Bộ Tài chính kỳ vọng giảm 700 xe ô tô phục vụ chức danh

(PLO) - Với  864 xe chức danh đến thời điểm 31/12/2016, theo Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính Trần Đức Thắng, theo định hướng sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, sử dụng xe công Bộ Tài chính đang soạn thảo, số xe này sẽ giảm đến 700 xe.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tin đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức chiều hôm qua 8/3.

Mới khoán từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại

Số liệu thống kê của Bộ Tài chính đến 31/12/2016 cho biết, xe phục vụ chức danh là 864 chiếc, xe phục vụ công tác chung là 17.047 chiếc,  và xe ô tô chuyên dùng là 16.330 chiếc. Để “nuôi” mỗi xe công, hàng năm NSNN phải chi 320 triệu đồng, bao gồm khấu hao, lương lái xe, xăng dầu, sửa chữa…

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng xe theo chức danh, theo quy định hiện hành, Quyết định 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, xe phục vụ chức danh được sử dụng phục vụ công tác của chức danh có hệ số phục cấp chức vụ từ 1,25 trở lên.

“Việc kế thừa quy định trước Quyết định 32/2015/QĐ-TTg trong việc quy định một đơn giá (đơn giá bình quân của các hãng taxi trên địa bàn) để thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe cho các chức danh có đủ tiêu chuẩn, chưa thực sự tạo động lực khuyến khích việc thực hiện cơ chế khoán xe công…" - Cục trưởng Cục Quản lý công sản đánh giá. 

Theo Dự thảo Quyết định  quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vụ sự nghiệp công lập, DNNN thay thế Quyết định 32/2015/QĐ-TTg, tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ các chức danh cơ bản đã kế thừa quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ bố trí sử dụng với 03 nhóm chức danh quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 Quyết định 32/2015/TTg. 

Đối với các chức danh được bố trí xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác từ Thứ trưởng trở xuống (thứ trưởng và tương đương ở Trung ương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập), tại dự thảo lần này dự kiến quy định: 

Đối với công đoạn từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại: Thực hiện theo hình thức khoán kinh phí. Trường hợp cần thiết phải bố trí xe phục vụ đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại với các chức danh này, các bộ, ngành có thể bố trí xe để đưa đón các chức danh này từ nơi ở đến nơi làm việc. 

Bộ Tài chính dự kiến 02 phương án: Phương án 1, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Phương án 2, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV xem xét, quyết định.

Đối với công đoạn đi công tác, sẽ bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán kinh phí sử dụng xe hoặc thuê xe dịch vụ.

“Với hướng sửa đổi này dự kiến sẽ giảm 700 xe ô tô phục vụ chức danh…” - ông Thắng cho bết.

Khoán kinh phí - cả Nhà nước, cả người nhận khán đều có lợi

Liên quan đến việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, tại buổi họp báo, ông Thắng cho biết, theo quy định hiện hành có 03 phương thức bảo đảm xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe, gồm:  Bố trí từ số xe hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thuê dịch vụ xe ô tô; và khoán kinh phí sử dụng xe ô tô.

Việc áp dụng hình thức cụ thể do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện đăng ký và áp dụng đối với: chức danh thứ trưởng và tương đương; các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe phục vụ công tác chung. 

Ông Thắng thừa nhận, nội dung này đã được quy định từ năm 2007, tuy nhiên, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đến nay hầu như chưa được thực hiện, một vài trường hợp có áp dụng nhưng chỉ duy trì trong một thời gian rất ngắn; vì vậy, thực tiễn để kiểm chứng chính sách còn hạn chế. 

Theo phương án được đưa ra, với chức danh có hệ số phụ cấp từ 1,25 đến thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành sẽ khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại.

Trường hợp đi công tác thì bố trí xe phục vụ công tác chung phục vụ công tác hoặc nhận khoán theo hình thức tự nguyện; đối với chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 và các chức danh được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại Tập đoàn kinh tế và DNNN, sẽ khoán kinh phí sử dụng phương tiện khi đi công tác hoặc bố trí xe phục vụ công tác chung (nếu có).

Về nguyên tắc xác định mức khoán kinh phí, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét 02 phương án: Phương án I: đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng; mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%; Phương án II: mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác, bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định.

Theo phương án này, đơn giá khoán thực hiện theo 02 phương án: Đơn giá khoán là 16.000đồng/km; được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%; Quy định nguyên tắc xác định đơn giá khoán trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương. Việc xác định đơn giá khoán cụ thể do bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về căn cứ đưa ra mức khoán trong dự thảo, ông Thắng cho biết đơn vị soạn thảo đã “bí mật đi tìm hiểu và đưa  ra mức 6,5 triệu là tương đối phù hợp, sau đó mới tính tiếp”, còn mức 16.000 đòng/km tùy có cao hơn giá taxi hiện hành nhưng tính trên cơ sở giá trị xe chức danh tầm gần 1 tỷ đồng và “phòng” khi giá xăng tăng (!?). Ông Thắng khẳng định, mức khoán đó tính chung 1 năm chỉ bằng một nửa chi phí cho 1 xe công hiện nay (320 triệu đồng/xe/năm), cả Nhà nước, cả người nhận khoán đều có lợi…

“Tuy nhiên đây mới chỉ là dự thảo, Bộ sẽ cân nhắc tiếp thu để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, dự kiến trong quý II này” - Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết. 

Đọc thêm