Bỏ quy hoạch sân golf: “Chang chang cồn cát” Quảng Bình sẽ hoá… vàng?

(PLO) - Ngoài những dự án golf đã và đang trình cấp thẩm quyền xem xét, Quảng Bình vẫn còn bao la cát kéo dài ven biển và cả những vùng đất đồi vốn không ưa cây nông nghiệp… Quy hoạch sân golf tới đây nếu bỏ, nhà đầu tư quan tâm tìm cơ hội, thì những cồn cát trắng ở Quảng Bình sẽ không “chang chang nắng”? 
Quảng Bình có đường bờ biển dài 116 km, với những cồn cát trắng mênh mông
Quảng Bình có đường bờ biển dài 116 km, với những cồn cát trắng mênh mông

Rừng phòng hộ ven biển sẽ ra sao? 

Tuần trước, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tuyên bố Bộ này “sẽ gương mẫu bỏ quy hoạch sân golf” vì cho đó là quy hoạch sản phẩm không cần thiết mà sẽ quản lý theo hướng để các địa phương tự quyết định và chuyển lĩnh vực này thành “đầu tư có điều kiện”.

Có nghĩa nếu muốn xây dựng sân golf, thì phải hội đủ một số điều kiện. Chẳng hạn như không được sử dụng đất lúa, đất quốc phòng - an ninh, đất bảo tồn văn hóa... Nếu thoả mãn những điều kiện đó thì được phép triển khai.

Trao đổi với PLVN xung quanh vấn đề này, ông Trần Công Thuật - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu quan điểm: “Anh Dũng (Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - PV) nói là có lý của anh ấy, tức là mình không cấm, nhưng cũng không phải là bung ra để làm tràn lan, mà cái chính ở đây là tìm cơ chế kiểm soát lĩnh vực này như thế nào cho nó phù hợp, tránh lạm dụng việc sử dụng đất đai để làm tuỳ tiện. Còn với Quảng Bình, thì ai cũng thừa nhận là nên có sân golf bởi đang có một diện tích đất cát ven biển khá lớn bấy lâu không trồng trọt sản xuất được, không hiệu quả kinh tế”.

Quảng Bình đang có kế hoạch xây dựng bao nhiêu sân golf, quy mô như thế nào, thưa ông? 

- Ngoài Dự án Quần thể resort, nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp có sân golf của Tập đoàn FLC nằm ở địa bàn 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết để nhà đầu tư Công ty An Việt triển khai Dự án sân golf Bảo Ninh nằm trên địa bàn TP.Đồng Hới và huyện Quảng Ninh.

Mới đây, một đoàn công tác của Bộ KH&ĐT cũng đã đến Quảng Bình để khảo sát, đánh giá trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định vấn đề này. Về quy mô, dự án của FLC lúc đầu dự tính sẽ đầu tư 10 sân, nhưng sau đó, các bên bàn bạc sẽ triển khai từng bước, không làm ồ ạt để có hiệu quả.

Ông Trần Công Thuật - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Bình: “Hiện, tỉnh đang triển khai 2 dự án sân golf”
Ông Trần Công Thuật - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Bình: “Hiện, tỉnh đang triển khai 2 dự án sân golf”

Đất cát ven biển Quảng Bình không hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nhưng lại có một đai rừng phòng hộ để chống gió bão, cát bay cát lấp... Làm sân golf liệu có còn rừng để phòng hộ và chống thiên tai?

- Đất cát ven biển Quảng Bình chủ yếu là cây cỏ rười (khô cháy vào mùa hè và mọc tốt vào mùa đông). Tại những khu vực dự kiến triển khai sân golf, không phải chỗ nào cũng có rừng phòng hộ. Đối với những khu vực xen kẽ có rừng, quan điểm của tỉnh và nhà đầu tư là phải bảo vệ, không chặt phá.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thì việc nuôi trồng cỏ sân golf, trồng xen thêm cây xanh trong vùng dự án… cũng sẽ làm xanh hoá một vùng đồi cát và qua đó góp phần chống cát bay, cát lấp. Tóm lại, như tôi đã nói đất ở đây đủ điều kiện để phục vụ các dự án dạng này và không “phạm” các điều kiện như đồng chí Bộ trưởng KH&ĐT đã nêu.

Đề phòng giao đất vì lợi ích nhóm

Một lo ngại trong quá trình triển khai các dự án golf là tình trạng giao đất quá lớn trong khi diện tích phục vụ làm sân quá nhỏ, phần lớn còn lại nhà đầu tư xây vila, khách sạn, nhà hàng… nên dễ sinh nghi ngờ có lợi ích nhóm. Quảng Bình đề phòng vấn đề này bằng cách nào? 

