Bứt phá từ những cải tiến năng suất chất lượng hàng hóa

(PLVN) - Tốc độ ra sản phẩm mới tương đương tốc độ của Hãng thời trang Zara; năng suất lao động có giai đoạn tăng lên đến hơn 300%... Đó là một vài điểm sáng đáng ghi nhận trong quá trình thực hiện Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp trong giai đoạn 2012-2020 do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nỗ lực cải tiến không ngừng…

Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương, sau khi triển khai xây dựng 468 mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến hiện đại, tập trung chủ yếu cho 8 ngành, lĩnh vực ưu tiên thông qua Dự án này, có tới 99,3% doanh nghiệp (DN) đánh giá hoạt động hỗ trợ của Dự án đem lại hiệu quả, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của DN, lên tới 98%. 

Bà Vũ Hồng Dân, Trưởng phòng Tư vấn cải tiến năng suất (NS) chất lượng, Viện NS (Bộ Khoa học Công nghệ) cho biết, sau 6 tháng triển khai Chương trình thí điểm toàn diện ở 21 DN trong 8 ngành trọng điểm của Việt Nam, đặc biệt là các ngành thâm hụt lao động như dệt may, da giày, kết quả cho thấy, NS lao động tăng từ 10-15%, cá biệt có giai đoạn NS lên đến 150-389% (do áp dụng tự động hóa); Thời gian ra sản phẩm mới giảm 50%; Tốc độ ra sản phẩm mới trong 2 tuần từ khi có ý tưởng và đưa được vào áp dụng (tương đương tốc độ của hãng thời trang Zara), tăng trưởng doanh thu 10-20%...

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, nếu nhìn từ phía DN sản xuất có thể thấy nỗ lực cải tiến không ngừng của các DN và những kết quả rất rõ ràng gắn với mục tiêu tăng NS, chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh của các DN. Tuy nhiên, nhìn từ yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực của các nhà sản xuất đầu chuỗi, thị trường nhập khẩu lại thấy rõ những thách thức và đòi hỏi ngày càng lớn hơn và buộc mỗi DN cần một chiến lược tiếp cận chủ động, toàn diện hơn trong việc nâng cao NS, chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào trong nền kinh tế toàn cầu, các DN đang phải đương đầu với những đối thủ cạnh tranh lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, trình độ quản lý hiện đại. Vì vậy, Thứ trưởng Hưng cho rằng, để có thể cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN Việt Nam cần không ngừng đổi mới về công nghệ, thiết bị, áp dụng các hệ thống quản trị hiện đại, các công cụ cải tiến, mô hình kinh doanh tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của mỗi DN.

Xây dựng các ngân hàng sáng kiến cải tiến

Ông Phan Đăng Danh, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Phổ Yên cho biết, qua triển khai Dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty có bước cải tiến rõ nét. Theo đó, nhờ tiêu chuẩn hóa quá trình sản xuất, tỷ lệ phế phẩm giảm, chất lượng hàng hóa ổn định, kiểm soát tốt quá trình sản xuất. Từ việc triển khai Dự án, giá trị sản lượng của DN này tăng từ 450 tỷ đồng năm 2014 lên khoảng 830 tỷ đồng năm 2020; NS bình quân từ 45 triệu đồng/người/tháng (năm 2014) lên  72 triệu đồng/người/tháng (năm 2020).

Ông Danh nhấn mạnh, DN đặc biệt quan tâm đến công tác cải tiến, giảm chi phí, nâng cao chất lượng. Thông qua việc thành lập hội đồng sáng kiến cải tiến, hàng năm những cải tiến của DN đã mang lại nhiều hiệu quả. Năm 2018 có 797 sáng kiến cải tiến, làm lợi gần 10 tỷ đồng; Năm 2019 có 938 sáng kiến cải tiến, làm lợi gần 16 tỷ đồng và năm 2020 có 1.218 sáng kiến cải tiến, làm lợi 18 tỷ đồng. Trong đó có nhiều đề tài về tự động hóa trong sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. 

Đây cũng là điều mà Công ty CP May 10 đã thực hiện trong thời gian qua. Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc May 10 khẳng định bất cứ hoạt động nào nâng cao NS thì May 10 không ngại đầu tư. Công ty tổ chức ngày hội ý tưởng hàng năm, các ý tưởng cải tiến được xét thưởng hàng quý. May 10 đã cập nhật một ngân hàng sáng kiến để các đơn vị có thể tiếp cận và áp dụng ngay. Giá trị làm lợi nhờ các sáng kiến lên đến hàng chục tỷ đồng. “Tuy nhiên cơ hội để cải tiến NS vẫn còn rất nhiều, như học hỏi ở các đơn vị bạn. Chúng tôi xác định việc nâng cao NS chất lượng là quá trình dài, bền bỉ” - ông Long nói. 

Ngoài ra, để chủ động vấn đề kỹ thuật, May 10 đã đầu tư phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm có thể thực hiện các phép thử cho các khách hàng, làm dịch vụ các phép thử theo tiêu chuẩn quốc tế tương đương với các phòng thí nghiệm lớn như Interteck, BV. Do đó, phòng thí nghiệm này có thể tiến hành thử nghiệm cho các đơn vị trước đây vẫn phải gửi mẫu ra nước ngoài đánh giá. Điều này tiết kiệm được chi phí không chỉ cho May 10 mà còn cho các DN ngành dệt may khác.

Đọc thêm