Cần bổ sung chính sách phát triển trồng trọt đối với vùng dân tộc thiểu số

(PLO) - Dự án Luật Trồng trọt ra đời nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường. Tuy nhiên, dự án Luật này được đánh giá còn nhiều thiếu sót, chưa phù hợp, cần bổ sung chính sách phát triển trồng trọt đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Người dân miền núi nhọc nhằn gieo từng hạt ngô vào vách đá
Người dân miền núi nhọc nhằn gieo từng hạt ngô vào vách đá

Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trình bày tờ trình dự thảo Luật Trồng trọt. Theo đó, sản xuất trồng trọt giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp, thu hút sự tham gia của gần 70% nguồn lực lao động xã hội, đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành Nông nghiệp. Năm 2017, giá trị xuất khẩu của toàn ngành Nông nghiệp đạt 36,2 tỷ USD, trong đó lĩnh vực trồng trọt là 18,96 tỷ USD; có 7/10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (trên 1 tỷ USD) của ngành Nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động trồng trọt ở nước ta đã xuất hiện những bất cập giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hội nhập quốc tế. Ngoài ra, quá trình thi hành pháp luật về trồng trọt đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập…

Dự án Luật Trồng trọt được xây dựng trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh giống cây trồng (2004), mở rộng phạm vi điều chỉnh lên đến 10 lĩnh vực gồm: Giống cây trồng; phân bón; canh tác; thu hoạch; mua, bán; sơ chế; chế biến; bảo quản; xuất khẩu; nhập khẩu sản phẩm trồng trọt. Dự thảo Luật gồm 7 chương và 82 điều nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo báo cáo thẩm định của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, về cơ bản các quy định trong dự thảo Luật Trồng trọt phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật vẫn còn một số quy định chưa thống nhất với một số Luật khác như: quy định về trả phí thẩm định hồ sơ, đánh giá công nhận lại tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm giống cây trồng (khoản 8, Điều 21) chưa phù hợp với Luật Phí và Lệ phí; quy định về đặt tên giống cây trồng mới (Điều 23) chưa phù hợp với Điều 163 Luật Sở hữu trí tuệ; quy định về lô giống cây trồng nhập khẩu được coi là hoàn thành thủ tục hải quan (khoản 3 Điều 44) chưa thống nhất với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Hải quan; quy định về thẩm quyền quyết định về số lượng, danh mục giống cây trồng dự trữ quốc gia (khoản 1 Điều 45) chưa thống nhất với Điều 27 Luật Dự trữ quốc gia... Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ thêm các quy định trong Luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Để phát triển nông nghiệp cần sự phối hợp giữa 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng: “Luật Trồng trọt ra đời phải đáp ứng được yêu cầu tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng sản xuất ra không tiêu thụ được, phải kêu gọi “giải cứu” như thời gian qua. Trong khi dự án Luật được soạn thảo chưa có tính toàn diện, quá thiên về lĩnh vực giống, phân bón, dẫn đến việc không thúc đẩy ngành trồng trọt phát triển lớn mạnh.

“Dự thảo Luật có 82 điều, 52 điều quy định lĩnh vực giống, phân bón, trong khi quy định thu hoạch, mua bán, bảo quản, sơ chế, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu… chỉ có 5 điều. Ban soạn thảo cần có sự đầu tư nghiên cứu xây dựng các điều luật phù hợp hơn để xây dựng ngành trồng trọt phát triển hiện đại, hiệu quả theo chuỗi sản xuất” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh. 

Đối với chính sách của Nhà nước trong trồng trọt, đại biểu Hà Ngọc Chiến đề nghị bổ sung chính sách phát triển trồng trọt đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Trồng trọt là lĩnh vực quan trọng với bà con miền núi, vùng dân tộc thiểu số, Nhà nước cần có những chính sách ưu tiên phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển trồng trọt vùng này, nâng cao đời sống cho bà con. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chú trọng chính sách bảo vệ, bảo tồn giống quý hiếm. Đồng thời tăng năng lực thực hiện khảo sát, chọn lọc giống tại chỗ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số...

“Nhiều giống cây trồng quý ở miền núi đang bị mai một do người nông dân chạy theo năng suất. Các tỉnh biên giới phía Bắc có tình trạng, tư thương nước láng giềng thu mua sản phẩm cây trồng đặc sản theo kiểu tận diệt. Nếu không có chính sách phục hồi, phát triển sẽ làm tuyệt chủng các giống cây trồng quý hiếm, đem lại lợi ích kinh tế cao” - đại biểu Hà Ngọc Chiến cho biết.

Còn theo đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái), Ban soạn thảo thiết kế các nội dung canh tác theo hướng hiện đại, ít chú ý đến canh tác nhỏ như hiện nay, nhưng trên thực tế việc trồng trọt manh mún, nhỏ lẻ đang chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp. Miền núi canh tác trên đất dốc, nương rẫy rất lớn, nhưng dự án Luật Trồng trọt nêu chưa đầy đủ, thiếu tính thực tế. “Đồng bào các dân tộc ở Hà Giang, Cao Bằng… vất vả gùi đất từ chân đồi lên các hốc đá để canh tác, nhưng đời sống vẫn nghèo. Quy định tại Điều 70 về canh tác chưa đáp ứng với quy mô canh tác của vùng này, không thể giúp đồng bào phát triển sản xuất. Muốn nâng cao đời sống bà con phải có chính sách hợp lý đầu tư, phát triển canh tác trên đất dốc” - đại biểu Giàng A Chu đề nghị.

Đọc thêm