Cân nhắc thận trọng cơ chế quản lý tiền ảo

(PLO) - Liên tiếp những vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo bị “phơi bày” ra ánh sáng, khiến cộng đồng mạng dậy sóng, các nhà đầu tư thì trở thành nạn nhân kêu cứu khắp nơi… Vì vậy, việc kiểm soát, quản lý tiền ảo rõ ràng đã quá cấp thiết nhưng trong bối cảnh hiện nay thì “quản” bằng cơ chế nào cho phù hợp là điều phải tính toán hết sức kỹ lưỡng.
Sàn nội bộ của Asama Mining đã không thể giao dịch được nữa. (Ảnh minh họa)
Sàn nội bộ của Asama Mining đã không thể giao dịch được nữa. (Ảnh minh họa)

Biến tướng của kinh doanh đa cấp 

Những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, rất nhiều nhà đầu tư đã đổ về trụ sở Công ty Sky Mining để nghe ngóng thông tin về ông Lê Minh Tâm - chủ Công ty đầu tư máy đào tiền ảo Sky Mining. Tổng hợp đơn thư của các nhà đầu tư, trong đó có cả người nước ngoài, có thể số tiền ông Tâm mang theo khi bỏ trốn lên tới 1.000 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư khác tại các tỉnh miền Tây cũng đổ xô về TP HCM để gửi đơn đến cơ quan chức năng.

Vụ lừa đảo đầu tư máy đào tiền ảo của Công ty Sky Mining còn chưa được giải quyết thì trong vài ngày gần đây, các nhà đầu tư vào Công ty Asama Mining (Công ty Asama) lại “nháo nhào” vì Ban lãnh đạo Công ty này biến mất, còn đồng tiền ảo Asama Coin của Công ty thì không thể giao dịch. 

Trước đó, ngày 9/8, Asama Mining yêu cầu nhà đầu tư đóng tiền vào tài khoản, nếu không sau 72 giờ sẽ đóng tài khoản. Các nhà đầu tư vào Asama Mining theo những gói từ 100USD đến 10.000USD và được nhận lại là mã tiền ảo Asama Coin với mỗi đồng được chính Công ty định giá tương đương 1USD. Asama hứa hẹn đồng Asama Coin sẽ mua được xe cộ, nhà cửa… và đặc biệt có thể chuyển đổi sang Bitcoin - đồng tiền ảo “hùng mạnh” nhất hiện nay.

Chiêu thức để lôi kéo nhà đầu tư của Asama Mining cũng chẳng khác gì Sky Mining, là chìa ra “củ cà rốt” lãi suất cao từ 0,5 - 2,5% và có thể thu lợi đến 300% trong vòng 12 tháng. Chúng tương tự vụ phát hành tiền ảo iFan khiến hàng chục nghìn người mắc lừa, với số tiền lên đến 15 nghìn tỷ đồng bị lôi ra ánh sáng hồi tháng 4/2018. Thực chất, đây đều là kiểu kinh doanh đa cấp, lấy của người sau trả cho người trước, đến một lúc không thể chi trả nữa thì “bùng”. 

Chú trọng các hoạt động ICO

Nghiên cứu các khía cạnh pháp lý của tiền ảo, TS Nguyễn Minh Oanh (Trường Đại học Luật Hà Nội) nhận thấy pháp luật Việt Nam chưa quy định hoặc còn rất nhiều bất cập liên quan đến tiền ảo. Việc thiếu vắng các quy định điều chỉnh về vấn đề này dẫn đến các hoạt động liên quan đến tiền ảo không được kiểm soát và quản lý gây ra hậu quả xấu cho cả người sử dụng, nhà đầu tư, người kinh doanh và toàn xã hội. Do đó, vấn đề cốt lõi và cấp thiết đặt ra là phải có một chính sách và khung pháp lý phù hợp để điều chỉnh tiền ảo ở Việt Nam.

Một trong những khía cạnh cần điều chỉnh, quản lý đối với tiền ảo chính là hoạt động phát hành tiền ảo ra công chúng (ICO). Đây là gợi ý định hướng từ một đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp khi Bộ được giao nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tiền ảo.

Đồng tình, bà Oanh cũng đề xuất cho phép và kiểm soát các hoạt động ICO đối với tiền ảo. Bà Oanh phân tích, khi pháp luật điều chỉnh các hoạt động ICO đối với tiền ảo được rõ ràng, các hoạt động ICO đối với tiền ảo trên thực tế sẽ được kiểm soát. Khi đó, các doanh nghiệp phát hành tiền ảo ra công chúng sẽ phải đảm bảo đủ điều kiện và được cấp phép. Điều này sẽ góp phần hạn chế rất lớn các ICO đa cấp, mang tính chất lừa đảo, đồng thời hạn chế được các rủi ro khác. 

Song song với đó, Việt Nam nên khuyến khích và cho phép thành lập các sàn giao dịch tiền ảo độc lập và riêng biệt bởi sàn giao dịch tiền ảo đòi hỏi một hạ tầng công nghệ thông tin khác biệt, trình độ cao, có sự quản lý đặc thù. Đồng thời, thông qua các sàn giao dịch hợp pháp, các giao dịch liên quan đến tiền ảo sẽ được kiểm soát và quản lý hiệu quả hơn. Đối với các sàn này, khi đã được thành lập thì Nhà nước cần kiểm soát thông qua việc yêu cầu đăng ký tài khoản cá nhân cũng như đăng ký kinh doanh đối với chủ thể thành lập và môi giới đối với tiền ảo.

Nếu đề xuất này được chấp nhận, Việt Nam có thể tham khảo một số kinh nghiệm của các nước về hoạt động ICO đối với tiền ảo. Chẳng hạn, các hoạt động ICO ở Đức được quản lý và giám sát chặt chẽ tương tự như hoạt động phát hành cổ phiếu. Ở Thụy Sĩ, các hoạt động ICO với tiền ảo là được phép và được kiểm soát bởi cơ quan giám sát thị trường tài chính. Canada cũng công nhận hoạt động ICO và tháng 8/2017, cơ quan chứng khoán của Canada còn đưa ra một số hướng dẫn về nghiệp vụ đối với hoạt động ICO. 

Ngược lại, Ngân hàng TƯ Trung Quốc thông báo cấm tất cả các quá trình huy động vốn lần đầu bằng tiền ảo, đồng thời yêu cầu các cá nhân, tổ chức tại Trung Quốc không được thực hiện mua bán, trao đổi tiền ảo. Hơn nữa, đầu năm 2018, Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp nhằm chặn tất cả các trang web trong và ngoài nước nào liên quan đến giao dịch tiền ảo hay ICO.

Đọc thêm