Cải thiện môi trường kinh doanh: Thiếu 95% yếu tố tổ chức thực hiện

(PLO) - Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý  Kinh tế TW (CIEM) Phan Đức Hiếu, Việt Nam thừa quyết tâm chính trị và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) nhưng các yếu tố đó chỉ chiếm 5%. Để đạt được kết quả tốt hơn chúng ta đang thiếu 95% yếu tố tổ chức thực hiện…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Kiên định” mục tiêu

Sau 4 năm triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ (từ năm 2014) về cải thiện MTKD, theo ông Phan Đức Hiếu, nếu nói không thành công cũng không đúng. “Thành công là đương nhiên, nhưng vấn đề đặt ra là tìm cách để làm tốt nhất!”- ông Hiếu lưu ý.

Theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN, trong các năm 2016, 2017, tình hình DN thành lập mới đã liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng DN và số vốn đăng ký, cụ thể, năm 2016 có hơn 110 nghìn DN với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, năm 2017 có gần 127 nghìn DN với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2018 có 52.322 DN mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016…

 “Số lượng DN thành lập cao kỷ lục, cải cách hành chính có bước tiến, chi phí không chính thức giảm. Đặc biệt, Việt Nam tăng hạng trong các xếp hạng thế giới, năng lực cạnh tranh quốc gia… Điều này cho thấy MTKD đã khởi khắc…” - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn nhận định.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý, Nghị quyết 19 năm 2017 của Chính phủ đặt ra mục tiêu rất tham vọng là cuối năm 2017 các chỉ tiêu về MTKD của Việt Nam phải đạt mức trung bình nhóm nước ASEAN 4 .“Dù xếp hạng Doing Business 2018 của Việt Nam tăng 14 bậc, trong xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của WEF Việt Nam tăng 5 bậc, tổng xếp hạng Việt Nam trong Doing Business vẫn chưa lọt vào nhóm  ASEAN 4…”- ông Tuấn nhấn mạnh và lưu ý chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam chỉ xếp hạng 123 thế giới theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và xếp sau rất nhiều nước khu vực ASEAN. 

Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, 3 năm vừa qua Chính phủ có nhiều chủ trương, cam kết về cải thiện MTKD. “Đây là điểm rất mạnh của Việt Nam, bởi một trong những yếu tố quyết định thành công là cam kết chính  trị!”- ông Hiếu khẳng định. Điểm 4 Nghị quyết 19 đã triển khai và Nghị quyết 19 năm 2018, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng có nhiều điểm chung, đặc biệt rất “kiên định” với mục tiêu  MTKD đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4. “Chúng ta đã mất 4 năm thực hiện mục tiêu đã đặt ra từ đầu và phải bao nhiêu năm nữa để hoàn thành mục tiêu này?”- ông Hiếu đặt câu hỏi.

Thời gian và cải cách đột phá

Dẫn chứng về mục tiêu bãi bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD), Phó Viện trưởng CIEM cho biết, tháng 8/2017, Nghị quyết 98 yêu cầu cắt giảm 1/3 - 1/2 tổng số ĐKKD, đến tháng 1/2018 mới có bộ Công Thương hoàn thành mục tiêu, đến nay chủ yếu các bộ, ngành khác vẫn đang rà soát, xây dựng phương án, dự thảo Nghị định. Vấn đề đặt ra là có đảm bảo hoàn thành mục tiêu bãi bỏ ĐKKD theo Nghị quyết 98 đề ra hay không vì không chỉ có trong Nghị định, nhiều ĐKKD nằm trong Luật. “Phải ít nhất 2 năm nữa may ra mới hoàn thành. Áp lực thời gian rất lớn!”- ông Hiếu khẳng định.

Một áp lực rất lớn nữa mà Phó Viện trưởng CIEM đưa ra là từ xóa bỏ rào cản đến thúc đẩy phát triển là cả một vấn đề. “Cải cách phải tạo ra yếu tố thúc đẩy phát triển, trong đó, trọng tâm của cải cách- động lực của phát triển chính là cạnh tranh”- ông Hiếu nhấn mạnh và cho rằng đẩy là thách thức rất lớn khi câu chuyện về áp lực thời gian vẫn đang là hiện hữu.

Nhắc lại hồi Luật DN mới được ban hành năm 1999, thời gian thành lập DN đã giảm xuống còn 15 ngày thay vì 1 năm 6 tháng như trước đó, số DN thành lập mới trong năm đầu tiên thi hành Luật DN bằng 10 năm trước đó cộng lại, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: Cải cách phải mang tính đột phá. “MTKD đang được cải thiện nhưng chúng ta đang thiếu cải cách mang tính đột phá!”- Viện trưởng CIEM lưu ý và khẳng định muốn phát triển phải có cải cách đột phá.

Không chủ quan

Đồng tình với nhận định MTKD đã có sự khởi sắc, song Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cũng đặc biệt lưu ý: Không thể chủ quan!

Dẫn số liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN của Bộ KH&ĐT 5 tháng đầu năm cho thấy, có hơn 52 nghìn DN thành lập mới, công với số DN quay trở lại hoạt động là hơn 13 nghìn DN là hơn 65 nghìn DN, nhưng cũng có đến gần 39 nghìn DN rời thị trường, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho con số  DN rời thị trường là khá lớn.

“DN tư nhân nước ta nhỏ, yếu, còn nhiều khó khăn, có những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước thời gian qua như Nghị quyết TW 5 về kinh tế tư nhân, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhưng bức tranh về sức khoẻ của DN tư nhân chưa thay đổi căn bản…”- ông Tuấn nhận định và chỉ ra những điểm yếu của bộ phận DN này, đó là: DN tư nhân có xu hướng nhỏ đi về quy mô, tỷ lệ làm ăn có lãi vẫn thấp (theo số liệu từ cơ quan Thuế chỉ xấp xỉ 40% nhiều năm liền), tỷ trọng đóng góp vào xuất khẩu ngày càng giảm (năm 2017 là 28%), mức độ nối kết của DN tư nhân chưa thành công vào kinh tế toàn cầu…

Đặc biệt, Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng thẳng thắn khi chỉ ra đang có nghịch lý giữa DN tư nhâu và DN FDI khi ĐKKD một số ngành ưu đãi ngược cho DN FDI, trên thực tế DN FDI được quan tâm nhiều hơn, trong khi đóng góp ngân sách chưa tương xứng… 

Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng tỏ ra lo ngại khi chủ trương, chính sách của Chính phủ là giảm chi phí cho DN để tạo điều kiện cho DN hoạt động thuận lợi, tuy nhiên, các dự án luật, đề xuất chính sách gần đây lại đậm nét tăng thu: Luật sửa 6 luật thuế đề xuất tăng thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, điều chỉnh trần thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu… Một số địa phương cũng đặt ra một số khoản phí như phí hạ tầng cảng biển…

Đọc thêm