Cảnh báo cạnh tranh không lành mạnh của thị trường hàng không

(PLVN) -Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã xác nhận có văn bản có đóng dấu "mật" mà hãng hàng không Vietnam Airlines gửi Bộ này để “tố” Bamboo Airways.
Số liệu tổng kết của Cục Hàng không mới đăng tải cho thấy, năm 2018, vận chuyển của các hãng hàng không Việt đạt gần 50 triệu hành khách, tăng 10,1% so với 2017 và trên 400 nghìn tấn hàng hóa, tăng 27,2%
Số liệu tổng kết của Cục Hàng không mới đăng tải cho thấy, năm 2018, vận chuyển của các hãng hàng không Việt đạt gần 50 triệu hành khách, tăng 10,1% so với 2017 và trên 400 nghìn tấn hàng hóa, tăng 27,2%

Trong buổi họp báo thường kì Chính phủ chiều 4/5, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc có hay không việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận được văn bản "mật" của Vietnam Airlines, với nội dung “tố” Bamboo Airways có hành vi được cho là “giành phi công” và quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này như thế nào.

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật xác nhận, ngày 24/4 Bộ đã nhận được báo cáo của VNA về tình trạng phi công chuyển sang đến đơn vị khác.

Ông cho biết, Bộ GTVT đang kiểm tra tình trạng chuyển việc của phi công mà VNA phản ánh trong báo cáo, xem có sai quy trình hay phạm luật hay không, nhưng thực chất, đây là một hoạt động của cơ chế thị trường, Nhà nước không thể can thiệp sâu được.

“Chúng tôi sẽ ngồi lại với hai bên để xem xét vụ việc như thế nào, rồi có báo cáo rõ hơn", ông Nhật nói.

Trước đó, ngày 24/4, báo chí trong nước đưa tin, hãng hàng không Bamboo Airways – một thành viên của Tập đoàn FLC - cho biết vào ngày 23/4, hãng này có "nhặt" được một văn bản "báo cáo" dưới dạng photo, đóng dấu "Mật", cuối báo cáo có chữ ký của lãnh đạo Vietnam Airlines.

Nội dung văn bản này phản ánh về việc Bamboo Airways có hành vi “giành giật lực lượng phi công của VNA”. Đáng chú ý, văn bản này còn trực tiếp đề nghị Bộ GTVT dừng xem xét việc cấp chứng chỉ khai thác (AOC) đối với loại tàu bay thân rộng B787 mà Bamboo Airways đang chuẩn bị đưa vào khai thác.

Sau đó, Tập đoàn FLC đã gửi công văn tới Bộ GTVT đề nghị xác minh "báo cáo" có chính xác được phát hành bởi VNA hay không, và nếu đúng thì đề nghị Bộ có các biện pháp cần thiết trong thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Dấu hỏi về minh bạch

Đúng như Thứ trưởng Bộ GTVT đã nói, chuyện phi công Vietnam Airlines có nhu cầu chuyển sang các đơn vị khác làm việc, thực tế là một hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường.

Công văn trước đó của Tập đoàn FLC khẳng định, nếu cho rằng Bamboo Airways có hành vi không lành mạnh, Vietnam Airlines hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục khởi kiện và đề nghị sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hãng hàng không quốc gia đã chọn cách ngược lại.

Việc Vietnam Airlines sử dụng công văn đóng dấu "Mật" để báo cáo việc này, đồng thời dựa vào đó để đề nghị cơ quan chức năng đưa ra quyết định cản trở hoạt động của doanh nghiệp khác, có thể xem là hành vi trái với nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, và trái với quy định về quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định.

Đồng thời, sự việc này cũng đặt ra câu hỏi về tính minh bạch thông tin.

Tại nhiều cuộc họp của Quốc hội, các đại biểu từng nêu ý kiến về việc dấu "Mật" đang được dùng tùy tiện trên những văn bản không mật, không được pháp luật quy định là thông tin mật.

Lạm dụng dấu "Mật" sẽ gây ra tình trạng mâu thuẫn với Luật Tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp, báo chí; có thể dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng khi vụ việc không được giám sát chặt chẽ, để lọt nhiều sai phạm và hệ luỵ lâu dài.

Trong trường hợp này, việc đóng dấu "Mật" vào báo cáo thậm chí còn có thể bị hiểu là hành vi "đi đêm" của cơ quan này, trong quan hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận báo cáo. Việc này cũng tương tự như việc Bộ Công Thương đề xuất đóng dấu "Mật" lên giá điện, giá xăng.

Chuyện cũ tái diễn

Câu chuyện của Vietnam Airlines và Bamboo Airways trong năm 2019 khiến nhiều người nhớ lại một vụ việc khá tương tự từ năm 2015.

Khi đó, trước tình trạng nhiều phi công Vietnam Airlines chuyển sang các hãng hàng không khác, Vietnam Airlines cũng đã đưa ra hàng loạt kiến nghị gây xôn xao dư luận.

Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị Cục Hàng không xem xét không chấp thuận các hãng hàng không lôi kéo, vận động, chuyển dịch lao động đặc thù giữa các hãng hàng không Việt Nam trong thời hạn từ nay đến hết năm 2020; cho đến khi cấp có thẩm quyền có quy định mới.

Các kiến nghị này ngay lập tức bị giới luật sư cho là vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật hiện hành, bao gồm Luật Doanh nghiệp; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam về sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng; và Luật Cạnh tranh.

Sau 4 năm, bản báo cáo đóng dấu "Mật" lại tiếp tục đặt ra câu hỏi lớn về sự cạnh tranh lành mạnh, trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

 "Không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân" là nguyện vọng đã được khối doanh nghiệp tư nhân hơn một lần gửi gắm tới Chính phủ.

 Và để làm được điều này, có lẽ đã đến lúc chính các doanh nghiệp nhà nước cần chấp nhận thực tế về một cuộc chơi sòng phẳng, khi Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và áp lực cạnh tranh sẽ công bằng cho tất cả.

Đọc thêm