Cần “siêu” cơ chế cho “siêu” Ủy ban

(PLO) - Mặc dù còn nhiều ý kiến nghi ngại tính thực thi của mô hình Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp (DN), TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), “cha đẻ” của mô hình “siêu” Ủy ban này cho rằng không lo “siêu” Ủy ban khó ra đời nếu như có một cơ chế tuyển chọn đặc biệt.
Vinashin từng được dự báo sụp đổ khi quản lý số vốn quá lớn so với khả năng
Vinashin từng được dự báo sụp đổ khi quản lý số vốn quá lớn so với khả năng

Chuyên nghiệp chức năng đầu tư

Dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước vừa được đưa ra lấy ý kiến với việc thành lập một Ủy ban chuyên trách thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. 

Tại Hội thảo công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II do CIEM tổ chức mới đây, TS Nguyễn Đình Cung khẳng định mô hình này không phải bây giờ mới được đưa ra mà đã đề cập từ cách đây hơn chục năm. Chính sự hoạt động kém hiệu quả của khu vực DN nhà nước càng đỏi hỏi mô hình này càng được sớm triển khai.

Trước những ý kiến e ngại, nghi ngờ và cả phản đối, ông Cung vẫn khẳng định rằng ông tin cơ quan này sẽ được thành lập. “Tôi không thuyết minh, thuyết phục cho nội dung Nghị định này, tôi là người đang lắng nghe, tiếp thu ý kiến và tôi mong có nhiều ý kiến đóng góp ở các góc độ khác nhau sao cho cơ quan này ra đời và hoạt động hiệu quả”, ông Cung nói.

Theo “cha đẻ” của mô hình, việc thành lập “siêu” Ủy ban không chỉ là tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý đầu tư vốn, mà còn là để chuyên trách và chuyên nghiệp chức năng đầu tư và chủ sở hữu tại DN, phải có người chịu trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả kinh doanh vốn nhà nước… 

Theo Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp Quốc hội cuối năm 2015, tính riêng 781 DN nhà nước đã có tổng giá trị tài sản là 3.105 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước là 1.233 nghìn tỷ đồng. Theo tính toán của CIEM, với ước tính đơn giản, nếu như cải thiện được hiệu quả thêm một điểm phần trăm thì khối tài sản này tạo giá trị tăng thêm khoảng 2,5 tỷ USD, ngoài ra còn có tác dụng rất lớn khác đối cân đối lớn vĩ mô khác… 

Những mối hoài nghi

Ngay sau khi dự thảo được đưa ra, nhiều người nghi ngại mô hình này khó triển khai được trong thực tế khi mô hình này đòi hỏi phải có bộ máy không chỉ “siêu” quyền lực mà còn phải “siêu” giỏi đủ ở các lĩnh vực mới có khả năng định hướng phát triển cho 30 tập đoàn mà nó quản lý.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhớ lại, hồi Vinshin mới ra đời với số vốn khoảng 4 tỷ USD, khi đó đã có những cảnh báo đây là số vốn cực kỳ lớn, đòi hỏi trình độ siêu việt mới có thể quản lý được, lúc đó cũng đã có người dự đoán Vinashine sụp đổ vì không “ôm” nổi số vốn quá lớn đó. Và thực tế đã có câu trả lời. 

Với “siêu” Ủy ban này, theo PGS. TS Trần Đình Thiên, việc nghi ngờ là hoàn toàn chính đáng. “Làm thế nào để Ủy ban này vận hành được 250 tỷ USD trong điều kiện những tập đoàn của chúng ta rất phức tạp. Tất nhiên mỗi tập đoàn đã có hệ thống vận hành riêng, nhưng khi quản lý là toàn bộ các tập đoàn với hơn 30 đơn vị lớn như vậy thì cả vấn đề. Trong khi đó, năng lực của nhà quản trị, mà quản trị thực sự chứ không phải chỉ quản lý nhà nước, hành chính như thế nào là cả vấn đề cần cân nhắc. Nếu không chưa “cõng” nó đã sụp xuống…”, chuyên gia này phân tích. 

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính tính toán: Với một khối lượng 30 tập đoàn, Tổng Công ty, bình quân mỗi tập đoàn, Tổng Công ty này có 10 DN thành viên thì Ủy ban này quản lý tới 300 DN. Nếu ít nhất mỗi một DN cần hai người đứng đầu giỏi tức là cần có 600 chuyên gia giỏi. Vậy cơ chế tài chính nào để thuê người giỏi?  

Cần cơ chế đặc biệt

Đáp lại sự hoài nghi “tìm người giỏi”, ông Cung cho rằng “không nên chọn người chiến thắng ngay từ đầu và để thị trường chọn, không nên nhìn vào hệ thống nhà nước và nguồn nhân lực hiện nay để lo không tìm ra người giỏi”.  

Để có người giỏi, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: “Cần có thảo luận để có một sự thay đổi lớn, một cơ chế khác biệt  thu hút người đủ tài, đủ tầm tham gia Ủy ban này”. Theo ông, cần cơ chế tuyển chọn đặc biệt đi kèm chế độ lương không dựa trên lương công chức nhà nước làm thước đo, mà phải được trả theo thị trường đi cùng cơ chế miễn nhiệm và sa thải gắn với việc có hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ hay không… sẽ là điều kiện để Ủy ban có đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu.  

Theo tính toán của CIEM, với cơ chế hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp của Ủy ban và đội ngũ giỏi sẽ đáp ứng  kỳ vọng gia tăng giá trị vốn và tài sản nhà nước thì lợi ích thu được sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí thành lập Ủy ban…

“Tôi tin là chỉ trong 2 năm thôi, Ủy ban này sẽ đi vào hoạt động bởi Nghị quyết của Đảng đã nêu rồi, luật đã có rồi, Chính phủ đã đưa vào chương trình hành động rồi. Hơn nữa không khí thảo luận về cơ quan chuyên trách này đã khác trước…”, ông Cung khẳng định.

Nghi ngờ khả năng của “siêu” Ủy ban, song PGS.TS Trần Đình Thiên cũng thừa nhận cách tiếp cận của CIEM về mô hình “siêu” Ủy ban mang tính đột phá. Theo ông, cần phải bỏ bộ chủ quản, bỏ những gì là phân tán và gây xung đột lợi ích. Vị chuyên gia này cũng cho rằng vốn đang phân tán, giờ tập trung lại có khi hiệu quả hơn. Vấn đề là cần phải cân nhắc kỹ, phải có thêm nhiều mô hình khác bên cạnh mô hình của CIEM để phân tích, so sánh tìm ra mô hình hiệu quả nhất…

Đọc thêm