Cảnh báo rủi ro đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9

(PLVN) -Trước thêm nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã phát đi thông báo cảnh báo các hình thức lừa đảo phổ biến mà tội phạm đang sử dụng, cùng các nội dung khuyến cáo để khách hàng phòng tránh lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Cảnh báo rủi ro đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9

Ngân hàng cho biết, hiện có 2 hình thức lừa đảo trực tuyến, đó là thủ đoạn lừa đảo lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng và thủ đoạn lừa đảo khách hàng tự chuyển tiền.

Theo đó, với thủ đoạn lừa đảo lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng, đối tượng lừa đảo tìm cách lấy cắp các thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng từ đó truy cập và chiếm đoạt tiền từ tài khoản. 

Một số thủ đoạn phổ biến đã được ghi nhận như: Giả mạo website/Fanpage của ngân hàng và gửi đường link giả mạo để khách hàng nhập thông tin; Lừa khách hàng cài đặt phần mềm gián điệp; Giả danh nhân viên ngân hàng, tòa án, cảnh sát,…và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin…

Ngân hàng lưu ý, Vietcombank không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ với khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.

Đối với thủ đoạn lừa đảo khách hàng tự chuyển tiền kẻ gian giả danh nhân viên ngân hàng, tòa án, cảnh sát, nhân viên bưu điện, viễn thông, giao hàng… yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến tài khoản của kẻ gian.

Ngân hàng đề nghị khách hàng hãy nâng cao cảnh giác, xác định chính xác thông tin của người liên hệ. Không thực hiện chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Đồng thời, báo cho cơ quan Công an/cơ quan chức năng nơi gần nhất nếu thấy dấu hiệu nghi ngờ.

Với mục đích nâng cao cảnh giác về các hình thức lừa đảo,  Vietcombank khuyến nghị khách hàng thực hiện đúng các hướng dẫn giao dịch an toàn, trong đó không tiết lộ tên đăng nhập và mật khẩu cho bất cứ ai khác. Không nên viết mật khẩu ra giấy hoặc ghi chép/lưu dưới bất kỳ hình thức nào.

Khách hàng chỉ đăng nhập qua các thiết bị đáng tin cậy. Không sử dụng các thiết bị di động đã bị phá khóa hoặc can thiệp hệ điều hành (root, jaibreak…) để sử dụng dịch vụ.

Để đăng nhập vào dịch vụ VCB Digibank, khách hàng chỉ nên truy cập vào website chính thức của Vietcombank và chọn mục Ngân hàng số; Đăng xuất ngay sau khi kết thúc phiên giao dịch hoặc khi không sử dụng.

Đặc biệt, khách hàng không nên sử dụng các thông tin cá nhân cơ bản (ngày tháng năm sinh, số điện thoại, tên...) để đặt mật khẩu. Nên đổi mật khẩu theo định kỳ tối thiểu ba tháng một lần hoặc khi bị lộ/nghi ngờ bị lộ.

Khi nhận được tin nhắn OTP, cần kiểm tra các nội dung thông báo của OTP (như số tiền, loại giao dịch, kênh thực hiện giao dịch...). Trong trường hợp thông tin không khớp đúng, tuyệt đối không nhập OTP vào bất cứ màn hình nào. Không cung cấp OTP cho bất cứ ai dưới bất kỳ hình thức nào…

Trước đó, chỉ trong vòng 1 tuần, cả Tẹchcombank và VPBank đều đã phát đi thông điệp lưu ý khác hàng về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng…

Trường hợp phát hiện ra có dấu hiệu bị lừa đảo hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, bị tin tặc hoặc nghi ngờ bị tin tặc tấn công, để đảm bảo an toàn, Vietcombank lưu ý khách hàng nên thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau:

1. Khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến.

2. Đổi mật khẩu của dịch vụ đang bị kẻ gian tìm cách lấy cắp thông tin.

3. Gọi điện ngay cho ngân hàng theo số hotline 24/7: 1900545413

4. Nếu trong giờ hành chính, khách hàng có thể đến ngay các điểm giao dịch ngân hàng để được trợ giúp.

5. Ngoài ra, ngân hàng khuyến nghị khách hàng trình báo vấn đề của mình với các cơ quan có thẩm quyền (ví dụ: Công an quận/huyện/tỉnh… )

Đọc thêm