đến Kiên Giang.

Bốn trục ngang của Đồng bằng sông Cửu Long là QL62, QL30, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và đường ven biển phía Tây nối Rạch Giá cũng đang tiếp tục được nghiên cứu. Cảng biển Trần Đề cũng sẽ được tập trung phát triển, tạo đột phá, cải thiện để đón tàu 100.000 tấn.

“Với những định hướng như vậy, chúng tôi hy vọng 5 - 10 năm tới, giao thông liên vùng tốt hơn”, ông Thể nói.

Đọc thêm