Các “ông lớn” thâm nhập thị trường bia “béo bở” ở Việt Nam

(PLO) -Hãng tin Bloomberg trong một bài viết được đăng tải hồi cuối tháng 8 vừa qua cho rằng việc công ty Heineken mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam bằng việc mua lại một nhà máy sản xuất bia của đối thủ Carlsberg đã cho thấy rõ sự quan tâm của các hãng bia thế giới tới việc làm dịu cơn khát của khoảng 70 triệu người Việt Nam - một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Hình minh họa
Hình minh họa

4,04 tỉ lít bia 

Với sự tăng nhanh các quán café bên đường phố và văn hóa quán bar, dân số trẻ và sự gia tăng số người thuộc tầng lớp trung lưu, Việt Nam đang khiến các nhà sản xuất bia như Heineken, Thai Beverage và Asahi mở rộng hoạt động sản xuất và kinh doanh. 

Sự quan tâm của các hãng bia nước ngoài tới thị phần ở Việt Nam càng được thúc đẩy với việc chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch thoái vốn ở các tài sản sinh lời hấp dẫn này.

Carlsberg hiện đang trong lộ trình tăng hơn gấp đôi cổ phần của họ ở Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

“Thị trường bia của Việt Nam thu hút sự quan tâm lớn từ các công ty nước ngoài như các công ty ở Thái Lan và Nhật Bản” – ông Dominic Scriven, Chủ tịch quỹ đầu tư Dragon Capital, nhận định.

Ông Scriven cho rằng sự thu hút này phản ánh việc các nhà đầu tư nước ngoài đang nhận thấy họ có lợi ích chiến lược lớn hơn trong ngành công nghiệp bia rượu ở Việt Nam so với các lĩnh vực khác.

Theo Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam, tiêu thụ bia ở Việt Nam đã tăng 40% trong giai đoạn 2010 – 2015.

Còn ước tính của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho thấy, người Việt Nam dự kiến sẽ tiêu thụ hơn 4,04 tỉ lít bia trong năm nay, nhiều nhất trong khu vực và tăng mạnh so với con số 3,88 tỉ lít trong năm 2015.

“Tăng trưởng tuyệt vời”

Các nhà kinh tế dự đoán Việt Nam sẽ nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm 2016 vì Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ ngành công nghiệp sản xuất đã có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. 

Theo số liệu của Euromonitor, lượng công dân của Việt Nam đủ tuổi uống rượu bia theo luật, tức từ 18 tuổi trở lên, dự kiến sẽ tăng lên thành 72,4 triệu người vào năm 2021 so với con số 68,7 triệu của năm nay.

“Tăng trưởng của thị trường bia ở Việt Nam trong vài năm qua thực sự tuyệt vời và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm” – ông Andy Ho, Giám đốc điều hành của VinaCapital ở thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.

Heineken hồi tháng 7 vừa qua đã mua lại Công ty cổ phần bia Carlsberg Việt Nam - Vũng Tàu. Giám đốc điều hành Carlsberg Cees’t Hart cho biết việc bán cơ sở tại thành phố cảng miền Nam Vũng Tàu sẽ tạo điều kiện để công ty sản xuất bia đến từ Đan Mạch này tập trung vào thị phần hiện có của công ty ở miền Bắc Việt Nam. 

Công ty bia Heineken có trụ sở ở Amsterdam hiện là nhà sản xuất bia lớn thứ 2 ở Việt Nam. Cổ phần của công ty đã tăng giá 0,5% so với thời điểm đầu năm còn cổ phần của Carlsberg cũng tăng 2%. Chỉ số chứng khoán của Việt Nam trong giai đoạn này tăng 17%.

Ít bị chi phối

“Chúng tôi đã có nền tảng ở Việt Nam và muốn cải thiện nền tảng đó” – ông Hart chia sẻ, ý nói đến thị phần của hãng ở công ty bia có trụ sở tại miền Bắc Việt Nam Habeco.

Carlsberg hiện đang chờ chính phủ Việt Nam cho phép công ty nâng cổ phần của họ ở Habeco từ 17% lên thành 30%. “Trên thực tế, chúng tôi đang tập trung vào thị trường ở miền Bắc Việt Nam” – ông Hart nói thêm.

Theo nhà phân tích Andrea Lianto của Euromonitor, một điểm hấp dẫn khác của thị trường bia của Việt Nam là việc thị trường này ít bị các hãng bia địa phương chi phối hơn so với các nước châu Á như Nhật Bản và  Thái Lan.

Tại các nước này, các thương hiệu bia trong nước chiếm đến khoảng 90% thị phần. Ngược lại, trong năm 2015, các hãng bia của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 63% tổng thị phần nội địa. Bà Lianto nhận định, chính sự đối ngược này đã tạo cơ hội để các công ty bia nước ngoài phát triển tại Việt Nam.

