Các quốc gia đang quản lý thị trường ngoại hối Forex như thế nào?

(PLVN) - Nhắc đến thị trường ngoại hối (còn được biết đến như là forex hay FX) thực chất là nói tới thị trường toàn cầu, phi tập trung OTC, nơi mà nhà giao dịch, nhà đầu tư, các tổ chức và ngân hàng, trao đổi, đầu tư, mua và bán các đồng tiền trên thế giới. 
Các quốc gia đang quản lý thị trường ngoại hối Forex như thế nào?

Việc giao dịch được thực hiện trên “thị trường liên ngân hàng”, một kênh trực tuyến mà qua đó các đồng tiền được giao dịch 24 một ngày, 5 ngày một tuần. Forex là một trong những thị trường giao dịch lớn nhất, với doanh thu hàng ngày toàn cầu được ước tính vượt mức 5 nghìn tỷ USD.

Tìm hiểu về cách quản lý thị trường FOREX ở các quốc gia khác nhau

Châu Âu được đánh giá là nơi mà thị trường Forex bị quản lý thuộc mức chặt nhất thế giới. Việc quản lý các giao dịch tài chính ở châu Âu thuộc trách nhiệm của các ủy ban và sở thuộc cấp quốc gia, ví dụ như Financial Conduct Authority (Cơ quan Kiểm soát ngành Tài chính - FCA) ở Anh, Cyprus Securities and Exchange Commission (Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Đảo Síp -CySEC) và Ủy ban Kiểm soát Giao dịch Tài Chính (BaFin) ở Đức.

Mặc dù mỗi quốc gia châu Âu đều có các khung pháp lý và quy định riêng, vẫn có những cơ quan kiểm sát liên quốc gia với các quyền hạn bao trùm ở khu vực để giúp chính phủ các nước có thể phối hợp với nhau. Các cơ quan đó bao gồm:

Ngân hàng châu Âu (ECB); cơ quan Kiểm soát Ngân hàng; cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA). Các nhà đầu tư khi giao dịch ở một sàn Forex thường sẽ thấy các sàn đó quảng cáo rằng họ được giám sát bởi một ủy ban ở châu Âu, tuy nhiên thực chất không có một cơ quan nào giám sát chung về thị trường này cho toàn bộ giao dịch ở châu Âu. 

Các quốc gia ở châu Âu chỉ có các văn bản thỏa thuận giúp phối hợp phòng chống tội phạm.Tuy nhiên chính phủ các nước châu Âu đều áp dụng MiFID trong việc quản lý giao dịch Forex. MiFID là ghi tắt của từ Markets in Financial Instruments Directive, dịch nôm na là Định hướng Công cụ Tài chính thị trường thuộc Liên minh Châu Âu (EU). MiFID là một quy định giúp gia tăng sự minh bạch trong các thị trường tài chính tại Châu Âu và tiêu chuẩn hóa các thông tin bắt buộc phải cung cấp trong những thị trường nhất định. MiFID đã thực hiện các chương trình mới, ví dụ như yêu cầu phải minh bạch quá trình trước và sau khi giao dịch, lưu trữ các cuộc gọi tư vấn, kiểm tra khả năng tài chính của khách hàng, phải được kiểm toán đầy đủ, phải đạt được các yêu cầu về an toàn dữ liệu. 

Chỉ thị này buộc phải chấp hành trong Liên Minh Châu Âu từ năm 2008. MiFID có một số phạm vi nhất định tập trung chủ yếu vào các giao dịch phi tập trung (OTC - Over the Counter). Tuy nhiên không phải quốc gia châu Âu nào cũng áp dụng MiFID. Có nhiều sàn giao dịch đã chọn mở văn phòng ở Đảo Síp, Malta hay Bulgaria, vì những nơi này thường nới lỏng các điều kiện yêu cầu trong việc kinh doanh Forex. 

Hoa Kì

Những luật lệ ở châu Âu dành cho thị trường Forex vẫn chưa phải là chặt nhất thế giới. Nơi thị trường Forex bị kiểm soát chặt nhất là ở Mỹ. Việc quản lý thị trường Forex ở Mỹ là trách nhiệm của CFTC (Commodity Futures Trading Commission - Ủy ban về Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ) và NFA (National Futures Association - Hiệp hội Giao dịch Tương lai Mỹ). Chỉ những sàn giao dịch Forex nào đã được cấp phép bởi CTFC và NFA mới được phép cung cấp dịch vụ này cho công dân Mỹ. Bất kì sàn giao dịch nào không có đủ 2 giấy phép này đều không được quảng bá dịch vụ hay tiếp cận người dân. Đây là lí do tại sao rất nhiều sàn giao dịch Forex khi mở ra đều có cảnh báo riêng cho người Mỹ, nhắc họ rằng các dịch vụ của họ không thể được thực hiện trên lãnh thổ Mỹ. Các khung pháp lý và quy định về việc giao dịch Forex đã trở nên chặt chẽ hơn rất nhiều kể từ khi Đạo luật Dodd-Frank được áp dụng từ năm 2008, trong bối cảnh nền tài chính toàn cầu đang rơi vào suy thoái. 

Rất nhiều sàn chứng khoán đã bị buộc ngưng hoạt động bởi chính quyền và bị áp dụng các hình phạt rất nặng vì vi phạm các quy định về giao dịch.

