Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Trong tay ai?

(PLO) - Không thể phủ nhận vai trò của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, còn được gọi nôm na là cách mạng công nghiệp 4.0, trong sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu nói chung, trong phát triển của xã hội Việt Nam nói riêng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng làm thế nào để bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một câu hỏi mà các cơ quan hữu trách đang nỗ lực tìm lời giải hữu dụng.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế trên toàn thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung đó. Theo Bộ Công Thương, mang tính chất của một cuộc cách mạng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học công nghệ đã và đang làm biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ về tư liệu sản xuất, làm thay đổi căn bản cách thức con người tác động vào đối tượng sản xuất và làm thay đổi nền sản xuất của xã hội.

Tránh tình trạng chỉ hô hào suông mà không biết mình phải làm gì

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 ngày 3/4, Chính phủ đã ghi nhận và đánh giá cao nội dung Báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Khoa học và Công nghệ và các chuyên gia Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA). 

Chính phủ quyết nghị, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng số hóa và kết nối, có quy mô tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất trong tương lai, có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng đưa đến thách thức đối với quá trình phát triển. 

“Việt Nam cần chủ động có định hướng, giải pháp thiết thực để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu các tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trước hết là có bước đột phá về công nghệ thông tin” - Nghị quyết phiên họp Chính phủ nêu rõ và giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan liên quan và VINASA xây dựng dự thảo Chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2017. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ trưởng phải nhận thức rõ, tập trung hơn vào việc này, “tránh tình trạng chỗ nào cũng nói cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”. 

Cách mạng công nghiệp 4.0: 85% doanh nghiệp quan tâm

Một khảo sát được thực hiện với 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho thấy, có đến 85% thể hiện sự quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong 85% doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm này, có 55% doanh nghiệp đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết. Nhưng về chiến lược, có đến 79% doanh nghiệp trong số này trả lời rằng họ “chưa làm gì để đón sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. 55% doanh nghiệp cũng cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch, và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai. 

Đối với các doanh nghiệp không quan tâm đến cuộc cách mạng 4.0, 67% doanh nghiệp cho hay, họ không thấy liên quan và ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp; 56% cho rằng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp không bị tác động nhiều; 76% doanh nghiệp cho rằng chưa hiểu rõ bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, có đến 54% chưa có nhu cầu quan tâm.

Tại diễn đàn “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất” vừa được tổ chức cuối tuần trước, nhiều chuyên gia cho rằng: “Để bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần phải có bàn tay mạnh mẽ từ Chính phủ”. 

“Diễn đàn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 11/4 sẽ đưa ra cái nhìn toàn cảnh về xu thế và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với chiến lược phát triển các lĩnh vực sản xuất, thương mại, nông nghiệp, dịch vụ của Việt Nam.
2 tham luận chính của diễn đàn với chủ đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Định dạng tương lai toàn cầu”, “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Cơ hội và thách thức” của Giám đốc UNDP Việt Nam Louise Chamberlain và PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cùng tọa đàm bàn tròn về “Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Ngoài ra, trong chương trình Diễn đàn kéo dài cả ngày 11/4/2017, dự kiến còn diễn ra 5 phiên chuyên đề, tập trung vào các chủ đề: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong sản xuất và dịch vụ; Kết nối chuỗi cung ứng trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Kinh tế chia sẻ; IoT và việc hình thành các xã hội mới; Những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đọc thêm