Cần học Nhật bản cách xúc tiến thương mại

(PLO) - Dự thảo luật Ngoại thương được ra Quốc hội để lấy ý kiến lần này quy định cá nhân có thể thành lập tổ chức xúc tiến thương mại. ĐB Ngô Đức Mạnh - Bình Thuận cho rằng cần phải học Nhật bản cách xúc tiến thương mại
Cần học Nhật bản cách xúc tiến thương mại

Cơ quan xúc tiến thương mại được quy định Chương VI từ Điều 106 đến 110 của dự thảo Luật Ngoại thương. 

Theo quy định của dự thảo luật, các hội, các tổ chức cá nhân đều có quyền thành lập các tổ chức xúc tiến thương mại. Nói như thế có nghĩa rằng, bên cạnh cơ quan nhà nước thì các tổ chức, các thành phần kinh tế cũng đều được tham gia. ĐB Ngô Đức Mạnh - Bình Thuận -lo ngại việc nhiều đối tượng được thành lập tổ chức xúc tiến thương mại sẽ khiến cho chất lượng đi ngược với mục đích. 

Soi chiếu với Luật cơ quan đại diện ngoại giao, ông cho rằng có mâu thuẫn. Ở nước  ngoài thì vai trò và theo quy định của Luật cơ quan đại diện ngoại giao thì đại sứ quán chính là cơ quan làm tốt nhất vai trò xúc tiến thương mại. ĐB lo ngại: Đại diện thương mại được quy định 2 lần ở Điều 110 và Điều 109. Đây là khái niệm hoàn toàn mới, nếu chúng ta suy xét lại như khái niệm đại diện thương mại của luật Hoa Kỳ thì chính là Bộ Công thương, nếu chúng ta quy định xúc tiến thương mại thì phải vai trò đầu tiên và đầu tầu, nhiệm vụ số 1 của cơ quan đại diện ngoại giao chính là sứ quán.

Do đó ông đề nghị Điều 110 không nên nói là phát triển hoạt động ngoại thương thông qua hoạt động của cơ quan đại diện thương mại mà chính là phát triển hoạt động ngoại thương thông qua hoạt động của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Dưới mái nhà chung của sứ quán thì cơ quan thường vụ, các bộ phận chức năng, kể cả đại sứ đều phải làm tốt công tác này. Đó là loại vấn đề thứ nhất tôi xin được phát biểu.

Một vấn đề lo ngại nữa của ĐB là nếu cho phép nhiều đối tượng được thành lập tổ chức xúc tiến thương mại sẽ dẫn đến phân tán nguồn lực, phân tán thông tin và "trong thời buổi cạnh tranh hiện nay thì không khéo chính các doanh nghiệp lại làm xáo trộn và cạnh tranh không lành mạnh dìm hàng của nhau" và doanh nghiệp không có thông tin. 

Ông đề nghị thay vì đó, nên nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại của Cục xúc tiến thương mại của chúng ta, phải hình thành một cơ quan xúc tiến thương mại của tầm quốc gia đủ mạnh để kết nối thông tin. Ngay cả những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc thì người ta vẫn có một cơ quan xúc tiến thương mại của quốc gia do nhà nước thành lập, do nhà nước hỗ trợ kinh phí.

Cũng như website của cơ quan xúc tiến thương mại của Nhật Bản, Hàn Quốc thì thấy rằng thông tin rất đầy đủ. Thông tin để kết nối các doanh nghiệp, không ai có thể làm thay xúc tiến thương mại bằng chính sách của nhà nước nên xúc tiến thương mại của nhà nước phải làm thật tốt để kết nối các doanh nghiệp.

"Tôi đề nghị phải tính toán làm sao để có những điều khoản quy định về xúc tiến thương mại tầm quốc gia. Một địa chỉ để có thể kết nối tất cả các doanh nghiệp, một địa chỉ để kết nối tất cả các thông tin. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của Nhật Bản. Tất cả mọi thông tin mua bán hàng hóa kể cả của Việt Nam, nhu cầu của doanh nghiệp như thế nào thì trên đấy có cả. Như vậy cần phải kết nối mạng lưới xúc tiến thương mại của chúng ta ở trong nước, toàn quốc và cả thế giới với cả thương vụ ở nước ngoài. Hiện nay lại rất phân tán vì chúng ta chỉ chạy theo bề nổi như tổ chức hội chợ, tổ chức giới thiệu hàng hóa." - ĐB Ngô Đức Mạnh nói.

Đọc thêm