Các “ông lớn” Điện, Than, Dầu cổ phần hóa ra sao?

(PLVN) - Với sự quản lý của Ủy ban vốn, 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương cũng đã theo các doanh nghiệp về trực thuộc cơ quan này, hiện đang trong lộ trình thoát lỗ và cũng đã ghi nhận những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa, thoái vốn và hồi sinh một số dự án của các “ông lớn” lĩnh vực Công Thương nhìn chung vẫn đang gặp khó.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đến nay vẫn chưa hoàn thành việc thoái vốn trên 24% theo lộ trình
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đến nay vẫn chưa hoàn thành việc thoái vốn trên 24% theo lộ trình

Hai dự án đã có lãi

Thực hiện Nghị định 131/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã bàn giao 6 Tổng công ty, Tập đoàn, bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, với tổng số vốn nhà nước hơn 550.000 tỷ đồng. Cùng  đó, 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương cũng được chuyển giao sang Ủy ban vốn. 

Sau quá trình tiếp nhận, Ủy ban đã tiếp tục thực hiện lộ trình xử lý 12 dự án nêu trên. Báo cáo mới nhất của Ủy ban vốn, sau khi tiếp nhận nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại yếu kém tại các dự án, Ủy ban này đã làm việc trực tiếp tìm hiểu 9/12 dự án, doanh nghiệp, đã xây dựng báo cáo và đề xuất một số giải pháp tại cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ 8 mới diễn ra. 

Sau hơn một năm đảm nhiệm công tác xử lý tồn tại, theo Ủy ban, 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương đã có những chuyển biến như: Trong số 6 dự án trước đây luôn hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ thì nay đã có 2 dự án bước đầu có lãi (bao gồm Dự án Nhà máy DAP 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt Trung), trong đó có một dự án đang làm thủ tục để ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ (Dự án Nhà máy DAP 1-Hải Phòng). 

Bốn dự án còn lại (Nhà máy đạm Ninh Bình; Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP Lào Cai và Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Dung Quất) từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu bù đắp chi phí biến đổi, giảm lỗ so với cùng kỳ. Trong số 4 dự án này cá biệt có dự án đạt doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 xấp xỉ bằng cả năm 2018, đó là đạm Ninh Bình).

Ngoài ra, 3 dự án đã bị dừng sản xuất kinh doanh - nay đã có 2 dự án vận hành trở lại (Dự án Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ); 1 dự án đã sẵn sàng khởi động lại khi điều kiện thị trường thuận lợi (Dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước). 

Cổ phần hóa chậm

Trong khi kết quả xử lý 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương đã và đang có những dấu hiệu tích cực ban đầu, thì công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại 19  Tổng công ty, Tập đoàn lại đang gặp nhiều khó khăn. Một báo cáo mới nhất của Ủy ban vốn cho hay, đến nay cơ quan này mới chỉ hoàn thành CPH duy nhất Công ty TNHH MTV In và Phát hành Biểu mẫu thống kê, thu về số tiền chênh lệch 23 tỷ đồng. 

Công tác CPH đối với các Tổng công ty Phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới chỉ bắt đầu những bước đầu tiên. Cụ thể, Ủy ban vốn đang triển khai lấy ý kiến các cơ quan liên quan về thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp với Tổng Công ty Phát điện 1, Tổng Công ty Phát điện 2 đã  có quyết định về dự toán chi phí và lựa chọn tư vấn cổ phần hóa. Hiện đã có quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu Tư vấn xác định doanh nghiệp để CPH... 

Đáng lưu ý, Ủy ban vốn đã có Công văn số 557 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh, sửa đổi danh mục  doanh nghiệp CPH giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Ủy ban thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư việc điều chỉnh lộ trình CPH 6 doanh nghiệp trong giai đoạn 2019 - 2020 (bao gồm Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam,Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty cà phê Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam). 

Tính đến nay, các doanh nghiệp nói trên đã bắt đầu triển khai những bước đầu của công tác CPH. Tuy nhiên, do phải hoàn thành việc sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất của các doanh nghiệp trước khi thực hiện các bước CPH theo quy định nên việc CPH đúng tiến độ đối với các DN này sẽ rất khó khăn do không còn thời gian để thực hiện. 

Đối với 13 doanh nghiệp cấp 2 (là các công ty con của các Tổng công ty, Tập đoàn) trong lộ trình CPH trong giai đoạn 2019 - 2020, Ủy ban vốn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ không đưa 5 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (các Tổng Công ty  Điện lực Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam, TP.Hà Nội và TP.HCM) vào danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện CPH trong giai đoạn này.

Ngoài ra, trong một năm dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban vốn, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành thoái vốn theo yêu cầu. Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2020, Ủy ban có một tập đoàn và hai Tổng công ty thuộc diện phải thực hiện thoái vốn là Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex (thoái 24,86% năm 2018); Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam thoái 35,16% và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thoái 20% năm 2018 và 10,4% năm 2020 với tổng giá trị nhà nước thu về khoảng hơn 140.000 tỷ đồng. Nhưng đến lúc này, các “ông lớn” nói trên vẫn chưa hoàn thành việc thoái vốn. 

Tại những đơn vị còn lại, việc tiến hành thoái vốn cũng đang ì ạch. Cụ thể, đối với công ty con, công ty liên kết của các Tổng công ty, Tập đoàn trực thuộc Ủy ban vốn (trừ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC) mới thực hiện thoái vốn được 14/81 doanh nghiệp; tại các doanh nghiệp do SCIC làm đại diện chủ sở hữu, mới thoái vốn được 52/132 doanh nghiệp.

Đọc thêm