Cách nào để doanh nghiệp Việt đáp ứng đủ tiêu chí của Samsung?

(PLO) - Trên “thang” 8 tiêu chí mà Samsung Việt Nam (SEV) đưa ra cho doanh nghiệp (DN) để có thể trở thành nhà cung cấp cho “đại gia” FDI này, đại diện một DN FDI ở Khu công nghiệp Bắc Ninh khẳng định, có đến 99% DN Việt Nam sẽ không đáp ứng được các tiêu chí của SEV…
Nhiều DN mong muốn trở thành nhà cung cấp của SEV
Nhiều DN mong muốn trở thành nhà cung cấp của SEV
Hơn 200 đại diện hiệp hội và DN Việt Nam được chọn lựa tham dự Hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) chủ trì tổ chức ngày 11/9, với mong muốn được tiếp cận “người khổng lồ” Samsung với kỳ vọng trở thành nhà cung cấp (vendor) cho DN FDI này. 
Con gà hay quả trứng?
Ông Jang Hoyoung - Tổng Giám đốc bộ phận mua hàng SEV - đã đưa ra 8 yêu cầu đối với vendor, đó là: Công nghệ, chất lượng, sự đáp ứng, giao hàng, giá cả, môi trường, tài chính, luật. Ngoài 8 yêu cầu này, các vendor còn phải đáp ứng 13 tiêu chí khác liên quan đến lao động/quyền con người và về môi trường và an toàn. Ông Jang Hoyoung lưu ý, chỉ cần DN vi phạm một trong các tiêu chí này thì SEV sẽ “có biện pháp”.
Đại diện một DN FDI ở Khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết, DN này cũng chỉ đáp ứng được 7 tiêu chí, còn tiêu chí về giá cả chưa đáp ứng được và cũng muốn SEV hỗ trợ DN tiêu chí này. Đại diện DN này cũng khẳng định có đến 99% DN Việt Nam sẽ không đáp ứng được các tiêu chí của SEV.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, DN hãy coi đây là các tiêu chí “khám sức khỏe”, từ đó đưa ra cách làm hoặc kế hoạch nâng cấp bản thân cho phù hợp. Ông Hoàng cũng lưu ý: “Các DN phụ trợ Việt Nam không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các DN FDI đang có mặt và không có mặt ở Việt Nam trong việc trở thành vendor cho SEV”.
Doanh nghiệp Việt phải liên kết với nhau, làm chủ được công nghệ…
Đã có rất nhiều câu hỏi của DN và Hiệp hội DN đặt ra cho SEV như: Liệu SEV có hỗ trợ gì cho các DN Việt Nam về công nghệ? Liệu DN Việt Nam có trở thành các vendor cấp 1 của SEV? Liệu DN và SEV có thể ký một cam kết khung để DN có thể đầu tư đáp ứng các tiêu chí của SEV hay không?... 
Tuy nhiên, câu trả lời từ SEV vẫn khẳng định việc trở thành vendor của SEV phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, nếu DN khó khăn về vốn SEV có thể lùi lại cho DN chứ không ký thỏa thuận trước. Về công nghệ, đại diện SEV cũng thẳng thắn rằng, SEV đang sản xuất linh kiện chính, đây là khâu khó, đầu tư lớn và là bí quyết của SEV nên không thể chuyển giao. “Tuy nhiên, các DN Việt Nam cần nỗ lực, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm mới có khả năng sản  xuất những linh kiện cao hơn” – đại diện SEV nói… 
Bên lề hội thảo, ông Vũ Hồng Nam - Chủ tịch Cty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ Hồng Nam, DN có thâm niên 10 năm cung cấp linh kiện đồng hồ cho đối tác Thụy Sỹ - chia sẻ, đây là cơ hội cho các DN Việt Nam, tuy nhiên, các DN Việt Nam cũng đừng kỳ vọng vào sự hỗ trợ công nghệ của SEV, bởi không DN nào muốn chia sẻ bí quyết cả, và người ta cũng không thể ký cái mà mình chưa có… “Chơi với những “người lớn” thì rủi ro càng lớn. Vấn đề là các DN Việt Nam phải liên kết với nhau, phải làm chủ được công nghệ, dù chỉ là một công nghệ…” - ông Nam đưa ra lời khuyên.
SEV là nhà đầu tư lớn nhất hiện nay nếu tính vốn FDI thực hiện. Tổng số vốn đầu tư đăng ký của Samsung tại Việt Nam trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp phụ trợ đã lên tới 8 tỷ USD. DN này tạo ra giá trị sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn (năm 2013 là 23,9 tỷ USD, năm 2014 dự kiến 30 tỷ USD, bằng 20% kim ngạch xuất khẩu của cả nước). Sau Hội thảo này, SEV muốn khoảng 15- 20 DN Việt Nam  có thể trở thành vendor của SEV… Trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, các DN trong nước mới chỉ cung cấp các loại mặt hàng như sản phẩm in ấn, bao bì.

Đọc thêm