Bức xúc chuyện 1 nồi cơm điện, 3 luật điều chỉnh

(PLO) - Theo ông Phạm Thanh Bình - chuyên gia về hải quan, mỗi năm DN phải chi trả tối thiểu khoảng 1.600 tỷ đồng và 2,5 triệu ngày công để thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành (QLCN) trong khi các lô hàng không đạt chất lượng quy định chưa bao giờ tới 1%...
Các quy định về QLCN đang làm tăng chi phí, thời gian của DN. (Ảnh minh họa)
Các quy định về QLCN đang làm tăng chi phí, thời gian của DN. (Ảnh minh họa)

Ông Bình cũng cho biết, ở nhiều nước chỉ có hải quan là cơ quan quyết định có cho hàng hóa thông quan hay không, nhưng ở Việt Nam đứng sau hải quan là rất nhiều cơ quan khác và họ mới chính là người quyết định hàng có được thông quan hay không qua việc kiểm tra chuyên ngành. 

Một nồi cơm điện, 3 luật điều chỉnh (!?)

Báo cáo rà soát pháp luật Việt Nam đối với các cam kết EVFTA về kiểm tra chuyên ngành (QLCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) công bố hôm qua, 3/11, cho thấy tổng số các cam kết liên quan đến QLCN là 26 nội dung, liên quan đến 11/16 điều của Chương V  của EVFTA. Trong đó hoàn toàn tương thích là 16 cam kết, tương thích một phần là 4 cam kết và chưa tương thích là 6 cam kết.

“Như vậy, pháp luật QLCN của Việt Nam cơ bản đã tương thích với các cam kết EV FTA. Việc áp dụng quy định về “công nhận, thừa nhận lẫn nhau” chưa đáng kể do trình độ, công nghệ của Việt Nam còn thấp”-  Chuyên gia Phạm Thanh Bình nhận định.

Cũng theo chuyên gia hải quan này, một vấn đề có tính nguyên tắc của QLCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho thương mại , bảo vệ người tiêu dùng, nghiêm cấm lợi dung hoạt động QLCN để cản trở bất hợp pháp, gây phiền hà, sách nhiễu đối với hoạt động SXKD. Tinh thần này được quy định rõ trong Điều 5, Điều 8 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Điều 9 Luật  Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Điều 4 Luật Thú y… 

Tuy nhiên, thực tế các văn bản dưới luật còn nhiều quy định chưa thuận lợi cho thương mại. Ví dụ Điều 58, Nghị định 38/2015/NĐ-CP về thời gian ký quỹ nhập khẩu phế liệu thép, không thống nhất giữa Thông tư 41/2015/TT-BTNMT và QCVN 31-2010/BTNMT về việc phế liệu thép nhập khẩu được hay không được ép thành khối, kiện, bánh.  Hay như Điều 11 Nghị định 60/2014/NĐ-CP về điều kiện người đứng đầu cơ sở nhập khẩu thiết bị in (phải có bằng cao đẳng in nhưng không có trường nào đào tạo nghề này !?)

Đặc biệt, kết quả rà soát cũng cho thấy sự chồng chéo trong danh mục hàng hóa thuộc diện điều chỉnh của nhiều luật chuyên ngành dẫn đến một mặt hàng phải thực hiện đồng thời nhiều thủ tục nên khó khăn, mất thời gian, tốn chi phí. “Đơn cử như cái nồi cơm điện có đến 3 luật điều chỉnh và có 3 bộ khác nhau quản lý. Kiểm tra chất lượng điện có Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, kiểm tra dán tem năng lượng có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả điều chỉnh và nồi này dùng để nấu cơm nên có  Luật vệ sinh an toàn thực phẩm điều chỉnh …”- ông Bình dẫn chứng. Theo ông, các Bộ QLCN cần phối hợp rà soát danh mục QLCN để khắc phục tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý của nhiều bộ, một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều Luật QLCN…

Chưa thấy tạo thuận lợi, chỉ thấy tăng cường quản lý

 “Xem ra những quy định về tạo thuận lợi cho thương mại trong lĩnh vực QLCN thường mới chỉ dừng ở một số quy định mang tính nguyên tắc. Việc tạo thuận lợi cho thương mại ít được quan tâm hơn nhiều so với việc tăng cường quản lý!”- bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW (CIEM) nhận định.

Nguyên cán bộ Tổng cục hải quan, ông Phạm Thanh Bình khẳng định thủ tục hải quan trong những năm gần đây đã cải cách rất nhiều, thế nhưng vai trò quyết định hàng có thông quan được hay không thì 72% phụ thuộc vào các cơ quan khác nên hải quan có cải cách nữa cũng không giúp được mấy cho DN.

Ông Bình cũng đưa ra một so sánh về chi phí và hiệu quả: Mỗi năm DN phải chi trả tối thiểu khoảng 1.600 tỷ đồng và 2,5 triệu ngày công để thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành trong khi các lô hàng không đạt chất lượng quy định chưa bao giờ tới 1%.

Thực tế, có những quy định tưởng hay nhưng lại trở thành kiểm tra 2 bước và đổ lên vai DN, đó là quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng là việc đánh giá lại kết quả đánh giá của tổ chức đánh giá, nhưng thực tế lại không đánh giá tổ chức đánh giá mà lại đến DN đánh giá lại sản phẩm…

Đặc biệt, trong các văn bản pháp luật Việt Nam đều ghi “tạo thuận lợi…” nhưng không quy định rõ tạo thuận lợi thế nào, nghị định cũng không, thông tư cũng không nhưng phần tăng cường quản lý giám sát trong các văn bản pháp luật thì lại ghi rất rõ các giải pháp, biện pháp…

“Kiểm tra chuyên ngành tưởng là ngoại lệ áp dụng đối với một số mặt hàng hóa, hóa ra không phải là ngoại lệ khi tỷ lệ này là trên 30%. Điều này đang làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN. Việc rà soát pháp luật liên quan đến cam kết EVFTA không chỉ đảm bảo các cam kết được thực thi mà đây chính là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh cho DN…”- Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập nhấn mạnh.

Theo khảo sát của Dự án GIG, danh mục mặt hàng bắt buộc phải qua kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan quá nhiều, chiếm khoảng 30-35% hàng hóa nhập khẩu hiện nay và có nhiều mặt hàng trùng lắp phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu. Tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành khá cao. Năm 2015, có gần 390.000 tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành, chiếm trên 36%; từ năm 2016 đến nay, lượng tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành chiếm gần 40% tổng số tờ khai hải quan phát sinh, trong khi đó, tỷ lệ tờ khai phát hiện vi phạm chưa đến 0,01% trên tổng số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành.

Đọc thêm