Cảng ICD Mỹ Đình có cần cơ chế đặc thù?

(PLO) - Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính, cho phép áp dụng thí điểm cơ chế chuyển cửa khẩu đối với hàng tiêu dùng tại ICD Mỹ Đình. Tuy nhiên, lần đầu cho phép một cảng nội địa được hưởng những đặc quyền xuất nhập khẩu như các cảng quốc tế, liệu cơ quan chức năng có ngăn ngừa được việc lợi dụng chế độ ưu đãi để gian lận thương mại?
Cho ICD Mỹ Đình hưởng cơ chế đặc thù, có kiểm soát được việc lợi dụng chế độ ưu đãi để gian lận thương mại?
Cho ICD Mỹ Đình hưởng cơ chế đặc thù, có kiểm soát
được việc lợi dụng chế độ ưu đãi để gian lận thương mại?
Chỉ cho thí điểm
Theo Bộ Tài chính, thời gian thí điểm cơ chế chuyển cửa khẩu đối với hàng tiêu dùng tại ICD Mỹ Đình được tính từ tháng 6/2014 đến hết 31/12/2016. Việc cho phép ICD Mỹ Đình áp dụng “cơ chế đặc thù”, tức cho phép cảng nội địa này được hưởng những đặc quyền xuất nhập khẩu bình đẳng như các cảng quốc tế, xét về tính pháp lý là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 154/2005/NĐ-CP và các văn bản liên quan.  
Bởi Nghị định 154 ngày 15/12/2005 và Nghị định 94 ngày 12/11/2012 của Chính phủ đang có hiệu lực, quy định nhóm hàng hóa tiêu dùng không thuộc đối tượng được chuyển cửa khẩu, đặc biệt mặt hàng rượu chỉ được nhập qua các cửa khẩu quốc tế chứ không phải cảng nội địa. 
Nói theo cách khác, chiếu theo các văn bản pháp luật nêu trên thì nhóm hàng không được đưa về ICD Mỹ Đình sẽ là: Mặt hàng rượu, ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi (loại mới và đã qua sử dụng), hàng tiêu dùng nhập khẩu (NK) kinh doanh. Trong khi ICD Mỹ Đình lại đang có nhu cầu được đưa nhóm hàng này về đây để làm thủ tục hải quan nhằm tăng khả năng khai thác của cảng nội địa được đánh giá là hoạt động kém hiệu quả. Bởi từ sau năm 2010, lượng hàng hóa làm thủ tục tại cảng ICD giảm sút rất nhiều, không đúng với quy mô ban đầu của dự án. 
Đề xuất cho ICD Mỹ Đình được hưởng cơ chế đặc thù dựa trên kiến nghị của UBND TP. Hà Nội và Bộ Tài chính. Các cơ quan này cho rằng hiệu quả của ICD Mỹ Đình có thể sẽ đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô khi được áp dụng cơ chế đặc thù. Cảng nội địa ICD Mỹ Đình thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và Dịch vụ quốc tế (Interserco), doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Hà Nội. 
Giám sát được không?
Đề xuất của UBND TP.Hà Nội cho rằng việc cho phép chuyển cửa khẩu với mặt hàng tiêu dùng của các DN có nhu cầu về làm thủ tục tại ICD Mỹ Đình sẽ góp phần tăng số thu ngân sách của Hà Nội qua các khoản thu phát sinh từ hoạt động xuất khẩu, NK của các DN này. Cơ quan này cũng đưa ra lý lẽ cho đề xuất của mình rằng, Hà Nội là trung tâm tiêu dùng và là đầu mối phân phối bán buôn cho các tỉnh phía Bắc, mặt hàng tiêu dùng được thông quan tại các cửa khẩu đều được vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ và phân phối.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, sau khi đồng ý cho áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù,  Bộ Tài chính sẽ quy định cụ thể các điều kiện, thủ tục áp dụng; quy trình, quy định kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm chặt chẽ và ngăn ngừa các hành vi lợi dụng để gian lận, trốn thuế. 
Trước đó, trong công văn đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính mới đưa ra một vài biện pháp quản lý. Ví dụ như: Điều kiện DN phải có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại địa bàn TP. Hà Nội; là DN tuân thủ pháp luật theo các quy định tại Luật Quản lý thuế và Luật Hải quan, không thuộc loại DN rủi ro…
Về điều kiện hàng hóa được chuyển cửa khẩu về ICD Mỹ Đình, cơ quan quản lý cũng chỉ mới quy định chung chung:  trừ những hàng hóa ảnh hưởng đến môi trường không được chuyển vào nội địa để làm thủ tục như: Phế liệu, hàng hóa thuộc Danh mục NK phải có giấy phép NK của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Về mặt thủ tục hải quan chuyển cửa khẩu, Bộ Tài chính hứa sẽ xây dựng quy trình quản lý chặt chẽ đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu về ICD Mỹ Đình. 
Chi cục Hải quan cửa khẩu, Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội sẽ là đơn vị hải quan được giao quyền quản lý ICD Mỹ Đình thực hiện thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa tiêu dùng NK được chuyển về ICD Mỹ Đình để làm thủ tục.

Đọc thêm