Cải cách chính sách tiền lương: Không thể “đốt cháy giai đoạn”

(PLO) - Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công tại Hội thảo “Cải cách chính sách tiền lương – kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam” do Bộ Nội vụ phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa tổ chức.
Chính sách tiền lương hợp lý sẽ góp phần phát huy năng lực của người lao động
Chính sách tiền lương hợp lý sẽ góp phần phát huy năng lực của người lao động

Nhiều lần cải cách, tiền lương vẫn vừa thấp vừa bất cập

Việc cải cách tiền lương thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, như từng bước thể chế hóa quan hệ phân phối theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế, tiếp cận xu hướng chung của thế giới; tách tiền lương khu vực doanh nghiệp với khu vực hành chính, sự nghiệp; thiết lập quan hệ tiền lương khung “tối thiểu - trung bình - tối đa” và hệ thống thang, bảng lương theo chức danh, ngạch, bậc của hệ thống hành chính; việc tuyển dụng, xếp lương và trả lương đã từng bước gắn với năng suất lao động, hiệu quả công việc. 

Mức lương tối thiểu vùng đối với khu vực DN, mức lương cơ sở đối với khu vực hành chính, sự nghiệp đã tiếp cận dần mức sống tối thiểu, thường xuyên được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần từng bước cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (NLĐ). 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chính sách tiền lương của nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập. Mặc dù đã trải qua nhiều lần cải cách nhưng tiền lương nhìn chung còn thấp, vẫn còn bình quân, chưa linh hoạt, chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể, vị trí việc làm, hiệu quả công việc, chưa tạo động lực đủ mạnh khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ phát huy tài năng, cống hiến, tận tâm, tận lực với công việc. 

Từ tháng 12/1993 đến nay, mức lương cơ sở đã điều chỉnh 14 lần, từ 120 nghìn đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,83 lần, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5,9 lần (từ 01/7/2018 mức lương cơ sở tiếp tục tăng thêm 90 nghìn đồng/tháng). Trong khi đó, lương tối thiểu vùng đối với khu vực DN được điều chỉnh tăng cao hơn theo định hướng chỉ đạo của Trung ương; từ ngày 01/01/2018 ở mức 2.760.000 - 3.980.000 đồng/tháng tùy theo địa bàn.

Ngoài ra, chênh lệch thu nhập giữa những người làm công, ăn lương còn khá cao; còn nhiều khoản thu nhập ngoài lương, phụ thuộc vào vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực quản lý, vùng miền. Việc quản lý tiền lương, thu nhập còn chưa thực sự công khai, minh bạch; cơ chế kiểm soát thu nhập còn kém hiệu quả. 

Đáng chú ý, tình trạng sử dụng chi phí hoạt động hành chính để bổ sung thu nhập của NLĐ khá phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, phát sinh những tiêu cực, lãng phí trong quản lý tài chính, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách quá lớn và ngày càng tăng, tạo sức ép lớn và khó khăn cho cải cách cơ cấu ngân sách nhà nước. 

Mặt khác, tác động đòn bẩy của tiền lương đến năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và phát triển thị trường lao động cũng còn hạn chế. Việc thể chế hóa chủ trương cải cách tiền lương của Đảng thành chính sách, pháp luật còn chậm, chưa đồng bộ, chưa theo kịp và chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Thực sự cải cách bộ máy để trả lương xứng đáng cho người làm việc hiệu quả

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trước bối cảnh hiện nay thì cải cách chính sách tiền lương là vấn đề ngày càng cấp thiết. Việc cải cách này sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tác động trực tiếp đến đời sống NLĐ và chất lượng hoạt động công vụ. Đây cũng là sự mong đợi và ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp cũng như những người đóng thuế.

“Những vấn đề về ngân sách, chi thường xuyên và bất cập của hệ thống tiền lương hiện hành khiến chúng ta không thể trì hoãn việc cải cách chính sách tiền lương. Trong thu ngân sách bây giờ có tới 70% là dành cho chi tiêu thường xuyên, trong đó 47% là chi lương. Nhưng bởi vì cái tiền lương đó nó chia ra cho một bộ máy quá lớn nên vẫn không đủ nuôi công chức với một mức lương thỏa đáng. Vì vậy, tôi nghĩ rất cần xem lại, nếu chúng ta thực sự cải cách được bộ máy thì sẽ có tiền lương tốt hơn, chi trả xứng đáng cho những người đang làm việc có năng suất, có hiệu quả thực sự” – bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, nhu cầu cải cách đã đến lúc chín muồi. Bởi Trung ương cũng đã thông qua hai Nghị quyết 18 và 19 với nhiều quyết sách mạnh mẽ như giảm 10% biên chế các đơn vị. Từ nay đến năm 2021 chúng ta phải cơ bản đạt được mục tiêu này. “Tuy nhiên, cải cách tiền lương là một quá trình, không thể đốt cháy giai đoạn mà phải bảo đảm tính lịch sử, kế thừa, phát huy những chính sách tốt, đồng thời rà soát, sửa đổi những chính sách không còn phù hợp. Việc xây dựng lộ trình cải cách tiền lương và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện hiệu quả có ý nghĩa hết sức quan trọng, là một trong những yếu tố bảo đảm sự thành công của quá trình cải cách tiền lương” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, đối với việc cải cách tiền lương trong khối hành chính nhà nước, Phó Thủ tướng đề nghị Tổ soạn thảo Đề án nghiên cứu hai phương thức trả lương theo chức nghiệp và theo vị trí. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đây là vấn đề có tính then chốt trong lựa chọn, thiết kế chính sách lương hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nền hành chính năng động.

