Cải cách thể chế phải không làm hạn chế cơ hội đầu tư của doanh nghiệp

(PLO) - Theo kết quả tại Hội nghị công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 do Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ vừa tổ chức, Bộ Tư pháp và 8 Bộ khác nằm trong nhóm các đơn vị tăng điểm số. 
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình

Biểu dương kết quả này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng thời yêu cầu phải tiếp tục cải cách thể chế, bảo đảm nguyên tắc không làm tăng thêm các điều kiện làm hạn chế cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp xếp hạng 4/19 Bộ 

Kết quả công bố cho thấy, Bộ Tư pháp từ thứ hạng 6 trên 19 đơn vị được xếp hạng năm 2016 đã nâng lên hạng 4 trong kết quả PAR INDEX năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, điểm số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp từ 82,90% năm 2016 tăng lên 83,93 năm 2017.

Cùng nhóm các đơn vị tăng điểm số với Bộ Tư pháp còn có 8 đơn vị khác, gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có giá trị điểm số tăng cao nhất (từ 71,91% năm 2016 lên 80% năm 2017). 

Ở chiều ngược lại, điểm số cải cách hành chính của Bộ Y tế từ 79,69% năm 2016 giảm xuống còn 72,40%, giảm 7,29%. Chung cuộc, Bộ này tụt từ vị trí thứ 11 năm 2016 xuống thứ 18 năm 2017. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có sự sụt giảm về điểm số và thứ hạng trong kết quả Chỉ số Cải cách hành chính năm 2017 so với năm trước. Bộ này đã tụt từ thứ hạng 9/19 năm 2016 xuống thứ 17/19, chỉ trên Bộ Y tế 1 bậc.

So với năm 2016, điểm số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giảm từ 80,59% xuống 72,61%. Cơ quan ngang bộ xếp cuối cùng trong kết quả Chỉ số Cải cách hành chính năm 2017 là Ủy ban Dân tộc, với điểm số 72,13%.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, giá trị trung bình Chỉ số Cải cách hành chính của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 79,92%. Không có bộ nào có kết quả Chỉ số Cải cách hành chính dưới 70%. Có 12 bộ, cơ quan ngang bộ có Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 trên mức trung bình.

Toàn cảnh hội nghị công bố kết quả năm 2017
Toàn cảnh hội nghị công bố kết quả năm 2017

Kết quả Chỉ số Cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, ngành chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 12 bộ, cơ quan ngang bộ có Chỉ số Cải cách hành chính trên 80%, gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục có Chỉ số Cải cách hành chính cao nhất với kết quả đạt 92,36%. So với đơn vị đạt kết quả thấp nhất, khoảng cách điểm số lên tới 20,23%.

Nhóm thứ 2 gồm 7 bộ có kết quả từ 70-80%, gồm: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc.

Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, các bộ còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nội dung công bố, công khai thủ tục hành chính và tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn theo quy định. Tỷ lệ điểm số trung bình mà các bộ nhận được qua điều tra xã hội học chỉ ở mức 70,05%. Về tổng thể, Chỉ số năm 2017 giảm 0,32% điểm số so với năm 2016.

Đối với kết quả PAR INDEX 2017 của các tỉnh, thành, xếp đầu tiên là tỉnh Quảng Ninh, đứng thứ hai là Hà Nội và kế tiếp là các tỉnh, thành phố Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng. Ở chiều ngược lại, tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng cuối cùng, kế đến là Bến Tre, Thanh Hóa…

Theo kết quả đánh giá, PAR INDEX năm 2017 của các tỉnh, thành có giá trị trung bình đạt 77,72 %, cao hơn 3,08 % năm 2016. Trong đó, 32/63 tỉnh, thành có kết quả chỉ số đạt trên giá trị trung bình, chỉ có 3 đơn vị đạt kết quả chỉ số dưới 70%, trong khi đó con số này năm 2016 là 15 đơn vị.

Năm 2017, Quảng Ninh đã vượt lên vị trí dẫn đầu, do những năm gần đây, đây là địa phương đi tiên phong trong việc triển khai thí điểm áp dụng các mô hình cải cách mới, mang tính đột phá mạnh mẽ. Quảng Ninh cũng là nơi đầu tiên trong cả nước nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm thành lập trung tâm hành chính công.

Bảng xếp hạng Cải cách hành chính
Bảng xếp hạng Cải cách hành chính

Trong nhóm 5 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng, Quảng Ngãi là đơn vị có Chỉ số Cải cách hành chính thấp nhất với 59,69% điểm. Đây cũng là đơn vị duy nhất trên bảng xếp hạng có kết quả đạt được dưới 60 điểm.

Trọng tâm là cải cách thể chế liên quan đến doanh nghiệp

Với những kết quả trên, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình – Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ nhiệt liệt biểu dương những bộ, tỉnh đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong năm 2017 và đạt kết quả cao đối với các Chỉ số đã công bố.

Cụ thể, Phó Thủ tướng biểu dương Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Ninh, TP Hà Nội, tỉnh Đồng Nai, TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng. 

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế nhất định trong công tác cải cách hành chính thời gian qua. Đó là một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; trong cải cách thể chế - trọng tâm của cải cách – vẫn còn tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, chất lượng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa cao.

Không những thế, việc thực hiện quy định xin lỗi người dân khi giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn chưa nghiêm, chưa đầy đủ; một số nơi còn bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý khi chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định…

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo rà soát, xác định rõ những điểm mạnh cũng như những hạn chế, yếu kém trong công tác cải cách hành chính của đơn vị mình, thể hiện thông qua kết quả điểm đạt được của từng tiêu chí, lĩnh vực cải cách.

Từ đó, chỉ đạo làm rõ nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính, đề ra các biện pháp khắc phục, bảo đảm nhiệm vụ cải cách hành chính được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý công chức, viên chức; thể chế liên quan đến doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc không làm tăng thêm các điều kiện làm hạn chế cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống văn bản.

Một nhiệm vụ quan trọng khác theo Phó Thủ tướng là cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với trọng tâm là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình hình tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Đọc thêm