Chậm tiền trợ giá xe buýt ở TP HCM: Xã viên rút xe, DN thành “con nợ”

(PLO) - Thiếu tiền trợ giá, nhiều đơn vị vận tải hành khách công cộng đang lâm cảnh khốn đốn do xã viên đồng loạt rút xe; nhiều tuyến mất chuyến  hoặc ngừng hoạt động trong khi đối tác liên tục gửi “trát” đòi nợ. Vì sao có cảnh này?
Tuyến 44 và 78 ở TP HCM, nhiều xã viên đã xin rút phương tiện nên từ 32 xe chỉ còn 16 xe
Tuyến 44 và 78 ở TP HCM, nhiều xã viên đã xin rút phương tiện nên từ 32 xe chỉ còn 16 xe

Mất nguồn cung nhiên liệu

Ông Nguyễn Ngọc Bình - Giám đốc HTX Vận tải số 28 cho biết, đơn vị này vừa nhận được văn bản đòi nợ của Công ty CP Kinh doanh khí Miền Nam. Theo đó, đến 15h ngày 28/9/2018, số nợ tiền mua khí CNG của HTX Vận tải số 28 là hơn 685 triệu đồng. Văn bản nêu rõ, trong tháng 7/2018, HTX này cam kết tới tháng 9/2018 sẽ thanh toán toàn bộ công nợ quá hạn vì đang đợi tiền trợ giá của Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng (Sở GTVT TP HCM). Nhưng đến thời điểm này, tình hình thanh toán công nợ tiền khí CNG của HTX vẫn chưa được thực hiện.

Do đó, DN cung cấp khí CNG đưa ra “tối hậu thư”: Đến 15h ngày 5/10/2018, nếu HTX không thanh toán số tiền nợ trên thì Công ty CP Kinh doanh khí Miền Nam sẽ ngừng cung cấp khí CNG cho các xe buýt của HTX này.

Giám đốc HTX Vận tải số 28 thừa nhận, hiện đơn vị này đang nợ tiền khí vì DN khó khăn, chưa có tiền trả, đang chờ tiền trợ giá của Nhà nước. Vị Giám đốc này nói, hiện đang chờ các đơn vị thành viên của HTX gom tiền về để trả nợ. Tuy nhiên, vị này phân trần, thời gian qua, các xã viên làm ăn không mấy hiệu quả. Tám tháng qua, đơn vị đã trang trải nhiều khoản “dữ lắm rồi” nên hiện giờ chưa thu xếp được nguồn tiền để trả nợ. Do đó, nguồn tiền quan trọng nhất để đơn vị trả được nợ là tiền trợ giá xe buýt. Được biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị này chỉ nhận được khoảng 50% tiền trợ giá.

Giám đốc HTX Vận tải số 28 cho biết thêm, giữa tháng 8 và cuối tháng 9/2018, HTX hai lần thương thảo để ký hợp đồng cung cấp vận tải xe buýt với Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng TP HCM. Tuy nhiên, cả hai lần đều thất bại, không ký được hợp đồng do giá mà Trung tâm đưa ra quá thấp. Lãnh đạo HTX này chờ tiền trợ giá xe buýt, nhưng thừa nhận không biết lúc nào mới nhận được do chưa thống nhất được các điều khoản để ký hợp đồng. Như vậy, nếu tới đây HTX không thu xếp được tiền trả nợ khí CNG thì nhà cung cấp sẽ cắt nguyên liệu, khi đó xe buýt của HTX này có nguy cơ ngừng chạy.

Tăng tuyến những trợ giá không tăng

Theo tìm hiểu của PLVN, hiện nay không chỉ HTX Vận tải số 28 chưa nhận được tiền trợ giá mà nhiều đơn vị khác cũng tương tự, dẫn đến nhiều xã viên xin rút xe, tự ý ngưng hoạt động, khiến nhiều tuyến buýt giảm tuyến, mất chuyến, ảnh hưởng đến người đi xe buýt. Điển hình, tại HTX Vận tải và Du lịch Đông Nam, tuyến 40 đã ngưng hoạt động từ tháng 8/2017; tuyến 17 thường xuyên mất chuyến; tuyến 51 ngưng hoạt động; tuyến 44 và 78 nhiều xã viên xin rút phương tiện (từ 32 xe xuống còn 16 xe)…

Đến cuối tháng 9/2018, Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng mới giải ngân được 447 tỷ đồng, trong tổng số 1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt năm 2018. Giải thích việc chậm giải ngân tiền trợ giá xe buýt, ông Trần Chí Trung -  Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng cho biết, do Trung tâm này và các HTX chưa ký được hợp đồng nên chưa thể giải ngân. Lý do chưa thể ký hợp đồng, theo ông Trung, vì chi phí nguyên liệu, đầu vào của các HTX tăng lên trong khi trợ giá thấp nên các HTX không đồng ý. 

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm này, tiền trợ giá của TP trong nhiều năm qua không tăng, dao động ở ngưỡng 1.000 tỷ đồng mỗi năm, trong khi TP chủ trưởng tăng thêm nhiều tuyến buýt để phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân. Do đó, dù kinh phí đầu vào của các HTX tăng lên nhưng số tiền trợ giá lại giảm đi khiến DN kêu ca.

Theo Sở GTVT TP HCM, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, sản lượng hành khách công cộng đạt 15% (hiện nay là 9,6%) nhu cầu đi lại của người dân TP. Để đạt được mục tiêu này, phải mở thêm tuyến, đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo kế hoạch, phải mở được ít nhất là 80 tuyến/năm để đến cuối năm 2020, số tuyến tăng từ 200 - 220 tuyến so với hiện nay; còn phương tiện xe buýt tăng lên khoảng 5.600 xe.

Có kế hoạch “gối đầu”, DN buýt Hà Nội ít “kêu ca”

“Chia sẻ với PLVN, ông Lương Đức Thịnh - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, liên quan đến việc trợ giá xe buýt, kinh nghiệm của Hà Nội cho thấy, Trung tâm này thường lập kế hoạch để ký hợp đồng với các DN vận tải theo quý. Việc này cần làm một cách bài bản, “gối đầu” giữa các quý, không để xảy ra bị động. Nguồn kinh phí trợ giá đã được phê duyệt từ đầu năm, căn cứ vào nguồn kinh phí này, Trung tâm phân bổ đều, ký hợp đồng với các DN. Do đó, khi đến thời gian ký hợp đồng, cả Trung tâm và DN đều chủ động ký kết, không có chuyện “kỳ kèo” về điều khoản.

Ngoài ra, hiện nay Hà Nội chỉ có 6 DN tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt, trong khi TP HCM có hàng chục DN tham gia, mức độ xã hội hóa cao, nhiều DN kinh doanh hiệu quả kém nên việc thực hiện trợ giá phức tạp hơn”.

Đọc thêm