Ở khu vực sản xuất, Phó Thủ tướng cho rằng cần nhận thức được việc Nhà nước phải có quy định mức lương tối thiểu, bảo đảm không NLĐ nào được trả thấp hơn mức này, tránh việc bần cùng hóa, bảo vệ người yếu thế và cả vấn đề giới. Nhưng đồng thời phải có nhận thức khác về mức lương tối thiểu này, đây không phải là căn cứ để trả lương NLĐ phải làm tròn nhiệm vụ với DN chứ không phải ghi danh là được nhận.

* TS. Chang Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam:

Tiền lương phải căn cứ vào đóng góp, không phải bằng cấp

Quy định hệ số lương trong khối Nhà nước của Việt Nam như hiện nay khiến việc điều chỉnh, tính toán lương phức tạp, gia tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Quy định này gây khó so sánh tương quan giữa khu vực công - tư đối với những vị trí, cấp bậc tương đương, gây ra việc phân biệt trong trả lương mà không coi trọng hiệu quả công việc.

Do đó, Việt Nam cần quản lý nguồn nhân lực một cách có hệ thống, minh bạch và nhất quán xuyên suốt toàn hệ thống khu vực công, cân bằng khu vực công – tư. Khi một người vào khu vực công, việc thăng chức lên cấp bậc và vị trí  cao hơn, với lương cao hơn, cần được quyết định bằng những đóng góp vào công việc, không phải dựa trên bằng cấp cá nhân. Cần chuyển từ hệ thống hệ số lương sang hệ thống tiền lương cơ bản theo cấp, theo số tuyệt đối; phụ cấp hợp lý, không quá 50% tổng số của gói tiền lương...

* Ông Jon Jan Hoo – Viện Nghiên cứu lao động Hàn Quốc:

Hàn Quốc lựa chọn tăng lương dựa trên hiệu quả công việc

Ở Hàn Quốc, giữa hai lựa chọn tăng lương dựa trên cơ sở công lao đóng góp công việc hay trên cơ sở thời gian làm việc, thì nước này đã chọn phương án thứ nhất. Bởi yếu tố thâm niên chỉ là phụ trong bối cảnh hiệu quả công việc là thứ đánh giá toàn diện nhất về lao động.

* Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ,TB & XH:

Áp lực lương thâm niên khiến doanh nghiệp phải tìm cách đối phó

Trước hết,, Nhà nước phải cung cấp thông tin thị trường. Thứ hai, hỗ trợ xây dựng nghiệp vụ. Thứ ba, áp lực lương tối thiểu và BHXH đang đè lên DN nên cần có cơ quan nghiên cứu tác động chính sách để điều chỉnh cho hài hoà. Vì hiện nhiều DN đang mắc lương thâm niên, có doanh nghiệp có đến 30 bậc thâm niên, 5% mỗi bậc khiến chi phí lao động của doanh nghiệp là rất lớn. Điều đó dẫn đến đảo lao động, tức lao động phải nghỉ sau đó ký lại hợp đồng lao động. “Miếng bánh” này nếu động chạm thì nhà đầu tư sẽ cảm thấy Việt Nam kém hấp dẫn hơn.

* Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex:

NLĐ phải hoàn thành nhiệm vụ mới được hưởng mức lương tối thiểu

Lương tối thiểu vùng trong những năm qua tăng nhanh hơn so với tăng trưởng kinh tế, tăng chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số tăng năng suất lao động. Trong khi đó, NLĐ không hiểu rõ quy định doanh nghiệp trả mức lương tối thiểu vùng khi NLĐ hoàn thành nhiệm vụ. Họ cho rằng khi ghi tên vào doanh nghiệp là nghiễm nhiên được hưởng mức lương tối thiểu. Do vậy, với những ngành thâm dụng lao động, lại đóng trên địa bàn có kinh tế khó khăn (thu nhập từ nghề rừng, thuần nông của cả hộ gia đình chỉ khoảng 300.000 đồng/ngày nhưng khi vào nhà máy, một lao động đã được trả lương 3 triệu/tháng) tỏ ra lo sợ NLĐ không chú trọng nâng cao năng suất lao động để hưởng mức lương tương xứng và cao hơn.

* Ông Nguyễn Hoài Nam - đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): 

Không phải cứ tăng lương là lương tăng

Mỗi lần điều chỉnh lương của một DN làm tăng chi phí từ vài tỷ tới và vài trăm tỷ đồng/năm rồi chảy vào quỹ BHXH và quỹ công đoàn. NLĐ cũng bị cắt bớt một phần lương của mình vào các quỹ trên chứ không phải tăng lương là lương tăng. Vì vậy, theo tôi việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng chỉ áp dụng cho nhóm lao động thấp nhất, bảo đảm hỗ trợ người yếu thế và giúp DN tăng cường thu nạp lao động, giảm bớt khó khăn cho địa phương.

Đọc thêm