Cải thiện Môi trường kinh doanh: Cần áp lực đủ lớn

(PLVN) - Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM), nếu không cải thiện 2 chỉ số Đăng ký tài sản và Giải quyết tranh chấp hợp đồng thì chắc chắn không thể “lên” được ASEAN 4, do vậy cần có áp lực đủ lớn để các bộ, ngành phải chuyển động…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hôm qua (22/1), CIEM với sự phối hợp và hỗ trợ của Chương trình đối tác chiến lược Australian- Nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2 tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết (NQ)19 và giới thiệu NQ 02 về cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT).

5 năm tăng 21 bậc nhưng vẫn mức trung bình

Theo Báo cáo của CIEM, kể từ năm 2014- năm đầu tiên Chính phủ ban hành NQ 19 đến năm 2018,  MTKD được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng. Nếu như năm 2014, Việt Nam xếp thứ 78 với chưa đầy 40 điểm thì năm 2018 đã vươn lên thứ hạng 69 với 68,36 điểm (thang điểm 100).

Sau 5 năm, có 6 chỉ tiêu tăng hạng và 4 chỉ tiêu giảm bậc. Cụ thể 6 chỉ tiêu tăng hạng gồm: Tiếp cận điện năng tăng 108 bậc, lên thứ 37; Nộp thuế và bảo hiểm tăng 42 bậc (hiện xếp thứ 131); Bảo vệ nhà đầu tư tăng 28 bậc (89); Khởi sự kinh doanh tăng 21 bậc (104); Tiếp cận tín dụng tăng 4 bậc (32); Cấp phép xây dựng tăng 1 bậc (21). 4 chỉ tiêu giảm bậc là: Đăng ký tài sản giảm 17 bậc (từ 333 xuống 60); Thương mại qua biên giới giảm 7 bậc theo cách tính cũ, giảm 25 bậc theo cách tính mới (100); Giải quyết tranh chấp Hợp đồng giảm 15 bậc (62); Phá sản doanh nghiệp (DN) giảm 29 bậc (199).

Sau 5 năm, đổi  mới sáng tạo tăng 26 bậc với 6/7 chỉ số tăng hạng, đó là: Thể chế: Nguồn nhân lực và nghiên cứu; Cơ sở hạ tầng; Trình độ phát triển của thị trường; Sản phẩm kiến thức và công nghệ; Sản phẩm sáng tạo. Chỉ số giảm hạng là trình độ phát triển của kinh doanh.

“Sau 5 năm  mặc dù MTKD của chúng ta đã tăng 21 bậc nhưng mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về MTKD, thứ 77/140 về NLCT). Trong khu vực ASEAN vẫn chưa vào nhóm 4 nước dẫn đầu (đứng thứ 5 về MTKD, thứ 7 về NLCT). Thứ hạng các chỉ số MTKD của chúng ta cách xa so với Thái Lan, xa hơn nữa so với Malaysia và Singapore…” - bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban MTKD và NLCT (CIEM) lưu ý và cho rằng mục tiêu Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu ASEAN 4 không hề đơn giản bởi “mình cải thiện thì các nước khác cũng cải thiện và họ còn đi nhanh hơn mình…”. 

Tạo áp lực người đứng đầu

Theo Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung, cho đến nay, sau 5 năm thực hiện, NQ 19 đã thực sự đi vào cuộc sống, “có thương hiệu”, được cộng đồng DN và xã hội ghi nhận, đánh giá cao. “Sau 5 năm thực hiện NQ 19 năm nay là NQ 02 và bắt đầu từ năm nay sẽ là NQ 02 vì đây là 1 trong 2 NQ mà Thủ tướng ký ban hành vào ngày đầu năm…” - ông Cung cho hay.

Thay đổi số hiệu song NQ 02 năm nay được đánh giá là quyết liệt hơn, quy định từ mục tiêu tổng quát đến mục tiêu cụ thể, quy định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể bộ, ngành chủ trì thực hiện từng mục tiêu…

Theo Viện trưởng CIEM, trong 4 chỉ tiêu giảm bậc có 2 chỉ số đáng lo ngại nhất là Đăng ký tài sản và Giải quyết tranh chấp hợp đồng. “Nhận thức là cả quá trình, phải đau đáu hàng ngày. Nếu không cải thiện được 2 chỉ số này chắc chắn không thể “lên” được ASEAN  4…” - TS Cung quả quyết.

Cũng theo ông, trong  năm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đã ký 2 công văn đề nghị Tòa án hợp tác phối hợp, nhưng “hình như chúng tôi không nhận được trả lời” - ông Cung nhấn mạnh việc  cải thiện 2 chỉ số này cực kỳ quan trọng cần áp lực đủ lớn.

Lấy dẫn chứng ngành điện, ngành có chỉ số tiếp cận điện năng tăng đến 108 bậc, Viện trưởng CIEM cho biết trước chỉ số này rất thấp nhưng EVN đã chủ động thực hiện các giải pháp, kể cả NQ không giao. “Chính sự chủ động của EVN mà cải thiện rất nhanh chỉ số tiếp cận điện năng…” - Viện trưởng CIEM khẳng định, đồng thời kiến nghị  giao cho Bộ trưởng chịu trách nhiệm về chỉ số liên quan đến Bộ mình. “Còn ông làm thế nào là việc của ông. Ông năng động sáng tạo, chịu thay đổi thì chỉ số sẽ thay đổi cải cách, nếu ông không làm chúng ta đánh giá việc thực hiện NQ như thế nào…” - ông Cung đề xuất.

Theo NQ 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD, nâng cao NLCT quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Bộ Tư pháp chỉ trì, chịu trách nhiệm đối với nhóm chỉ số B1 (Nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật lên từ 5 - 10 bậc; năm 2019 ít nhất 2 bậc); Tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp thực hiện (khi được ủy quyền) giải pháp cải thiện chỉ số A9 (Nâng xếp hạng chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng  lên 8 - 12 bậc; năm 2019 ít nhất 3 bậc) và A 10 (Nâng xếp hạng chỉ số Phá sản DN lên 10 -15 bậc; năm 2019 tăng ít nhất 3 bậc).  Đăng ký tài sản và Giải quyết tranh chấp hợp đồng là 2 chỉ số cần áp lực để cải thiện.

Đọc thêm