Cải thiện môi trường kinh doanh: Vẫn còn nhiều việc phải làm!

(PLO) - Dù tăng 9 bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh theo Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh (DB) năm 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB), song theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để tiếp tục cải thiện, nâng hạng môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của mình…
Ngay những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ mới, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và rất nhiều Bộ trưởng đã có cuộc tiếp xúc với DN cả nước trong một hội nghị kéo dài 6 tiếng
Ngay những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ mới, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và rất nhiều Bộ trưởng đã có cuộc tiếp xúc với DN cả nước trong một hội nghị kéo dài 6 tiếng

Luồng gió mới

2016 là năm thứ ba liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Chính phủ cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi… 

“Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Phấn đấu các chỉ số cơ bản của Việt Nam về MTKD (DB) theo xếp hạng của WB và năng lực cạnh tranh (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đạt mức trung bình các nước ASEAN-4 trước năm 2020.  Và quý vị đã biết, theo xếp hạng MTKD 2017 của WB, Việt Nam xếp hạng 82/190 quốc gia, gần tương đương hạng 4 trong ASEAN. Đối với chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), Việt Nam đạt thứ hạng cao là 56/140, tuy nhiên, thứ hạng này chỉ đứng thứ 6 trong các nước ASEAN. Do vậy, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để tiếp tục cải thiện, nâng hạng môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của mình…” . (Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại VDF 2016).

Tại Nghị quyết lần này,Thủ tướng đã đề ra mục tiêu rất cụ thể: Phấn đấu các chỉ tiêu về MTKD đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới); mục tiêu đến năm 2020, MTKD và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.

Chính phủ cũng giao nhiệm vụ đến từng bộ, ngành, địa phương thực hiện các công việc cụ thể để cải thiện tốt nhất MTKD, tạo mọi điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp (DN). Theo mục tiêu Chính phủ đặt ra, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có trên 1 triệu DN.

Cùng với đó, Thủ tướng tiếp tục ký ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về  hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, trong đó xác định: Đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS Vũ Tiến Lộc, đây là lần đầu tiên Chính phủ có một Nghị quyết toàn diện về phát triển DN, trong đó đề ra mục tiêu rõ ràng, dứt khoát là đến năm 2020 nước ta phải có 1 triệu DN và đưa ra thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, phục vụ người dân và DN, đưa ra một hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện để thúc đẩy đất nước. 

Triển khai Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch hành động của riêng mình. “Tôi tin Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 đã mang “lửa cải cách” đến các địa phương. Cả giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã thực sự hành động để hỗ trợ và phát triển DN. Chưa bao giờ Thủ tướng ráo riết như vậy với từng cam kết đã đưa ra. Các bộ, ngành cũng bị kiểm điểm và giám sát liên tục với tiến độ công việc…”- Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Cộng đồng DN rất ấn tượng với những giải quyết cụ thể của người đứng đầu Chính phủ, mà việc giải quyết rốt ráo vụ quán Cà phê “Xin Chào” là một ví dụ
Cộng đồng DN rất ấn tượng với những giải quyết cụ thể của người đứng đầu Chính phủ, mà việc giải quyết rốt ráo vụ quán Cà phê  “Xin Chào” là một ví dụ

Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp

Không chỉ cảm nhận, nhiều hành động thiết thực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng được ghi nhận mà điển hình là vụ việc của quán Cà phê “Xin chào” (huyện Bình Chánh, TP HCM). 

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI:

Cần rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế

Năm 2016 vừa qua là năm đầu tiên của Chính phủ mới, dù thời gian chưa được một năm nhưng cộng đồng kinh doanh thấy rõ những định hướng, cam kết trong phát triển kinh tế và cải thiện MTKD. 

