Các hãng hàng không niêm yết cả giá gốc và giá tổng

(PLVN) - ‘Thực tế giá vé của các hãng khác ngoài Vietnam Airlines còn được công bố, niêm yết 2 trong 1, cả giá Net và Gross. Ban đầu là giá gốc (Net), sau khi lựa chọn dịch vụ, khách hàng nhận được niêm yết giá Gross, bao gồm đầy đủ dịch vụ và thuế, phí kèm theo’. 
LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico
LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico

LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế, thành viên Tổ công tác thi hành luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư cho biết như vậy khi bàn về  ‘cuộc chiến’ niêm yết vé máy bay do Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) phát động.   

Báo PLVN có cuộc trao đổi với LS Đức nhằm cung cấp thông tin cho độc giả hiểu rõ hơn về một vấn đề đặc thù của ngành hàng không.

Giá nhà nước quy định theo luật hàng không

Thưa ông, pháp luật quy định về giá cước vận chuyển hàng không như thế nào?

- Các hãng hàng không phải quyết định giá cước vận chuyển và niêm yết giá trên cơ sở khung giá của Nhà nước và theo quy định của 2 luật.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 5, Điều 12 về “Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh” của Luật Giá năm 2012 thì hãng hàng không phải “niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết”.

Và theo quy định tại khoản 3, Điều 11 về “ Phí, lệ phí và giá dịch vụ hàng không”; quy định tại khoản 2, Điều 116 về “Giá cước vận chuyển hàng không” của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì “giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa” theo khung giá do Bộ GTVT quy định.

Vậy Bộ GTVT quy định về cụ thể về giá vận chuyển hàng không nội địa ra sao?

- Theo quy định tại Điều 4 về “Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách”, Thông tư số 17/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT, ban hành “Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa”, thì có 6 mức giá tối đa vận chuyển hành khách hàng không nội địa (từ 1,6 đến 3,75 triệu đồng mỗi vé tính cho một chiều bay). 

Các mức tối đa này “đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 01 vé máy bay”, nhưng lại trừ 3 khoản thu sau: 

Thứ nhất, là thuế giá trị gia tăng (10% VAT); 

Thứ hai, là các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm: giá phục vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý;

Thứ ba, là khoản giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm. Trong đó, “giá dịch vụ đối với các dịch vụ tăng thêm do các hãng hàng không quyết định trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng hàng không và nhu cầu của thị trường”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, việc niêm yết đúng “giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định” có thể được hiểu là giá chưa bao gồm 3 khoản thuế, phí, lệ phí và giá dịch vụ tăng thêm.

Niêm yết theo cách nào cũng không sai luật

Các hãng hàng không trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng niêm yết giá như thế nào?

- Cách thứ nhất là doanh nghiệp niêm yết giá vé máy bay chung, đã bao gồm mọi khoản thuế, phí, lệ phí và chi phí tăng thêm. Còn cách thứ hai, doanh nghiệp niêm yết chi tiết giá, gồm giá gốc, cộng với từng khoản thuế, phí, lệ phí, các khoản thu hộ và các khoản tăng thêm.

Cách thứ nhất phù hợp với mô hình kinh doanh truyền thống (Vietnam Airlines đang áp dụng), đơn giản nhưng có những điểm bất hợp lý.

Cách thứ hai thì sao thưa ông? 

- Cách thứ hai phù hợp với mô hình kinh doanh mới, hiện đại và khắc phục được những điểm bất cập kể trên. Đối với lĩnh vực hàng không, tôi cho rằng cách thứ hai vẫn phù hợp với quy định tại khoản 6, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” của Luật Giá năm 2012 về yêu cầu niêm yết giá.

Vì, dù niêm yết theo cách nào thì khách hàng cũng luôn biết rõ mức giá cuối cùng phải trả trước khi quyết định mua vé và thường cách một số ngày trước khi bước lên tàu bay.

Việc niêm yết giá vận chuyển hàng không có bắt buộc bao gồm các khoản thuế, phí, lệ phí, thu hộ và giá trị tăng thêm nêu trên hay không?

