Cần Thơ: Doanh nghiệp đang lãng phí nhiều ưu đãi từ các Hiệp định song phương

(PLVN) - Doanh nghiệp tại TP Cần Thơ ngày càng có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng lẫn tiềm lực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để doanh nghiệp phát triển mạnh và bền vững, cần chủ động tiếp cận và tận dụng các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại.
Một số chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu đang lãng phí nhiều ưu đãi từ các Hiệp định song phương mang lại
Một số chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu đang lãng phí nhiều ưu đãi từ các Hiệp định song phương mang lại

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ, phì nhiêu, hệ thống kênh ngòi chằng chịt nên có tiềm năng rất lớn về nông, thủy sản. Vùng đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp, trên 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây. Nơi đây được xem là vựa lúa, vựa thủy sản lớn nhất cả nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho rằng, trước thách thức biến đổi khí hậu, diện tích sản xuất, nuôi trồng ngày càng hạn hẹp thì doanh nghiệp quan tâm hưởng lợi từ việc được miễn giảm thuế quan là chưa đủ, mà cần có phương hướng chuyển dịch sản xuất sản phẩm theo xu hướng chất lượng cao, tạo sức cạnh tranh vững chắc ngay từ đầu. “Khai thác lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do như thế nào, hiệu quả ra sao thì còn tùy thuộc vào từng doanh nghiệp”, ông Nam nói.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư và phát triển các ngành hàng này, doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long gặp không ít khó khăn, trở ngại, từ cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cho đến yếu tố thị trường. Hơn hết, khả năng tiếp cận, khai thác lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do để xuất khẩu sản phẩm thì doanh nghiệp vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, tình hình xuất khẩu các mặt hàng về nông – thủy sản đến cuối năm 2019 dự đoán có nhiều biến động, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Để đầu ra sản phẩm được duy trì ổn định, các doanh nghiệp cần tạo sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp, hệ thống chuỗi phân phối sản phẩm nước ngoài để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. 

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết, hiện địa phương có trên 40 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông - thủy sản. Dù vậy, thực trạng liên kết giữa các doanh nghiệp và doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước còn rất lỏng lẻo trong bối cảnh nước ta đã và đang triển khai áp dụng 16 Hiệp định thương mại tự do mang đến nhiều lợi thế cho doanh nghiệp nhưng lại ít biết tận dụng.

Nếu kịp thời nắm bắt và tận dụng các hiệp định sẽ góp phần xóa bỏ hàng rào thuế quan, rào cản thương mại để dễ dàng đưa sản phẩm, hàng hóa qua thị trường quốc tế. Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa thấy được lợi thế của pháp luật mang lại.

“Theo khảo sát đánh giá, các doanh nghiệp tại Cần Thơ tiếp cận và vận dụng chỉ khoảng 1% các Hiệp định thương mại tự do. Biết khai thác, tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định thương mại mang lại sẽ là lợi thế vô cùng lớn, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”, ông Toại trăn trở.

Cũng theo ông Toại, trước đây, Trung Quốc là một trong những thị trường chính để doanh nghiệp Việt xuất khẩu. Thế nhưng, vào thời điểm cuối năm 2018 thị trường này bắt đầu đóng cửa và chuyển dần sang con đường chính ngạch, yêu cầu các đơn vị xuất khẩu phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chứng nhận sản phẩm, thủ tục thuế quan được kiểm soát chặt chẽ, chưa kể xuất khẩu sang những thị trường “khó tính” như: Mỹ, châu Âu. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần thay đổi quan điểm sản xuất để tạo thị trường xuất khẩu ổn định, bền vững. 

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Hoàng Duy, đại diện lãnh đạo Cty Xuất nhập khẩu Cần Thơ cho rằng, doanh nghiệp khó tiếp cận các quy định từ Hiệp định thương mại tự do vì không có bộ phận chuyên trách để nghiên cứu; hạ tầng giao thông vận tải, hệ thống logistics chưa phát triển; đây là những “điểm nghẽn” gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề xuất nhập khẩu nông – thủy sản, vừa qua, tại TP Cần Thơ, Báo PLVN tổ chức Tọa đàm nằm trong khuôn khổ chương trình Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” với chủ đề “Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong xuất, nhập khẩu nông, thủy sản”. Tọa đàm nhằm góp phần hỗ trợ và tháo gỡ nhiều vướng mắc pháp lý mà doanh nghiệp xuất khẩu gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Đọc thêm