Cần thêm nhiều doanh nghiệp tham gia tạo chuỗi giá trị bền vững

(PLO) - Khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp (DN) trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn mới, nhưng thực tế cho thấy tỷ trọng DN hoạt động trong lĩnh vực này lại đang có xu hướng giảm. Đã có một vài tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, song nông nghiệp Việt Nam đang rất cần nhiều DN hơn nữa để tạo ra chuỗi giá trị bền vững …
Diễn đàn “Phát triển DN nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”
Diễn đàn “Phát triển DN nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”

Vấn đề trên được đề cập tại Diễn đàn “Phát triển DN nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” do Ban Kinh tế TW, Bộ NN&PTNT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức sáng qua…

Doanh nghiệp không mặn mà?

Có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nền nông nghiệp Việt Nam đang phát triển thiếu bền vững, hiện đang đối mặt với những vấn đề kinh tế nan giải, đó là: giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo và khả năng sinh lời thấp của sản xuất nông hộ quy mô nhỏ. 

Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, yếu kém trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Kinh tế TW, ông Nguyễn Văn Bình chỉ ra là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; DN, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết.

Cụ thể, số lượng các DN nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển rất chậm, năm 2014 chỉ chiếm dưới 1% các DN được điều tra (chỉ có 3.844 DN nông nghiệp so với tổng số 420.251 DN hoạt động được điều tra). Giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng số DN nông lâm thuỷ sản đạt bình quân 10,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng DN nói chung 10,9%/năm. Đến năm 2015, số DN nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 3.640 DN. 

Trong khi đó, cơ cấu của các DN nông lâm thuỷ sản chủ yếu là DN nhỏ và vừa, chiếm 96,53% tổng số DN; có khoảng 50% DN ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động); DN hoạt động nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 47,63%), tiếp đến là thủy sản (chiếm 35,43%) và ít nhất là lâm nghiệp (chiếm 16,94%). 

Bên cạnh đó, vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm cả đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực nông nghiệp ở mức khiêm tốn 30.419 tỷ đồng năm 2014 (tăng 1,42 lần so với năm 2009). Tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước vào năm 2014.

Báo cáo của VCCI cũng cho thấy , tuy số lượng DN trong lĩnh vực nông lâm thủy sản đã tăng từ 2397 DN năm 2007 lên 3635 DN năm 2013, nhưng tỷ trọng DN trong lĩnh vực này lại có xu hướng giảm đi, từ 1,6% xuống còn 1% trong giai đoạn 2007-2013. “Điều này cho thấy sự phát triển DN trong lĩnh vực nông lâm thủy sản kém hơn sự phát triển của DN trong các lĩnh vực khác...”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.

“Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, một trong những ngành được đánh giá có nhiều cơ hội trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là ngành nông nghiệp…”, Trưởng ban Kinh tế TW nhấn mạnh.

Hướng tới chuỗi giá trị bền vững

Dẫn nghiên cứu của Oxfam, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, chỉ với cây lúa và cá tra, người nông dân cứ bỏ ra 70% nguồn lực chỉ thu về được 30% trong khi nếu là DN, họ chỉ cần bỏ ra 30% nguồn lực nhưng lại thu về đến 70%. Vấn đề đặt ra là vai trò của nhà nước điều chỉnh mối quan hệ  này như thế nào để mang lại lợi ích chung. 

Theo ông, chính sách hỗ trợ của nhà nước phải trong tâm, trọng đểm, sẽ tập trung vào một số sản phẩm mũi nhọn. “Bản chất là cạnh tranh, muốn vậy phải có quy mô đủ lớn, nếu manh mún rất khó”, Thứ trưởng Đông lưu ý.

Theo đề xuất của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, sẽ có 2 đối tác: Người nông dân tập hợp trong hợp tác xã và DN để cùng phân chia lại chuỗi giá trị. “Chỉ có hài hòa trong phân chia lợi ích mới mang lại giá trị bền vững”, Thứ trưởng Đông khẳng định.

Thực tế cho thấy đã có nhiều DN thành công và trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương như: Vinamilk, CTCP  đường Lam Sơn, TH Truemilk, Tập đoàn Việt - Úc...

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đòi hỏi phải có nhiều DN đầu tầu, đầu tư những dự án bài bản, tạo được hiệu ứng lan tỏa thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới. “Không những thế, kinh nghệm của những DN này khi được phổ biến rộng rãi còn cổ vũ, thắp lửa tinh thần khởi nghiệp cho nông dân trở thành những  doanh nhân trên chính mảnh đất của họ...”, TS Tuấn kỳ vọng.

Nhiều giải pháp để thu hút đầu tư vào nông nghiệp cũng được đưa ra như, trong đó tập trung làm rõ các giải pháp then chốt như: xác định đúng vai trò của Nhà nước trong đầu tư vào nông nghiệp; các chính sách tạo thuận lợi cho sử dụng nguồn nước và đất có hiệu quả; cải cách dịch vụ công trong nông nghiệp; các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp; quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản; cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích DN tư nhân tham gia đào tạo nghề cho nông dân; chính sách tín dụng hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp… 

Được biết sau Diễn đàn này, Ban Kinh tế TW sẽ chắt lọc, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất có giá trị để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ để triển khai trong thực tế… 

Đọc thêm