Buôn lậu xăng dầu và những thủ đoạn tinh vi qua mặt lực lượng chức năng

(PLO) - Để trốn được khoản thuế lớn và hưởng chênh lệch giá cao, những kẻ buôn lậu xăng dầu bất chấp pháp luật với nhiều thủ đoạn tinh vi...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Siêu lợi nhuận

Mới đây, trên vùng biển Nghệ An, lực lượng Cảnh sát Biển đã phát hiện, bắt giữ tàu Tân Xuân 36 của Công ty TNHH Tân Xuân, có trụ sở tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), đang vận chuyển khoảng 300 m3 dầu DO. Con tàu này do ông Ngô Đức Thắng làm thuyền trưởng.
Tại thời điểm bị bắt, thuyền trưởng đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu. Qua đấu tranh khai thác, số dầu trên được tàu Tân Xuân 36 nhận từ một tàu khác trên biển…
Trước đó, tại vùng biển Quảng Nam, lực lượng tuần tra của Cảnh sát Biển cũng đã phát hiện tàu Quảng Hà 09 thuộc Công ty Kinh doanh xăng dầu Dung Quất đang mua bán với một tàu khác 10.000 lít dầu diesel nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp… Một vụ buôn lậu với số lượng xăng dầu lớn trên biển khác là vụ buôn lậu 1.692 tấn xăng dầu của Công ty TNHH Hoàng Sơn trên vùng biển Thanh Hóa.
Theo đó, Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc công ty và vợ là Nguyễn Thanh Phương làm Giám đốc công ty này đã thường xuyên chỉ đạo các đối tượng sử dụng tàu có trọng tải lớn và tàu quốc tịch nước ngoài để vận chuyển về Việt Nam mỗi lần từ 2.000 - 5.000 tấn xăng dầu, trung bình mỗi tháng nhập lậu khoảng 5.000 - 10.000 tấn, trốn thuế 20 - 25 tỷ đồng...
Nguyên nhân chính khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển “nóng” trong thời gian qua là do xăng dầu ở một số nước trong khu vực có giá thấp hơn Việt Nam. Nếu mang trót lọt xăng dầu lậu lên đất liền, các đối tượng sẽ trốn được khoản thuế lớn và hưởng chênh lệch giá rất cao… Hiện nay, các khoản thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu đang chiếm khoảng 35 - 40% giá bán lẻ mặt hàng này. Vì vậy, nếu trốn được thuế các đối tượng đã hưởng mức lợi nhuận khổng lồ.
Lực lượng chức năng kiểm tra hành chính chống buôn lậu xăng dầu.
Lực lượng chức năng kiểm tra hành chính chống buôn lậu xăng dầu. 
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, xăng dầu lậu gây thất thu cho ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Tình hình nghiêm trọng tới mức Chủ tịch Hiệp hội này đã có văn bản gửi Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, có biện pháp can thiệp…
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Do siêu lợi nhuận nên các đối tượng buôn lậu xăng dầu lậu trên biển luôn tìm mọi cách để thực hiện các “phi vụ”. Các đối tượng buôn lậu thường mua xăng dầu ngoài biển, sau đó neo đậu ở khu vực phao số 0 để giao dịch. Chỉ cần một tàu mua, một tàu bán cập mạn với nhau là có thể trở thành một “bến” vận chuyển xăng dầu lậu.
Ngoài ra, với mặt hàng xăng dầu, rất khó để lực lượng chức năng “bắt tận tay” khi không phân biệt xăng mới mua hay đã có. Và đểchứng minh được hành vi buôn lậu thì phải bắt quả tang lúc đang bơm hàng. Để chủ động đối phó, các đối tượng còn chuẩn bị sẵn chứng từ đã đóng dấu để có thể điền ngay thông tin về nguồn gốc xăng dầu đang chở trên tàu…
Thủ đoạn tinh vi hơn, rất nhiều đối tượng buôn lậu xăng dầu trên biển còn sử dụng các ngư dân làm “mắt xích” trong đường dây buôn lậu. Theo đó, không ít ngư dân đã mua hoặc chở thuê xăng dầu lậu từ biển về đất liền để tiêu thụ. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, họ khai mua xăng dầu để sử dụng chứ không phải để bán kiếm lời.
Cũng có trường hợp vì lợi nhuận các ngư dân đã thực hiện nhiệm vụ cảnh giới từ xa cho các đối tượng buôn lậu. Họ vừa khai thác thủy hải sản vừa theo dõi tàu của Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan… khi có động tĩnh, ngay lập tức báo lại cho các đối tượng buôn lậu tìm cách ứng phó.
Theo ông Chu Quang Hải, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Nghệ An, để kiểm tra, bắt giữ được các tàu chở xăng dầu lậu là điều rất khó khăn bởi phương tiện tuần tra hiện có không đáp ứng được yêu cầu, trong khi hoạt động mua bán xăng dầu lậu đang xảy ra với nhiều thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh.
Ngoài ra, khó khăn trong chống buôn lậu xăng dầu còn do cơ chế. Theo Thông tư 60 của Liên Bộ Tài chính, Công Thương và Công an về việc hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường, trong thời hạn 72 giờ, kể từ thời điểm kiểm tra hàng hóa của cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, phải xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Chính quy định này đã tạo ra kẽ hở để các đối tượng buôn lậu xăng dầu hợp thức hóa chứng từ trong thời gian cơ quan chức năng tạm giữ hàng nhập lậu…/.

Đọc thêm