Chậm quy hoạch, hạ tầng nhiều sân bay có nguy cơ “vỡ trận”

(PLVN) - Nhiều sân bay đang quá tải, trong khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn đang loay hoay chưa điều chỉnh xong quy hoạch. Hệ quả, nhiều cảng hàng không có tiền đầu tư nhưng không thể xây dựng nâng công suất.
Do chưa được lập quy hoạch, dù quá tải, cảng hàng không Đà Nẵng chưa thể nâng cấp, xây mới. Ảnh minh họa
Do chưa được lập quy hoạch, dù quá tải, cảng hàng không Đà Nẵng chưa thể nâng cấp, xây mới. Ảnh minh họa

Khách tăng, đè nặng lên hạ tầng hàng không

Theo nhận định của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và thứ nhất Đông Nam Á; mức tăng trưởng trung bình trong 5 năm tới gần 14%, cán mốc 150 triệu lượt hành khách vào năm 2035.

Theo số liệu của Bộ GTVT, thị trường hành khách hàng không Việt Nam (HKVN) năm 2018 tăng trưởng 12,9% với 106 triệu lượt hành khách; hàng hóa tăng 7,7% với 1,5 triệu tấn. Thị trường hàng không rất sôi động, ở trong nước có sự tham gia của 68 hãng hàng không nước ngoài, 5 hãng HKVN. Tại thị trường quốc tế, 68 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng HKVN đang khai thác gần 130 đường bay quốc tế giữa Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng đi 28 quốc gia/vùng lãnh thổ…

Theo nhận định, HKVN đang có sự tăng trưởng “nóng”, nhiều sân bay đang trong tình trạng quá tải. Nhiều sân bay không được nâng công suất có thể sẽ dẫn đến “vỡ trận”, khi đó đối tượng bị thiệt không chỉ là hành khách mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg: Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Quyết định 236); trong đó đặt mục tiêu phát triển hệ thống cảng hàng không với công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Quyết định này cũng giao Bộ GTVT thực hiện quy hoạch các cảng hàng không, sân bay nhằm đáp ứng các mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, việc quy hoạch các sân bay theo Quyết định 236 chưa được thực hiện xong. Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN, sau khi Thủ tướng ra Quyết định trên, Cục HKVN đã tiến hành rà soát, xác định đã có nhiều cảng hàng không phù hợp với Quyết định 236 của Thủ tướng.

Cụ thể, có 8 cảng hàng không là Điện Biên, Đồng Hới, Long Thành, Vân Đồn, Phú Bài, Cần Thơ, Phan Thiết, Tân Sơn Nhất đã được lập/điều chỉnh quy hoạch chi tiết và được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT phê duyệt với quy mô phù hợp quy mô tại Quyết định 236. Hai cảng hàng không là Côn Đảo và Chu Lai đã trình Bộ GTVT hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Còn 17 cảng hàng không cần tiếp tục lập quy hoạch chi tiết/điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp với Quyết định 236.

Vướng mắc kinh phí quy hoạch

Theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, 17 cảng hàng không chưa thể lập quy hoạch là do vướng mắc vốn thực hiện. Ông Thắng cho biết thêm, theo Luật Quy hoạch, Đề án này thuộc quy hoạch quốc gia nên được thực hiện theo nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, Cục HKVN hiện chưa được bố trí vốn đầu tư để thực hiện công tác quy hoạch.

Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Duy Lâm cho biết, Cục HKVN đã lập dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019 cho nhiệm vụ thiết kế quy hoạch là hơn 17,5 tỷ đồng. Kinh phí này cũng đã được Bộ tổng hợp trong dự toán thu, chi thường xuyên NSNN năm 2019 của Bộ GTVT gửi Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sau đó đã loại khoản chi này ra khỏi Quyết định giao dự toán thu, chi NSNN 2019.

Trước nhu cầu cấp bách phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết các cảng hàng không, mới đây Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét bổ sung dự toán chi thường xuyên NSNN 2019 cho nhiệm vụ thiết kế quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy Bộ Tài chính hồi đáp.

Cùng với đó, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, nhiều dự án hạ tầng hàng không cấp bách cần đầu tư xây dựng ngay và đã sẵn tiền nhưng do vướng chưa được quy hoạch nên không thể triển khai xây dựng. Ông Phiệt đưa ví dụ, tại các sân bay như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc đã quá tải nhưng không thể điều chỉnh vì chưa có quy hoạch.

“Quy hoạch phải sớm để còn tiến hành các bước đầu tư xây dựng”, ông Phiệt giục và cho biết, công suất cả 2 nhà ga quốc nội và quốc tế của Đà Nẵng tối đa chỉ 10 triệu khách/năm nhưng hiện đã quá tải khoảng 3 triệu khách/năm. “Phải xây dựng một nhà ga mới để đảm bảo công suất tối đa của Đà Nẵng khoảng 30 triệu khách. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải xây dựng một nhà ga mới công suất 18 – 20 triệu khách/năm mới có thể đảm bảo theo Quyết định 236 của Thủ tướng”, lãnh đạo ACV nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, trong phát triển hàng không, việc quy hoạch các cảng hàng không là việc rất quan trọng. “Tôi đã báo cáo Thủ tướng về việc kinh phí lập quy hoạch tổng thể. Thủ tướng cũng đã đồng tình và giao Bộ Tài chính sớm có báo cáo nguồn vốn này”, ông Thọ nói.

Chỉ vì đang thiếu hơn 17 tỷ đồng kinh phí lập quy hoạch, Bộ GTVT đang khiến hàng loạt sân bay không thể đầu tư, nâng cao công suất. Đó là một nghịch lý ở Bộ mà mỗi năm được rót hàng chục nghìn tỷ tiền ngân sách để đầu tư công! 

Đọc thêm