Chậm giải ngân vốn ODA: Không chỉ do 'đại dịch'

(PLVN) - Bộ Tài chính cho biết, giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) ước thực hiện hết tháng 8/2020, đạt tỷ lệ 21,64% dự toán được giao, cao hơn so với cùng kỳ của năm 2019, nhưng thấp hơn so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước…
Chậm giải ngân vốn ODA: Không chỉ do 'đại dịch'

Covid-19 chỉ là một nguyên nhân

Tại Hội nghị giữa Bộ Tài chính với các Bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020 tổ chức mới đây, đại diện các Bộ, ngành đều cho rằng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến quá trình giải ngân đầu tư công vốn ODA. Hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát…

Mặc dù là Bộ có kết quả giải ngân khá cao so với bình quân chung của cả nước, song theo đại diện Bộ GTVT, Bộ cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai các dự án sử dụng vốn ODA. “Nhiều chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam để khảo sát, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho dự án dẫn đến các khâu đều bị chậm so với kế hoạch và ảnh hưởng tới kết quả giải ngân…”- Đại diện Bộ GTVT cho hay.

Cùng với đó, các vướng mắc về thủ tục điều chỉnh các dự án cũng làm chậm tiến độ giải ngân. Ông Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, qua theo dõi của Bộ Tài chính đã có 9 hiệp định vay của các Bộ, ngành phải làm thủ tục gia hạn, điều chỉnh với nhà tài trợ.

“Theo quy định hiện nay, việc gia hạn khoản vay hay bất kỳ điều chỉnh nào của dự án đều gắn liền với điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong khi quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư thường phức tạp và kéo dài dẫn đến một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh…”- Đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Một phần nguyên nhân chậm giải ngân cũng phải kể tới đó là việc bên cạnh việc thực hiện giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2020, các Bộ, ngành còn tập trung giải ngân dự toán đã được giao của năm 2019. Trong 8 tháng đầu năm 2020, các Bộ, ngành đã giải ngân phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn của năm 2019 là 2.420 tỷ đồng. Vấn đề chậm hoàn chứng từ đối với các khoản Chính phủ Việt Nam đã nhận nợ với nhà tài trợ nước ngoài cùng làm chậm tiến độ giải ngân. 

Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác như: chậm giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong tái định cư, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, các vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế chính sách mới cũng làm cho việc giải ngân đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài bị chậm.

Với những vướng mắc và tốc độ giải ngân như hiện nay, theo đại diện Bộ Tài chính nếu các bộ, ngành không có giải pháp quyết liệt thì sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ đã được Quốc hội, Chính phủ giao.

Gỡ bằng cách nào?

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính rà soát số liệu giải ngân nguồn vốn ODA. Đồng thời phối kết hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc thực hiện giải quyết các thủ tục giải ngân rút vốn và tạm ứng vốn, hoàn lại chứng từ theo đúng quy định. 

Đối với các dự án phải điều chỉnh thời hạn giải ngân, chủ trương đầu tư, Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành cần phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT để trình Thủ tướng, trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ trao đổi đàm phán nhà tài trợ để điều chỉnh hiệp định vay. Thứ trưởng cũng cho biết, từ nay tới cuối năm các Bộ, ngành sẽ tổ chức giao ban hàng tháng và cùng nhau ngồi rà soát, xét kỹ hơn về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn ODA để các khó khăn, vướng mắc được khắc phục một cách triệt để nhất…

Bộ Tài chính cũng kiến nghị, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương cần coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng Bộ, ngành và có cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài ở mức độ 100% dự toán được giao, làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với số vốn ODA đã phân bổ các năm trước còn lại, nếu có khả năng giải ngân, các Bộ, ngành cần sớm tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu để Bộ KH&ĐT tổng hợp, cân đối trong cả giai đoạn 2016-2020, song không vượt quá kế hoạch được Quốc hội giao.

Đối với trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển ngay trong tháng 8...

Đọc thêm