“Cạnh tranh là linh hồn của thị trường”

(PLO) - Theo TS. Nguyễn Bá Bình (Trưởng bộ môn Pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, ĐH Luật Hà Nội), cạnh tranh là linh hồn của thị trường. Nhưng cạnh tranh thế nào để không bị coi là vi phạm pháp luật, đó là điều các DN phải hết sức lưu tâm.
“Cạnh tranh là linh hồn của thị trường”
-. Thưa ông, trong kinh doanh thì cạnh tranh là điều tất yếu, nhưng nhiều doanh nghiệp đã không để ý tới lằn ranh pháp lý giữa cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh. Ông có thể chỉ ra ranh giới này giúp độc giả của PLVN?
TS. Nguyễn Bá Bình: Nói đến kinh tế thị trường, không thể không nói tới cạnh tranh. Cạnh tranh là động lực cho sự phát triển của thị trường. Có học giả ví von rằng trong kinh tế thị trường, nếu quan hệ cung cầu là cốt vật chất, giá cả là diện mạo thì cạnh tranh là linh hồn của thị trường. Tuy vậy, trên thị trường có cả hành vi cạnh tranh được coi là tốt, tích cực và cũng không thiếu những hành vi cạnh tranh xấu, tiêu cực. Căn cứ vào tính lành mạnh và tác động của hành vi cạnh tranh đối với thị trường, có thể chia các hành vi cạnh tranh làm 3 nhóm: hành vi cạnh tranh lành mạnh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi hạn chế cạnh tranh.
Theo đó, để đảm bảo có được một thị trường cạnh tranh lành mạnh, pháp luật Việt Nam cũng như nhiều nước hiệu chỉnh không chỉ nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà còn cả nhóm hành vi hạn chế cạnh tranh. Về mặt ngữ nghĩa, pháp luật không đưa ra định nghĩa về cạnh tranh lành mạnh, nhưng qua các quy định có thể hiểu khái quát cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh bằng tiềm năng vốn có của doanh nghiệp, phù hợp pháp luật và tập quán kinh doanh lành mạnh và có mục đích thu hút khách hàng. 
Trong khi đó theo Luật Cạnh tranh Việt Nam 2004 thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các hành vi cạnh tranh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng. Cũng theo Luật này, hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế.
TS. Nguyễn Bá Bình (Trưởng bộ môn Pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, ĐH Luật Hà Nội)
 TS. Nguyễn Bá Bình (Trưởng bộ môn Pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, ĐH Luật Hà Nội)
-  Luật cấm những hành vi nào trong việc cạnh tranh, thưa ông?
TS. Nguyễn Bá Bình: Như đã nói ở trên, để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, pháp luật chúng ta cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và một số hành vi hạn chế cạnh tranh.
Đối với nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Luật cạnh tranh 2004 chỉ rõ việc cấm đối với 9 hành vi, đó là: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; Xâm phạm bí mật kinh doanh; Ép buộc trong kinh doanh; Gièm pha doanh nghiệp khác; Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Phân biệt đối xử của hiệp hội; Bán hàng đa cấp bất chính. Ngoài ra, Chính phủ tùy tình hình có thể căn cứ vào cách hiểu về cạnh tranh không lành mạnh như nêu trong Luật cạnh tranh mà quy định thêm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác.
Đối với nhóm hành vi hạn chế cạnh tranh, Luật cạnh tranh cũng nhận diện các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các hành vi bị coi là lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, các hành vi tập trung kinh tế và quy định rõ các trường hợp doanh nghiệp bị cấm thực hiện. 
Tuy nhiên, cần phải lưu ý là Luật cạnh tranh không cấm tất cả các hành vi có khả năng hạn chế cạnh tranh mà chỉ cấm những hành vi gây nên hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. Thậm chí một số hành vi hạn chế cạnh tranh bị thuộc diện cấm cũng có thể được hưởng sự miễn trừ của Luật.
Ví dụ, thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ thuộc diện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, nhưng chỉ bị cấm khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên. Hay đối với hành vi sáp nhập doanh nghiệp làm cho doanh nghiệp được sáp nhập có thị phần chiếm trên 50% thị trường liên quan thì bị cấm, nhưng hành vi này có thể được miễn trừ, chẳng hạn chứng minh được việc sáp nhập đó có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.
- Vi phạm pháp luật cạnh tranh thì sẽ bị xử lý như thế nào?
TS. Nguyễn Bá Bình: Hành vi phạm pháp luật cạnh tranh có thể bị áp dụng các chế tài hành chính, dân sự và hình sự. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ yếu áp dụng chế tài hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm. Cụ thể là, về chế tài hành chính, doanh nghiệp vi phạm có thể phải chịu 1 trong 2 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. 
Cùng với đó, doanh nghiệp vi phạm cũng có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm. 
Ngoài hình thức xử phạt chính và bổ sung thì doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; Buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua; Buộc cải chính công khai; Buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh; Buộc sử dụng hoặc bán lại các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp đã mua nhưng không sử dụng; Buộc loại bỏ những biện pháp ngăn cản, kìm hãm doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển triển kinh doanh; Buộc khôi phục các điều kiện phát triển kỹ thuật, công nghệ mà doanh nghiệp đã cản trở; Buộc loại bỏ các điều kiện bất lợi đã áp đặt cho khách hàng.
-  Luật pháp hiện hành theo ông đã đủ sức bảo đảm cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp hay chưa?
TS. Nguyễn Bá Bình: Luật Cạnh tranh 2004, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như các văn bản liên quan nhìn chung đã quy định những vấn đề cơ bản, cần thiết để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp trên thị trường. Cũng có một số quy định cần sớm hoàn thiện như việc phân biệt thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang và chiều dọc, việc bổ sung quy định điều chỉnh hành vi của các Hiệp hội doanh nghiệp trong các vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, sửa đổi tiêu chí đánh giá thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hiện mới chỉ dựa trên thị phần... 
Tuy nhiên, để kiến tạo cuộc chơi cạnh tranh thực sự lành mạnh giữa các doanh nghiệp, mấu chốt nhất hẳn là vấn đề thực thi luật để luật không chỉ dừng lại trên giấy. Muốn vậy cần năng cao năng lực thực thi, khả năng phối hợp của các cơ quan nhà nước hữu quan, đặc biệt là Cục quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh – các cơ quan nắm vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Người ta vẫn nói, xã hội thiếu vắng luật không nguy hiểm bằng có luật nhưng luật pháp bị khinh nhờn. Trong trường hợp này, tôi cũng tin là vậy.
- Xin cám ơn ông!

Đọc thêm