Hạn hán tồi tệ nhất

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội – hồi tháng 7 vừa qua cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn có những rủi ro do Việt Nam đang phải gánh chịu hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 30 năm qua và việc doanh thu từ dầu giảm, khiến Việt Nam khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Theo ước tính trung bình của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 6,3% trong năm nay.

“Đô thị hóa ở Việt Nam vẫn đang tăng khá nhanh. Mức độ rủi ro ở đây không như ở những nước khác, kể cả ở châu Á” – Giám đốc tài chính của Heineken Laurence Debroux cho biết. Theo bà Debroux, thành tích tăng trưởng của công ty ở Việt Nam là “tuyệt vời”.

Định giá ở Sabeco không quá cao

Tiếp tục chủ đề về tiềm năng của thị trường bia rượu ở Việt Nam, Bloomberg ngày 7/9 thông tin, Bộ Công thương Việt Nam ngày 31/8 thông báo chính phủ đang có kế hoạch bán toàn bộ 89,59% cổ phần ở Sabeco, có giá trị khoảng 1,8 tỉ USD, và 82% cổ phần ở Habeco với giá trị khoảng 404 triệu USD. Sabeco sẽ được bán thành 2 đợt trong năm 2016 và 2017 còn Habeco sẽ được thoái vốn trong năm nay.

Theo ông Lê Hồng Xanh, Tổng Giám đốc Sabeco, công ty Heineken, Anheuser-Busch InBev và đối tác sáp nhập SABMiller cùng Tập đoàn Asahi và Kirin của Nhật là 4 trong số 7 công ty nước ngoài đã đăng ký tham gia đấu thầu mua cổ phần ở Sabeco.

Các công ty khác đã đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần tại Sabeco là Singha Asia và Pcl của Thái Lan và công ty chứng khoán Sài Gòn của Việt Nam. 

“Sabeco không quan tâm người mua là công ty nước ngoài hay trong nước. Tất cả những việc mà chúng tôi quan tâm là ai sẽ trả giá cao nhất. Chính phủ muốn bán cổ phần càng sớm càng tốt” – ông Xanh khẳng định.

Vẫn theo lời ông Xanh, các bên tham gia đấu thầu sẽ cần phải đăng lý lại khi quá trình mời thầu bắt đầu vì các nhà thầu quan tâm đến thương vụ này đã đăng ký trước tháng 4/2016, trước khi Thủ tướng mới của Việt Nam tiếp quản việc điều hành chính phủ.

Trong quá trình đăng ký tới đây, các công ty đã đăng ký có thể rút lui và các nhà thầu khác có thể tiếp tục đăng ký.

Sabeco dự báo tổng doanh thu của công ty này trong năm 2016 có thể tăng 10%, lên thành khoảng 3,76 nghìn tỉ đồng (169 triệu USD) so với mức doanh thu ròng 3,42 nghìn tỉ đồng theo các báo cáo của công ty năm 2015. Đó là lý do chính phủ Việt Nam định giá cổ phần của công ty ở mức gấp 11 lần tổng doanh thu của công ty.

Ông John Ditty – một nhà phân tích thị trường – cho rằng định giá của chính phủ Việt Nam đối với Sabeco không hề quá cao. “Sabeco có các thương hiệu và hệ thống phân phối hiện có mạnh. Do đó các nhà đầu tư sẽ phải quyết định mức rủi ro của thương vụ này” – ông Ditty nói.

Theo Euromonitor International, các công ty bia nước ngoài muốn tăng cổ phần của họ ở Việt Nam vì việc tiêu thụ bia của Việt Nam dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cho đến năm 2020.

Ngược lại, các thị trường chủ đạo ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Philippines đều giảm lượng tiêu thụ trong năm ngoái. 

“Người Việt Nam thích gặp gỡ nhau và hễ có việc gì đó thì họ phải uống bia” – ông Xanh lý giải về nguyên nhân lượng tiêu thụ bia của Việt Nam ở mức cao và luôn gia tăng.

Theo hãng tin CNBC của Mỹ, bên cạnh thị trường tiêu thụ trong nước lớn, Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được dự báo cũng sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp bia của Việt Nam.

Bởi, theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ hồi tháng 5 vừa qua, mức thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam hiện nay đối với mặt hàng bia nhập khẩu là 55% và mức này dự kiến sẽ tăng lên thành 60% vào tháng 1/2017.

Nhưng nếu TPP được tất cả các nước tham gia phê chuẩn, mức thuế đánh vào mặt hàng bia nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị cắt giảm, đồng thời chi phí các nguyên liệu thô như lúa mạnh cũng sẽ rẻ hơn nhiều.

Đọc thêm