Cẩn trọng với “đòn bẩy” ưu đãi thuế

(PLO) - Theo Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AVV), mặc dù được sử dụng như một đòn bẩy để kích thích đầu tư nước ngoài, mỗi năm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Việt Nam ước giảm 20 triệu USD, do các chính sách miễn giảm thuế từ các Hiệp định thương mại. Số tiền thất thu này bằng khoảng 5 lần chi ngân sách cho giáo dục, 3 lần chi ngân sách y tế của năm 2012…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tin được đưa ra trong một buổi trao đổi về chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại Việt Nam và các hiệp định thương mại quốc tế Việt Nam đã ký trong mối liên quan với chất lượng dịch vụ công, đặc biệt là các dịch vụ công dành cho phụ nữ và trẻ em gái ở các nước đang phát triển, tổ chức hôm 13/4 vừa qua.

Thu hút FDI và giảm thuế

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, AVV cho biết, từ năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu đổi mới, Việt Nam đã khá thành công trong việc thu hút vốn FDI. Tính đến năm 2013, dòng vốn FDI đã lên tới 19,2 tỷ USD mỗi năm - mức tăng trưởng đáng kinh ngạc so với năm trước, tới 65,5%. Đến đầu quý IV năm 2013, kinh tế Việt Nam đã vượt chỉ tiêu thu hút vốn FDI 13 - 14 triệu USD/năm do Chính phủ đề ra.

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, chiều hướng tăng trưởng dòng vốn FDI ở mức trên trung bình như hiện nay sẽ còn tiếp tục bởi kinh tế toàn cầu đã sáng sủa hơn và Việt Nam mới ký kết thêm một số hiệp định thương mại tự do.

“Nhìn chung FDI đã thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu, tạo thêm việc làm, đồng thời tạo ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu của Chính phủ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của sự sụt giảm nguồn thu từ thuế TNDN, chính sách miễn giảm thuế và tình trạng tránh thuế của một số công ty, nguồn thu của Chính phủ mỗi năm bị thất thoát 20 triệu USD. Các cơ chế thực thi và giám sát chính sách và luật của Chính phủ càng khiến chi phí tăng lên…” - báo cáo cho biết.

Theo đại diện AVV, số liệu này được lấy từ một nghiên cứu thuế do AVV và Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTA) thực hiện năm 2014 mang tên “Chính sách thuế của Việt Nam với mục tiêu bình đẳng hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo”.

Ưu đãi thuế không tạo ra cạnh tranh

Với hầu hết các DN FDI, đầu tư vào Việt Nam thường hấp dẫn bởi các ưu đãi tài chính “hào phóng” của Chính phủ - theo cách nói của AVV, trong đó có chính sách giãn, giảm thuế và giảm tiền thuê đất. Ngoài ra các yếu tố đầu vào rẻ hơn, như nhân công rẻ và làm việc cần cù, tình hình chính trị an toàn và ổn định cũng góp phần đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Với việc liên tục giảm thuế suất thuế TNDN và đến nay là 20%, AVV dẫn lời một số nhà kinh tế gọi xu hướng này là hội chứng “chạy đua xuống đáy” và cũng lưu ý mức thuế này không chỉ giảm tại Việt Nam mà còn giảm tại các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, AVV cho rằng Chính phủ đang phụ thuộc quá nhiều vào các chính sách tài chính, bao gồm cả việc giảm thuế như một công cụ chính sách đầu tư.

Theo AVV, việc có nên coi giảm thuế như một công cụ chính sách hay không cần được quyết định trước hết dựa trên khả năng gây tác động đến quyết định đầu tư và sau đó là hiệu quả chi phí mang lại. “Bản thân các chính sách ưu đãi thuế không tạo ra sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các biện pháp ưu đãi chỉ nên xếp sau các yếu tố quyết định cơ bản như nguồn lao động có tay nghề tốt, hệ thống pháp luật hiệu quả và hệ thống cơ sở hạ tầng tốt...” - báo cáo của AVV lưu ý.

Con số 20 triệu USD, theo AVV, chủ yếu thông qua hình thức chuyển giá (phân bổ thu nhập và chi phí giữa các công ty, các chi nhánh thuộc cùng một pháp nhân thông qua hình thức chuyển giá để giảm số tiền thuế phải nộp của toàn hệ thống).

AVV cũng chứng minh số thuế thất thu này này ước bằng khoảng 5 lần chi ngân sách cho giáo dục, 3 lần chi ngân sách y tế của năm 2012…

Hệ quả là chất lượng của dịch vụ công sẽ bị ảnh hưởng khi ngân sách thuế ngày càng eo hẹp. Bên cạnh đó, tuy việc tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại quốc tế được đánh giá là cần thiết, sự tham gia này đã làm hạn chế không gian chính sách hỗ trợ việc điều chỉnh cơ cấu DN và cơ cấu lao động. Không dừng ở đó, AVV cho rằng, trên thực tế thất thu thuế vẫn còn rất lớn do các hành vi trốn thuế phi đạo đức và bất hợp pháp.

“Cho dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp, vẫn cần có các quy định và chính sách nghiêm ngặt hơn để giải quyết tình trạng này, đi kèm với cơ chế theo dõi và kiểm tra chặt chẽ…” - AVV khuyến nghị.

Không bình luận về con số 20 triệu USD, ông Nguyễn Văn Phụng (Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các DN lớn, Tổng cục Thuế), lưu ý sự khác nhau giữa trốn thuế và tránh thuế và theo ông cần phải “trừng trị thẳng tay” đối với tội trốn thuế. Ông Phụng cũng khẳng định hiện nay chính sách nói chung và chính sách thuế đã có sự bình đẳng giữa các DN FDI và DN trong nước. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng trốn thuế và tránh thuế, việc quan trọng nhất hiện nay là phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật.

Từ vụ Hồ sơ Panama, đại diện Tổng cục Thuế cũng chia sẻ chưa rõ các DN FDI tại Việt Nam có dính líu hay không, nhưng qua đây thức tỉnh cho ngành Thuế cần phải tăng cường giao lưu các kênh trong và ngoài nước, phải tăng cường quản lý rủi ro, để chia sẻ thông tin với cơ quan thuế các nước để phối hợp. Mặt khách, cần nâng cao năng lực cho cán bộ công chức để giám sát được DN FDI trong khi các thủ tục đang ngày càng được đơn giản hóa ...

Đọc thêm