Cần nhiều giải pháp nhằm phục hồi ngành du lịch sau khi chấm dứt dịch Covid-19

(PLVN) - Theo đánh giá của nhiều tổ chức kinh tế, quốc tế, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lên mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội tại những quốc gia có người bị lây nhiễm, nhất là đối với du lịch.
Cần nhiều giải pháp nhằm phục hồi ngành du lịch sau khi chấm dứt dịch Covid-19

Do tính chất dễ lây lan của bệnh dịch bệnh, nên Bộ Y tế và các Ban - Ngành từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp, không chỉ để ngăn chặn, kiểm soát, đối phó và tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, mà còn giúp đảm bảo, duy trì mức độ phát triển kinh tế, trong đó có lĩnh vực du lịch tại thời điểm hiện nay và khi chấm dứt dịch bệnh.

Bởi không chỉ riêng tại Việt Nam, mà ngay cả với các nước phát triển trên thế giới, ngành “công nghiệp không khói“ đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế, tạo việc làm, phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở vật chất hạ tầng, mà còn thúc đẩy hòa bình, giao lưu văn hóa. 

Theo báo cáo của Hiệp hội du lịch Việt Nam, thị trường khách du lịch đến từ Trung Quốc chiếm đến gần 20% số lượng khách đối với các hãng hàng không quốc tế. Riêng Việt Nam thị trường khách đến từ Trung Quốc cũng chiếm đến khoảng 30%. Và trong một báo cáo mới nhất của các hãng hàng không Việt Nam, dịch Covid -19 đã khiến cho toàn ngành thiệt hại khoảng hơn 10.000 tỷ đồng tính đến ngày 13/2.

Tại Hội nghị “Ngành du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới” diễn ra mới đây tại Hà Nội, các cơ quan quản lý và đại diện cho nhiều công ty lữ hành, du lịch cũng đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục và tìm hướng tháo gỡ những khó khăn mà ngành du lịch đang phải đối mặt bởi dịch Covid-19.

Theo thông tin tại Hội nghị, hầu như tất cả các doanh nghiệp lữ hành đều đã đưa ra những giải pháp kích cầu cụ thể như giảm tiền vé, tiền phòng, khách đặt trọn tour, tìm kiếm những thị trường mới cũng như đẩy mạnh các hoạt động liên doanh liên kết giữa các đơn vị lữ hành, du lịch.

Ngoài ra, tăng cường cập nhật những thông tin kịp thời về dịch Covid-19 đối với các thị trường có tour, trong đó đặc biệt chú ý đến thị trường trong nước. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chủ động đưa ra sáng kiến xây dựng “bản đồ du lịch an toàn” ở tất cả các khâu như lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cơ sở dịch vụ du lịch, để khách an tâm khi đến Việt Nam.

Đồng thời, đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước trong khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút khách từ thị trường xa ít bị ảnh hưởng bởi dịch như Tây Âu, Úc, New zealand hay Bắc Mỹ...

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch - Nguyễn Ngọc Thiện cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần lưu ý đến việc phát triển thị trường nội địa, thông qua việc thực hiện 5 liên kết “địa phương -  doanh nghiệp hàng không - nhà hàng - khách sạn - lữ hành” thành một chuỗi chặt chẽ, để đưa ra những gói giảm giá, kích cầu cho thị trường khách trong nước và quốc tế để tạo ra một thị trường đồng bộ. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thiện cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1-2 tháng sau khi hết dịch để kích cầu du lịch sau khi dịch nCoV được kiểm soát. “Đây là giải pháp đầu tiên để phục hồi du lịch sau dịch bệnh, nên cần phải có nhiều giải pháp cả về trước mắt cũng như mang tính lâu dài”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu.

Đọc thêm