Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Không thụ động ngồi chờ cơ hội!

(PLVN) - Trái với những dự đoán trước đó rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi, trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thì các số liệu kinh tế vĩ mô cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang bị tổn thương và thiếu bền vững hơn từ cuộc chiến thương mại này…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cảnh báo được đưa ra từ Hội thảo “Động lực cho Kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng”, do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) và NBN Media tổ chức hôm 30/10, trong khuôn khổ Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform)

Tăng trưởng nhờ XK nhưng “khá bấp bênh”

Nhận định về mức tăng trưởng GDP của Việt Nam 9 tháng dầu năm (7,31%), Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM), ông Nguyễn Anh Dương đánh giá, đây là mức tương đối cao, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước (trừ Quý III/2017) và vượt tiềm năng trong nhiều quý liên tiếp. So với các nước trong khu vực, tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng dẫn đầu, bỏ xa nước sát sau là Trung Quốc (6%).

Động lực cho tăng trường được chỉ ra là do tăng trưởng ở khu vực công nghiệp, trong đó khai khoáng tăng trở lại sau khi sụt giảm trong cùng kỳ 2018; Xuất khẩu vẫn giữa đà phục hồi tăng trưởng; Gia tăng FDI…

Nguyên Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung xác nhận thành tích tăng trưởng GDP với thán từ “Tự hào” (trong ngoặc kép) và đặt vấn đề: Tăng trưởng đó có được từ đâu?

Dẫn số liệu xuất khẩu (XK), ông Cung cho rằng tăng trưởng nhờ XK nhưng “Khá bấp bênh, không chắc chắn, rủi ro không nhỏ!”.

Bằng chứng là 9 tháng đầu năm, XK tăng 7,6% nhưng chủ yếu vào Mỹ. Mỹ tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,9 tỷ USD, tăng 26,6%, trong khi các thị trường truyền thống như : EU đạt 34,2 tỷ USD, giảm 1,9%; Trung Quốc đạt 32,5 tỷ USD, giảm 2,9%; Các thị trường khác tăng nhẹ như: ASEAN đạt 21,3 tỷ USD, tăng 2,6%; Nhật Bản đạt 16,6 tỷ USD, tăng 7,5%; Hàn Quốc đạt 16,6 tỷ USD, tăng 9%...

“Liệu Mỹ có cho ta tiếp tục như thế? Không phải lúc nào thị trưởng này cũng tăng trưởng 20- 30%. Đây là rủi ro rất lớn!” - TS Cung lo ngại và cho rằng ngay cả tốc độ XK 9 tháng của năm 2019 đã có dấu hiệu giảm sút.

Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM, Nguyễn Anh Dương chia sẻ rằng mặc dù XK sang Mỹ tăng cao nhưng khi trao đổi với một số DN của Việt Nam thì họ cho biết họ chưa buông thị trường Trung Quốc nhưng XK vào thị trường lúc này đang thực sự rất khó khăn.

Một điểm mà ông Dương cũng lưu ý là khác với mọi năm, XK của khu vực FDI đang giảm tốc, thấp hơn cả khu vực trong nước…

Thu hút FDI: Chất lượng đang giảm sút

Động lực thứ hai được nhắc đến trong tăng trưởng GDP là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dẫn số liệu 10 tháng, trong đó thu hút FDI tăng 26% về số dự án, nhưng giảm 14,6% về số vốn đăng ký mới, vốn đăng ký FDI bổ sung cũng giảm 16,4% so cùng kỳ, FDI thực hiện chỉ tăng 7,4%, TS Nguyễn Đình Cung băn khoăn: “Như vậy là các dự án đã giảm quy mô. Nhà đầu tư (NĐT) đã phân nhỏ dự án để tránh rủi ro. Với quy mô nhỏ, liệu có chuyển giao công nghệ?”.

Trong khi đó, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài lại tăng quá mạnh, lên tới 70,5% và câu hỏi được chuyên gia này  đặt ra là: “Họ mua cái gì, ở đâu? Chất lượng dự án liệu có tăng?”. 

