Cần Thơ: Cần tập trung đổi mới công nghệ và phát triển nguồn nhân lực

(PLO) - Đó là quan điểm đề xuất của nhiều chuyên gia đóng góp tại Hội thảo “Phát triển bền vững - Giải pháp cho TP Cần Thơ đến năm 2030” do UBND TP Cần Thơ tổ chức hôm nay 10/11 nhằm giúp thành phố tăng trưởng kinh tế “sôi động” hơn trong thời gian tới.
Cần Thơ cần tập trung đổi mới công nghệ và phát triển nguồn nhân lực
Cần Thơ cần tập trung đổi mới công nghệ và phát triển nguồn nhân lực

Cần đẩy mạnh thu hút đầu tư

Theo Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững gắn với mô hình tăng trưởng và khẳng định vị thế trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ cần nhận diện đầy đủ thực trạng các nguồn lực, các động lực tăng trưởng, bối cảnh thuận lợi khó khăn, cơ hội thách thức để xây dựng các giải pháp và lộ trình thực hiện hợp lý là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay. Trong đó, Cần Thơ cần tập trung khai thác hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế và phát huy lợi thế hạ tầng logistics hiện có để tăng nguồn vốn và hiệu quả an toàn sử dụng vốn đầu tư an toàn. 

Ông Trần Thế Như Hiệp - Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ đề xuất, thời gian tới, Cần Thơ ưu tiên lựa chọn các FTA và thu hút đầu tư từ các quốc gia trong khu vực ASEAN, và các nền kinh tế có khả năng chi phối kinh tế toàn cầu tham gia đầu tư, phát triển tại Cần Thơ. 

Ông Hiệp cho biết thêm, trong trung hạn và dài hạn, Cần Thơ cần chú trọng phát triển các lĩnh vực ngành có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như: gạo, thủy sản, nông sản chế biến và tập trung mở rộng phát triển các ngành mới như: logistics, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo... Đặc biệt, Cần Thơ tập trung xây dựng cơ chế và chính sách để thu hút đầu tư FDI hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trở thành doanh nghiệp dẫn dắt trong các lĩnh vực logistics, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo, chế biến nông sản...

Định hướng phát triển kinh tế bền vững

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ cho biết, giai đoạn 2013-2016, chất lượng tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ được nâng lên, GRDP tăng hơn 7%. Định hướng giải pháp phát triển cho thành phố đến năm 2030, UBND TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch hành động về phát triển bền vững, nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; thực hiện các biện pháp làm giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu...

Để Cần Thơ đạt được mục tiêu phát triển bền vững gắn với mô hình tăng trưởng và khẳng định vị thế trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, PGS.TS Võ Thành Danh, Đại học Cần Thơ cho rằng, thời gian tới, thành phố cần kết nối với các viện, trường trên địa bàn Cần Thơ và các địa phương trong cả nước để phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng các trương trình khoa học, công nghệ trọng điểm của Cần Thơ; hình thành các khu công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao và có chính sách tốt sử dụng người tài trong các lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực cao...

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đồng quan điểm, Cần Thơ cần tập trung đổi mới công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở khai thác lợi thế của Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ cùng với các Viện nghiên cứu khoa học công nghệ để tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đón đầu xu thế các mạng công nghệ 4.0 và cung ứng lao động chất lượng cao cho các nhà đầu tư FDI trên địa bàn Cần Thơ và cho cả khu vực...

Ông Nguyễn Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các Sở, Ban, ngành thành phố và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững với nội dung và hình thức phù hợp cho từng nhóm đối tượng trong xã hội. Trong thời gian tới, thành phố sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong thực hiện phát triển bền vững. Tăng cường hợp tác với các địa phương và mở rộng hợp tác quốc tế; chủ động lòng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đọc thêm