- Theo quy định tại khoản 3, Điều 18 về “Cách thức niêm yết giá”, Nghị định số 177/2013 “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 149/2016, thì giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó. 

Dù có thực hiện đúng quy định này thì cũng vẫn có thể chưa phải là giá cuối cùng, hay chưa phải “toàn bộ chi phí hành khách phải trả” như đã nêu tại Thông tư số 17/2019 kể trên.

Trong khi đó, Nghị định 177/2013 và Nghị định 149/2016 và các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể phải niêm yết giá (gồm thuế, phí) ở bước nào. Đồng thời cũng chưa có hướng dẫn việc niêm yết từng yếu tố cấu thành, sau đó mới cộng giá gốc với dịch vụ đi kèm và các loại thuế, phí.

Vấn đề pháp lý hay thất thế cạnh tranh? 

Tức là luật có độ mở để hãng hàng không lưa chọn niêm yết, chứ không ‘đóng’ như cách hiểu của Vietnam Airlines? 

- Đúng vậy. Với tính chất rất đặc thù của ngành hàng không hoạt động theo luật chuyên ngành, đặc biệt là theo thông lệ quốc tế thì việc niêm yết giá tối thiểu (gốc), chưa bao gồm thuế, phí, lệ phí và chi phí dịch vụ tăng thêm là điều bình thường.

Đó là chưa kể thực tế giá vé của các hãng khác ngoài Vietnam Airlines còn được công bố, niêm yết 2 trong 1, cả giá Net và Gross. Ban đầu là giá gốc (Net), sau khi lựa chọn dịch vụ, khách hàng nhận được niêm yết giá Gross, bao gồm đầy đủ dịch vụ và thuế, phí kèm theo. 

Và suy đến cùng, việc tách bạch và công khai rõ ràng các khoản phải trả trước khi khách hàng mua vé hoặc sử dụng dịch vụ cũng là một cách thức niêm yết đã bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí của dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật. 

Vậy tóm lại, xin hỏi Luật sư, Vietnam Airlines kiến nghị như vậy có đúng luật không?

- Kiến nghị của Vietnam Airlines  chỉ căn cứ vào khoản 3, Điều 18 về ‘Cách thức niêm yết giá’ của Nghị định số 177/2013 và đặc biệt là khi họ đang niêm yết giá theo cách thứ nhất, còn các hãng hàng không khác niêm yết đồng thời cả giá Net và giá Gross theo cách thứ hai. Vietnam Airlines chỉ căn cứ vào giá Net, không xem xét giá Gross của các hãng khác cũng có niêm yết đồng thời mà kiến nghị như vậy là chưa phù hợp. 3

Hơn nữa, trong vụ việc lùm xùm này, xét về bản chất thì không còn đơn thuần là vấn đề pháp lý, mà là sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không, trong đó Vietnam Airlines đang mất dần thị phần. Thậm chí, không chỉ Vietnam Airlines mà công ty con hãng hàng không Jestar Pacific do Vietnam Airlines sở hữu đến 70% cũng đuối dần. Và chính Jestar Pacific cũng đang niêm yết giá theo cách cả Net và Gross như các hãng hàng không còn lại.

Xin cảm ơn luật sư! 

Theo LS Trương Thanh Đức, cách niêm yết giá vé như của Vietnam Airlines có những bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, như:

Thứ nhất, là cào bằng, không phân biệt theo mức độ sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người không có hành lý cũng phải trả tiền cước như người có 23kg hành lý; 

Thứ hai, là khách hàng không biết rõ phải trả bao nhiêu cho hàng hóa, dịch vụ của người bán và phải nộp bao nhiêu thuế giá trị gia tăng (có thể là 0, 5 hoặc 10%) cùng với các khoản phí, lệ phí cho Nhà nước cũng như trả cho người thứ ba trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp hàng không thu hộ;

Thứ ba, gần như không thể niêm yết được giá chính xác trong trường hợp cung ứng và sử dụng thêm các dịch vụ gia tăng riêng biệt đối với từng khách hàng như dịch vụ phòng chờ, chọn chỗ ngồi,…

Đọc thêm