Đáng chú ý, trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trong 10 tháng, thì Hàn Quốc là NĐT lớn nhất với 2.752,9 triệu USD, chiếm 21,5% tổng vốn đăng ký cấp mới;  Trung Quốc 2.115,6 triệu USD, chiếm 16,5%; Singapore 1.839,8 triệu USD, chiếm 14,3%; Đặc khu hành chính Hongkong (Trung Quốc) 1.639,1 triệu USD, chiếm 12,8%; Nhật Bản 1.630,8 triệu USD, chiếm 12,7%; Thái Lan 538,1 triệu USD, chiếm 4,2%; Xa-moa 499,6 triệu USD, chiếm 3,9%; Đài Loan (Trung Quốc) 454,6 triệu USD, chiếm 3,5%.

“Cái chúng ta muốn nhìn thấy là đầu tư từ châu Âu, Mỹ thì không thấy đâu trong khi Trung Quốc và có yếu tố Trung Quốc chiếm gần 50%! Rõ ràng căng thẳng thương mại Mỹ- Trung đang làm nền kinh tế chúng ta tổn thương hơn…” -  Ông Cung lên tiếng và cho rằng Việt Nam cần tận dụng, thu hút được cơ hội chuyển dịch dòng vốn và DN nước ngoài trong cuộc chiến tranh thương mại này.

“Chúng ta không thụ động ngồi chờ cơ hội! 2 năm qua, căng thẳng thương mại Mỹ- Trung  chứng tỏ nền kinh tế của chúng ta dễ bị tổn thương, nhiều NĐT chưa thực sự quan tâm với thay đổi trong chính sách của chúng ta hiện nay.

Tôi cho rằng Bộ Ngoại giao, Bộ KH&ĐT, các bộ chuyên ngành khác cần chủ động gặp các đại sứ, các tham tán kinh tế của các nước tại Việt Nam, các Hiệp hội DN FDI tại Việt Nam, các NĐT lớn tiềm năng; giải thích rõ về mục tiêu, nội dung và tác động của Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đối với FDI.

Đồng thời cử đặc phái viên của Thủ tướng đến gặp, trao đổi với các DN, các NĐT công nghệ lớn tiềm năng, đang có ý định bố trí lại cơ cấu sản xuất của họ do thương chiến và các yếu tố khác; tìm hiểu về mong muốn và yêu cầu của họ; mời gọi, thuyết phục họ chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam hoặc tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam…” - ông Cung đề xuất…

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI:

“Ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan…”

Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội 2019, Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, trái với dự báo của nhiều chuyên gia về việc Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thực tế nền kinh tế của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức.

 

Trong đó cơ cấu XK theo thị trường đang có những chuyển dịch bất lợi khi XK sang nhóm 5 thị trường XK hàng đầu của Việt Nam (EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc) đều giảm tốc. Duy nhất, XK sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro về gian lận thương mại, thâm hụt thương mại.

 “Trong khi hầu hết các quốc gia đều bị Mỹ trừng phạt thì ai có thể bảo đảm rằng chúng ta là ngoại lệ ? Khả năng duy trì XK vào một thị trường lớn nhất chiếm tới gần 1/4 tổng kim ngạch của Việt Nam, do vậy, trở nên rất mong manh!..” - Chủ tịch VCCI phân tích.

Bức tranh về ĐTNN cũng chẳng sáng sủa hơn khi 9 tháng đầu năm, FDI có dấu hiệu nhích lên nhưng lại giảm tốc ở 2 đầu nguồn trọng điểm đóng vai trò dẫn dắt là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan tới Trung Quốc (bao gồm cả Trung Quốc, Đài Loan và Hongkong).  “Vốn FDI dịch chuyển theo hướng này cũng phát đi một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng về FDI và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của nước ta…” - Chủ tịch VCCI nhận định.

Từ những chỉ báo trên, Chủ tịch VCCI cho rằng, để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là rất gian nan…

Đọc thêm