Bước tiến hội nhập kinh tế quốc tế

(PLVN) - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cho rằng, trong năm 2020, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, đưa nước ta trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong thúc đẩy và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho phát triển đất nước. 
Lễ ký Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Anh.
Lễ ký Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Anh.

Điểm sáng trong công tác đối ngoại

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, năm 2020, kinh tế thế giới và liên kết kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp, nhiều rủi ro, đan xen giữa các mảng màu “sáng”, “tối”. Dịch Covid-19 dù đặt ra nhiều thách thức mới nhưng cũng làm sâu sắc thêm những xu thế liên kết diễn ra những năm qua, đồng thời đẩy nhanh một số xu thế mới. Tình hình này đã tác động nhiều chiều đến Việt Nam, nhất là khi nước ta bước vào giai đoạn hội nhập và liên kết sâu rộng. 

Trong bối cảnh như vậy, đất nước chúng ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, đạt những thành tựu đáng tự hào về phát triển và đối ngoại, được bạn bè quốc tế ca ngợi và cảm phục. Trong đó, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế có những bước tiến quan trọng, là một điểm sáng trong công tác đối ngoại, đưa nước ta trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong thúc đẩy và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho phát triển đất nước. 

Điển hình, ngay từ đầu năm, chúng ta đã tích cực vận động, phối hợp với Liên minh Châu Âu (EU) hoàn thành phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, đưa Hiệp định vào thực thi từ ngày 1/8/2020. Trong những ngày cuối năm 2020, chúng ta cũng đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Anh nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Anh - đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu - sau khi Anh chính thức rời EU từ ngày 31/12/2020. 

Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các thành viên ASEAN và các đối tác thúc đẩy ký kết thành công Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - FTA có quy mô lớn nhất thế giới - tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội. “Việc ký kết Hiệp định RCEP, với quy mô 30% GDP toàn cầu, có ý nghĩa rất lớn, khẳng định quyết tâm của các nước tiếp tục giữ đà hợp tác và liên kết, củng cố niềm tin và tạo động lực tích cực cho phục hồi kinh tế khu vực. Với thành công này, vai trò trung tâm của ASEAN, trong đó vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, được đặc biệt đề cao”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nêu rõ. 

Theo ông Bùi Thanh Sơn, chúng ta đã cơ bản định hình mạng lưới gồm 17 FTA và các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới. “Vị thế này đang và sẽ tạo ra những động lực vượt trội giúp chúng ta thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, đưa đất nước vững bước tiến lên, hiện thực hóa những tầm nhìn và khát vọng phát triển trong giai đoạn chiến lược mới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh. 

Nâng tầm đóng góp của Việt Nam 

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, với những thành tựu có ý nghĩa lịch sử sau 35 năm đổi mới và 25 năm hội nhập quốc tế kể từ khi chúng ta tham gia ASEAN, với vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được khẳng định, đất nước ta bước sang giai đoạn tham gia liên kết kinh tế quốc tế với một tâm thế hoàn toàn mới. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục chuyển biến sâu sắc, phức tạp, để nâng tầm sự tham gia và vai trò của Việt Nam, ông Sơn đề ra một số định hướng cần tập trung.

Trước hết, cần ưu tiên hàng đầu cho việc thực thi hiệu quả các cam kết trong các FTA và tại các cơ chế hợp tác kinh tế mà chúng ta là thành viên. 

Hai là, tiếp tục hoàn thiện, mở rộng mạng lưới liên kết, hội nhập kinh tế song phương và đa phương với các đối tác và tổ chức trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của liên kết kinh tế tầm toàn cầu, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. 

Ba là, cần nỗ lực và chủ động tham gia quá trình định hình cấu trúc khu vực, xây dựng các khuôn khổ, quy định quản trị kinh tế ở tầm khu vực, liên khu vực và toàn cầu; đóng góp hiệu quả, trách nhiệm vào giải quyết những vấn đề chung, nhất là bảo đảm hệ thống thương mại đa phương tự do, mở và dựa trên luật lệ, cải cách WTO, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm...

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cũng cho rằng cần chủ động tham gia xây dựng các khuôn khổ, quy định quốc tế về quản trị kinh tế số và chuyển đổi số, trên cơ sở phù hợp với lợi ích của ta; tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương “tham gia định hình các thể chế đa phương” và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. 

Đọc thêm