Năm qua, hàng loạt giải pháp cụ thể đã được Chính phủ thực hiện như trình Quốc hội sửa đổi nhiều luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh như Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh tập trung vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện…

Thông điệp đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ, chúng tôi cho rằng giải pháp quan trọng là hành động, là rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi. Thời gian tới cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc giám sát và đánh giá kết quả thực thi các nghị quyết này. Không thể chấp nhận được việc một số lĩnh vực dù được chỉ đích danh trong các báo cáo tổng kết Nghị quyết 19 là cản trở, cần thay đổi… nhưng sau bao năm vẫn không chịu thay đổi dù đó chỉ là những thông tư của cấp bộ. Những tinh thần rất cải cách của nghị quyết của Chính phủ này cần được đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc nhất trên thực tế…

Theo Chủ tịch VCCI, thời gian vừa qua, Chính phủ thực sự lắng nghe DN. Điều này thể hiện rất rõ trong việc thúc đẩy thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư. “Chưa bao giờ VCCI ngồi cùng với các bộ, ngành trong Chính phủ để rà soát, góp ý và phản biện các dự thảo nghị định như giai đoạn hoàn tất các nghị định về điều kiện kinh doanh. Nếu không có tinh thần và quyết tâm vì sự phát triển DN, không thể hoàn tất được khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian ngắn như vậy…”- ông Lộc chia sẻ.

Theo số liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT), số DN đăng ký thành lập cả năm 2016 đạt kỷ lục cao chưa từng có là 110.100, tăng 16,2% so với năm 2015. Số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi DN thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Số DN quay trở lại hoạt động là 26.689 DN, tăng 43,1%. 

“Đây là những con số hết sức “sống động” về sự tăng trưởng của DN Việt Nam những năm gần đây. Điều đó cho thấy “sức sống” của MTKD và những cơ hội đầu tư kinh doanh tiếp tục mở ra, thị trường chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn và đây chính là động lực phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập…” - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nhận định.

Đáng chú ý, số lượng DN đăng ký mới có xu hướng tăng cao đặc biệt kể từ khi Luật DN 2014, Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành. Năm 2015 đã tăng cao ấn tượng với số DN thành lập tăng 26,6% và số vốn đăng ký mới tăng 39,1% so với cùng kỳ. 

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tích cực thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ sử dụng phương thức đăng ký DN qua mạng điện tử theo yêu cầu của Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ.Trong năm 2016, tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử của cả nước đạt 14%, riêng quý IV/2016 đạt 35,26%, vượt yêu cầu tại Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ. Dự kiến 2017, tỷ lệ này trên cả nước sẽ đạt 30%...

Lắng nghe ý kiến của DN, các đối tác tại Diễn đàn DN Việt Nam 2016 (VDF 2016), người đứng đầu Chính phủ đã lưu ý: “Chúng ta đã nghe và phản hồi nhưng phải có biện pháp xử lý, giải quyết đúng mức, kịp thời, không phải nghe để biết, rồi để đó…”. 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Cái chính là Nhà nước được gì, DN được gì, nhân dân và người lao động được gì. Ba câu hỏi này đang đặt ra để làm chính sách tốt hơn, mà trước hết là cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới!...”.

Theo Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh (Doing Business) năm 2017 của WB, Việt Nam xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá, với số điểm 63,83 trên thang 100, tăng 9 bậc so với Bảng xếp hạng năm ngoái (năm 2016, Việt Nam chỉ xếp thứ 91 với điểm số 61,11/100).

Năm nay, Việt Nam cải thiện được ở một số tiêu chí như: Tiếp cận điện năng tăng 5 bậc lên thứ 96 trên bảng xếp hạng; Tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng 31 bậc lên thứ 87; Tiêu chí nộp thuế tăng 11 bậc lên thứ 167; Tiêu chí giao thương quốc tế cũng tăng tới 15 bậc lên thứ 93.

Tuy nhiên, vẫn có những tiêu chí quan trọng bị sụt giảm thứ hạng, như: Tiêu chí thành lập DN giảm tới 10 bậc xuống thứ 121 trên bảng xếp hạng; Tiêu chí xin cấp phép xây dựng và vay vốn đều giảm 3 bậc…

Đọc thêm