Kể từ năm 2008, NFA đã giảm mức đòn bẩy tối đa cho việc giao dịch Forex xuống chỉ còn 50:1, trong khi trước đó con số này giao động trong khoảng từ 500:1 đến thậm chí 1000:1. Bên cạnh đó các sàn giao dịch phải kiểm tra tình hình tài chính cá nhân của khách hàng để đảm bảo họ có đủ năng lực tài chính để tham gia giao dịch.

Bên cạnh đó luật pháp Mỹ cũng yêu cầu các sàn giao dịch phải công khai số liệu của mình, bao gồm số lượng tài khoản mở ở sàn, chính sách và cách vận hành, cũng như mức lợi nhuận thu về. Ngoài ra mức vốn tối thiểu để được phép mở sàn cũng được NFA nâng cao lên. Điều này đã dẫn đến việc rất nhiều sàn chứng khoán đã phải rời nước Mỹ do không đáp ứng được các quy định chặt chẽ trên.

 

Úc và New Zealand

Ở Úc, kể từ năm 2006 thì việc kiểm soát thị trường Forex được thực hiện bởi Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC). Tất cả các sàn giao dịch hoạt động ở Úc đều phải được cấp phép bởi ASIC để có thể mở tài khoản cho khách hàng. Các tiêu chuẩn mà ASIC đặt ra cho các sàn là rất cao, bao gồm các tiêu chuẩn cao về việc bảo mật thông tin của khách hàng, yêu cầu minh bạch về tài chính cũng như các hoạt động giao dịch.

Tuy nhiên điểm yếu của ASIC là chỉ có thể bảo vệ được công dân của Úc trong trường hợp họ thực hiện giao dịch với các sàn đăng kí hoạt động ở Úc. Có hàng nghìn người Úc mở tài khoản giao dịch ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Đảo Síp, Anh và châu Âu, bất chấp các rủi ro mà họ có thể gặp. Lí do là vì thị trường Úc được đánh giá là thị trường nhỏ và không có nhiều sàn giao dịch lớn hoạt động ở đấy. Điều đó khiến cho các nhà đầu tư Úc mở tài khoản ở sàn nước ngoài để có thể tiếp cận được các dịch vụ tân tiến hơn.

Trong khi đó ở New Zealand, sau nhiều lần cải tổ thì thị trường Forex ở đây đã được chính phủ ở đây quản lý chặt chẽ hơn. Trước đây thì New Zealand được các sàn giao dịch xem là nơi làm ăn dễ dàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tương tự như Đảo Síp hay Malta ở châu Âu. Nhưng từ khi Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính (FMA) của New Zealand đưa ra các điều luật mới thì hoạt động giao dịch ở đây trở nên khó khăn hơn. Các điều kiện kinh doanh bây giờ trở nên gắt gao hơn trước, ví dụ như FMA yêu cầu các sàn phải có khối lượng tài sản tối thiểu là 1.000.000 NZD (khoảng 660.000 USD) hoặc tương đương 10% doanh số trung bình để có thể hoạt động. 

Phải có các chính phòng ngừa rủi ro bảo vệ tài sản của khách hàng, phải đánh giá khả năng tài chính của khách hàng cũng như giúp khách hàng hiểu rõ các rủi ro họ có thể gặp phải. Nhưng cũng như ở Úc, New Zealand là một thị trường nhỏ ít có sự hiện diện của các sàn lớn, dẫn đến việc nhiều công dân của nước họ phải mở tài khoản ở châu Âu hoặc châu Á để giao dịch.

Singapore

Mặc dù nhỏ bé về mặt địa lý nhưng Singapore là thị trường Forex lớn hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhờ vào sự cởi mở trong việc đón nhận các nhà đầu tư tài chính nước ngoài. Đi kèm với sự cởi mở này là một khung pháp luật và các chính sách vô cùng chặt chẽ.

Thị trường Forex ở đảo quốc này được kiểm soát bởi Ủy ban Tiền tệ Singapore (MAS), vốn vận hành như một ngân hàng trung ương ở nước này. Bất kì một sàn giao dịch nào muốn hoạt động ở Singapore đều phải được cấp phép bởi MAS.

Các quy định về giao dịch Forex ở Singapore được đánh giá là nghiêm ngặt như ở Mỹ. Bất kì ai muốn mở tài khoản giao dịch ở đây đều phải cung cấp định danh cá nhân (thẻ căn cước hoặc hộ chiếu quốc tế) cũng như hóa đơn điện/nước để chứng minh là họ đang sinh sống ở Singapore. Bên cạnh đó nhà đầu tư phải cung cấp giấy tờ chứng minh khả năng tài chính của mình và họ không được phép giao dịch với đòn bẩy lớn. Mức đòn bẩy cho phép ở đây chỉ là 20:1.

Về phía các sàn giao dịch Forex, họ không được cung cấp nền tảng MetaTrader4 cho các hoạt động giao dịch. MAS cũng yêu cầu họ phải có các tài khoản khác nhau để tách biệt tiền của công ty và tiền của nhà đầu tư. Điều đó nhằm đảm bảo rằng ngay cả khi sàn giao dịch đó phá sản thì các nhà đầu tư đều vẫn rút được tiền của mình về. Bên cạnh đó các sàn Forex bị yêu cầu phải giải thích thật kĩ các gói sản phẩm mà họ mời chào cho khách hàng, cũng như sẽ bị phạt nặng nếu những thông tin của họ đưa ra là thiếu chính xác hoặc gây hiểu nhầm cho nhà đầu tư.

Nhìn chung việc giao dịch Forex ở các sàn được cấp giấy phép ở Singapore được đánh giá là an toàn hàng đầu thế giới. 

Đọc thêm