Chỉ 2% doanh nghiệp hiểu kỹ về phòng vệ thương mại

(PLVN) - Theo một khảo sát mới đây, chỉ có 19,81% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ và gần 2% đã tìm hiểu tương đối kỹ, nắm rõ về phòng vệ thương mại. Trong khi đó, số quốc gia tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại không ngừng gia tăng…
Đệm mút đã nằm trong danh sách được cảnh báo nhưng vẫn bị Mỹ điều tra PVTM.
Đệm mút đã nằm trong danh sách được cảnh báo nhưng vẫn bị Mỹ điều tra PVTM.

Nguy cơ hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), từ năm 1995 đến hết năm 2019, các thành viên WTO đã khởi xướng 5.944 vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG), 577 vụ việc điều tra chống trợ cấp (CTC) và 377 vụ việc điều tra tự vệ. Trong số đó, có 3.958 vụ việc được áp dụng biện pháp CBPG, 320 vụ việc áp dụng biện pháp CTC và 185 vụ việc áp dụng biện pháp tự vệ. 

Trong khi nguy cơ ngày càng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM)  từ nhiều thị trường xuất khẩu (XK) thì sự hiểu biết của doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn rất hạn chế. Theo đại diện Cục PVTM (Bộ Công Thương), kết quả một khảo sát gần đây cho thấy, có khoảng 15% DN không biết gì về PVTM; chỉ có gần 2% đã tìm hiểu tương đối kỹ, nắm rõ; còn đa phần các DN có biết, nghe qua nhưng chưa nắm rõ vấn đề này và chỉ 19,81% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ. 

Với kết quả khảo sát này, có thể thấy, nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị áp dụng các biện pháp PVTM rất cao, nhất là đối với nhóm mặt hàng kim loại đang được các nước áp dụng rất nhiều biện pháp PVTM. Gần đây, Cục PVTM đã xây dựng danh mục các mặt hàng của Việt Nam có nguy cơ bị áp dụng biện pháp PVTM. Các mặt hàng này được cập nhật hàng tháng. Trong số các mặt hàng đã cảnh báo, mặt hàng đệm mút XK sang Hoa Kỳ đã chính thức bị điều tra PVTM do kim ngạch XK năm 2019 tăng đến 513% so với năm 2018 và số lượng XK trong năm 2020 tiếp tục tăng 522% ngay trong tháng 1. 

Doanh nghiệp có thể chủ động ứng phó…

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM cho biết, thời gian qua, trong các vụ việc PVTM của nước ngoài với hàng XK Việt Nam, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ DN XK thông qua nhiều hoạt động như: cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện; Cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp DN nắm được diễn biến vụ việc, có định hướng đầu tư, kinh doanh phù hợp trong bối cảnh các biện pháp mang tính chất bảo hộ đang diễn biến phức tạp; Tham gia hợp tác, trả lời bản câu hỏi điều tra về chống trợ cấp, tình hình thị trường đặc biệt nhằm hỗ trợ DN xử lý vụ việc…

Nhờ đó, Việt Nam đã thu được một số kết quả tích cực. Ví dụ, đã kháng kiện thành công đối với 65/151 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỷ lệ khoảng 43%; đảm bảo nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm… tiếp tục được XK sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; Khiếu kiện 5 vụ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực.

Hiện Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp xử lý 2 vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO liên quan đến thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với cá tra và Chương trình Giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ

Tuy nhiên, trước nguy cơ áp dụng các biện pháp PVTM có thể xảy ra đối với các mặt hàng XK từ Việt Nam, ông Trung cho rằng, DN cần chủ động ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài bằng cách không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, bất hợp pháp. Đây cũng là biện pháp an toàn hiệu quả nhất mà DN có thể tham gia để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Hoặc, DN cần phải xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường XK để phân tán rủi ro, tránh tập trung XK với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp PVTM trong trường hợp XK từ Việt Nam gia tăng đột biến.

Ông Trung cũng khẳng định, Cục PVTM sẽ luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và DN để kịp thời cập nhật vụ việc PVTM. Bên cạnh đó, Phòng xử lý PVTM nước ngoài của Cục cũng sẽ hỗ trợ DN Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài và hỗ trợ DN trong quá trình xử lý vụ việc. 

Đọc thêm