- Theo quy định của pháp luật để triển khai một dự án golf, chúng ta phải hoàn thiện khá nhiều thủ tục và phải được các Bộ, ngành liên quan xem xét, có ý kiến mới có thể triển khai - ví dụ như báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục cấp đất… chứ không phải địa phương muốn giao bao nhiêu đất thì giao. Sự giám sát này chắc chắn sẽ tránh được tình trạng xin đất nhiều, làm sân ít hay nguy cơ lợi ích nhóm như lo ngại của dư luận.

Còn việc có biệt thự, khách sạn hay trung tâm thương mại... trong các quần thể dự án kiểu này là điều bình thường, nhiều địa phương và nhà đầu tư đã thực hiện như vậy. Bởi đầu tư một dự án golf lên tới cả triệu USD mà sau đó ngồi thu hồi vốn thông qua việc thu phí trên sân thì biết bao giờ mới hoàn được vốn. Do đó, các nhà đầu tư phải triển khai thêm các hạng mục như thế để hài hoà lợi ích trong bài toán kinh tế.

Vườn ươm cỏ phục vụ dự án golf ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình)
Vườn ươm cỏ phục vụ dự án golf ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình)

Golf giúp du lịch thành kinh tế mũi nhọn?

Quảng Bình kỳ vọng điều gì khi sắp tới địa phương sẽ có tên trên bàn đồ golf Việt Nam?

- Quảng Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch với những bãi tắm đẹp và còn được mệnh danh “Vương quốc” hang động với những động khô và động nước đẹp nhất thế giới… Lợi thế như vậy nên tỉnh đã vạch mục tiêu biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực tế, để có nguồn thu lớn từ lĩnh vực này thì phải có sản phẩm để tăng thời gian lưu trú, chi tiêu của du khách ở Quảng Bình, và golf chính là một sản phẩm để giữ chân du khách.

Tôi nói ví dụ trong tương lai, khi Quảng Bình có sân golf thì các đoàn khách quốc tế ở vùng xứ lạnh có thể bay đến Quảng Bình để nghỉ đông. Một đoàn khách như vậy có thể lên tới hàng chục người, họ có thể thăm thú cảnh sắc thiên nhiên, nghỉ dưỡng và giải trí bằng môn thể thao golf… Khách đến đông, chắc chắn nguồn thu cho ngân sách của tỉnh sẽ cao lên chứ không phải  hơn 3.000 tỷ đồng/năm như hiện nay.

Ngoài ra, nó còn tạo công ăn việc làm cho người dân những vùng bãi ngang, vùng xung quanh dự án đang gặp rất nhiều khó khăn về sinh kế.

Quy hoạch sân golf tới đây có thể bỏ, quyền tự quyết sẽ thuộc về các địa phương. Theo ông, Quảng Bình có bao nhiêu sân thì đủ?

- Hiện tại, chúng tôi mới chỉ triển khai 2 dự án như đã nói, ngoài ra chưa có thêm kế hoạch nào khác. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, Quảng Bình nên bám  quy hoạch phát triển kinh tế để làm thêm. 

Theo luồng ý kiến trên thì nên chăng có thêm một sân golf ở vùng Quảng Trạch để đón đầu nhu cầu của các khu, tổ hợp công nghiệp vùng Nam Hà Tĩnh và Bắc Quảng Bình, bởi không lâu nữa, bên cạnh Khu Kinh tế Hòn La, Trung tâm Điện lực Quảng Trạch với công suất 2.400MW đi vào hoạt động sẽ rất sôi động… mà ở gần đó cũng đang có một diện tích đất khá rộng lâu nay sử dụng không hiệu quả.

Hay như ở Khu du lịch suối khoáng Bang (Lệ Thuỷ) cũng có vùng đất đồi có thể hình thành một sân để tạo sự đa dạng cho sản phẩm du lịch khi du khách đến đây nghỉ dưỡng, tắm bùn khoáng chẳng hạn. Nhưng, tất cả đó mới chỉ là ý kiến của người ngoài nhìn vào Quảng Bình thấy là nên như thế. Còn hiện tại, tỉnh Quảng Bình chưa có bất kỳ chủ trương nào ngoài 2 dự án đã, đang triển khai.

Cảm ơn ông!  

“Bán đảo” Bảo Ninh sẽ xanh cỏ golf

“Trong khi chưa có quy định mới, 2 dự án golf của Quảng Bình vẫn phải  áp dụng theo quy định hiện hành của pháp luật. Cụ thể, dự án của Tập đoàn FLC (2 giai đoạn) đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục; còn dự án của Công ty An Việt (2 sân ở khu vực Bảo Ninh, Võ Xá) đã bổ sung vào quy hoạch sân golf đến năm 2020.”, Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Bình Đinh Hữu Thành.

Đọc thêm