Bộ Giao thông sẽ có quyền mở, đóng sân bay chuyên dụng?

(PLO) - Chiều 20/5, trong phần trình bày trước QH về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đề nghị QH cho phép Bộ Giao thông quyết định việc mở, đóng sân bay chuyên dùng trên cơ sở ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Quốc phòng. 
Hình chỉ mang tính minh họa (Internet)
Hình chỉ mang tính minh họa (Internet)
Theo định nghĩa tại Khoản 2 Điều 47 Luật HKDDVN năm 2006, sân bay chuyên dùng là sân bay chỉ phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hàng hóa mà không phải là vận chuyển công cộng. 
Thực tế cho thấy, sân bay chuyên dùng xuất phát chủ yếu từ nhu cầu của tổ chức, cá nhân phục vụ cho mục đích riêng như bệnh viện, sân gôn, giàn khoan, nhà cao tầng hoặc bãi đáp tạm thời cho chuyến bay khi thực hiện hoạt động hàng không chung, không ảnh hưởng đến hệ thống quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Hoạt động của sân bay chuyên dùng liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm an toàn, an ninh quốc phòng, quản lý, bảo vệ vùng trời của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, sân bay chuyên dùng trước hết là sân bay dân dụng, phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về khai thác sân bay dân dụng. 
Từ những cơ sở thực tế đó, Ban soạn thảo Dự luật đề nghị nên bổ sung quy định thẩm quyền của Bộ Giao thông quyết định việc mở, đóng sân bay chuyên dùng trên cơ sở ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Quốc phòng. Các hoạt động bay ngoài đường hàng không đến, đi từ sân bay chuyên dùng vẫn do Bộ Quốc phòng quản lý, cấp phép.
Cụ thể, Khoản 6 Điều 49) Dự thảo Luật quy định rõ:  "Bộ Giao thông vận tải quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng’’ 
Thẩm tra dự Luật, UBPL QH nhận thấy, trong xu thế phát triển của đất nước và quá trình hội nhập thì sân bay chuyên dùng đang ngày càng có đóng góp quan trọng trong hoạt động vận tải, phục vụ cho nhiều mục đích, đối tượng như bệnh viện, thể thao, du lịch, giàn khoan, nhà cao tầng, cứu nạn hoặc bãi đáp tạm thời cho chuyến bay khi thực hiện hoạt động hàng không chung. 
Do đó, UBPL nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ Giao thông vận tải nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động của hàng không dân dụng và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các yêu cầu về quốc phòng, an ninh sẽ được bảo đảm qua sự phối hợp, thống nhất ý kiến giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng như đã được quy định trong dự thảo Luật. 
Tuy nhiên, đề nghị cần nghiên cứu quy định ngay trong Luật trường hợp và điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng; nguyên tắc phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải với Bộ Quốc phòng trong việc mở, đóng sân bay chuyên dùng nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và khả thi. Có ý kiến nhất trí với quy định giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ Giao thông vận tải và chỉ những trường hợp liên quan đến quốc phòng - an ninh thì mới xin ý kiến của Bộ Quốc phòng.
Dự thảo luật cũng đề nghị  Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có thẩm quyền quy định về điều kiện khai thác tàu bay vì đây là tàu bay dân dụng, được thiết kế, chế tạo và bảo đảm đủ điều kiện bay theo tiêu chuẩn hàng không dân dụng; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền quy định về khai thác tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ vì tàu bay này chủ yếu bay ngoài đường hàng không, liên quan trực tiếp đến an ninh, quốc phòng và công tác quản lý, bảo vệ vùng trời của Bộ Quốc phòng. 
Ý kiến này cũng được UBPL nhất trí, tuy nhiên, ban soạn thảo cần rà soát, luật hóa một số quy định của Nghị định 36/2008/NĐ-CP để bổ sung quy định quản lý đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, như về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép... nhằm bảo đảm tính khả thi, minh bạch./.

Đọc thêm