Cần lấp những “khoảng tự do chính sách” để giảm tham nhũng trong lĩnh vực đất đai

(PLO) - Tại tọa đàm do Viện Quản lý châu Á - Thái Bình Dương (thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân) và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng cần phải giảm “khoảng tự do chính sách” bằng việc phát huy sự giám sát của người dân và sự tham gia của cộng đồng nhằm hạn chế nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ở nước ta.
Cần lấp những “khoảng tự do chính sách” để giảm tham nhũng trong lĩnh vực đất đai

Nguy cơ ngày một tăng cao

Theo TS. Nguyễn Văn Thắng - Viện trưởng Viện quản lý châu Á - Thái Bình Dương, mặc dù đã có nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng nhưng cảm nhận của xã hội về tham nhũng hiện vẫn rất nghiêm trọng và phổ biến. Trong lĩnh vực đất đai, nghiên cứu “Nhận diện nguy cơ tham nhũng đất đai trong một số dự án hợp tác công - tư” do Viện Quản lý châu Á - Thái Bình Dương và UNDP thực hiện cho thấy, khảo sát 5 dự án khác nhau như xây dựng đô thị mới, khai khoáng, cải tạo chợ tại nước ta thời gian qua đã chỉ ra nhiều loại hình tham nhũng như thông thầu, tham nhũng chính sách… 

Ví dụ, một dự án xây dựng đô thị mới ở miền núi phía Bắc với tổng diện tích lên tới 400ha, vốn đầu tư 400 tỷ đồng nhưng chỉ có một nhà thầu. Doanh nghiệp (DN) cho biết họ đã phải chi nhiều khoản “bôi trơn” trong quá trình thực hiện dự án và phải mất 4 năm làm thủ tục mới được khởi công. Trong khi đó, người dân không còn sinh kế vì hết ruộng đất và mặc dù được bồi thường đất đai nhưng họ cho rằng giá bồi thường thấp hơn so với giá trị thực tế.

Nghiên cứu cũng chỉ ra 2 trục thúc đẩy tham nhũng trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai, bao gồm khoảng tự do chính sách và sự cấu kết giữa cán bộ và DN. Theo đó, hiện chính sách trong lĩnh vực đất đai của chúng ta vẫn có những “khoảng tự do”, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức địa phương tham nhũng. Bên cạnh đó là sự cấu kết giữa cán bộ và DN nhằm vô hiệu hóa các quy định hoặc đưa ra các quy định vì lợi ích riêng của “nhóm lợi ích” liên quan đến các quyết định về đất đai. 

Nhóm nghiên cứu cho rằng, hầu hết những nghiên cứu về tham nhũng đất đai thời gian qua mới chỉ tập trung vào các nguy cơ tham nhũng nảy sinh trong tương tác giữa người dân và cán bộ, còn những nguy cơ tham nhũng nảy sinh trong tương tác giữa doanh nghiệp và cán bộ, công chức thì chưa được nghiên cứu một cách hệ thống và đầy đủ. Trong khi đó, nguy cơ tham nhũng trong quan hệ tương tác này đang ngày một tăng cao khi Nhà nước chủ trương đẩy mạnh quan hệ đối tác công - tư (PPP) trong xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên.

Tránh cấu kết ngay từ khâu xây dựng chính sách

Tại Tọa đàm, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) – đã nêu thực tế tồn tại nhiều năm nay, đó là một dự án để đi vào hoạt động phải trải qua một quy trình mà theo tính toán của VCCI lên đến hàng chục thủ tục khác nhau, từ cấp phép đầu tư, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy… Trong đó, có nhiều quy trình không nằm trong quy định chính thức. Ví dụ như ở một số địa phương có quy định các dự án có quy mô từ 5ha đất trở lên phải được tỉnh ủy, thành ủy thông qua. “Chính sự phức tạp của quy trình làm cho chi phí ngầm, chi phí không chính thức tăng cao. Bởi, trong quy trình đó thì các cơ quan nhà nước khác nhau, những người trong các cơ quan đó đều có tiếng nói, ảnh hưởng nhất định, đồng nghĩa với việc có nguy cơ tham nhũng”, ông Tuấn nói. 

Cùng chung quan điểm cho rằng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai là từ những “khoảng tự do chính sách”, TS. Andrew- Wella Dang - Cố vấn Quản trị cao cấp, Tổ chức Oxfam Việt Nam – cho rằng có sự cấu kết tham nhũng trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai thời gian qua là do sự tham gia giám sát của cộng đồng chưa được mạnh mẽ. “Sự tham gia giám sát của cộng đồng là quan trọng nhất. Do đó, phải kiểm soát tham nhũng, giảm “khoảng tự do chính sách” bằng việc phát huy mô hình người dân giám sát và sự tham gia của cộng đồng” - ông Dang nhận định. 

Bà Hoàng Vân Anh (Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai) cũng cho rằng, để hoạt động phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai hiệu quả thì người dân cần phải được tham gia vào quá trình thảo luận chính sách và giám sát việc tuân thủ chính sách. Bà Vân Anh đề nghị thiết kế các dự án theo hướng mở, cho phép người dân tham gia tranh luận về xây dựng đề án, thiết kế dự án, phân bổ ngân sách và giám sát thực hiện các dự án; phải lấy ý kiến các nhóm đối tượng chịu tác động trong vấn đề tổ chức thi hành. 

Bên cạnh đó, bà Vân Anh cũng đề nghị phải có cơ chế kiểm soát việc ra quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo xử lý được vấn đề lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, kiểm soát thẩm quyền của những người có thể ra quyết định để phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ngay từ đầu. 

Đồng quan điểm, bà Vũ Thu Hạnh (Ban Nội chính Trung ương) nhấn mạnh, Luật Phòng chống tham nhũng cần phải tạo ra được cơ chế kiểm soát, phòng ngừa tham nhũng để tránh cấu kết ngay từ khâu xây dựng chính sách.

Đọc thêm