Chỉ bỏ trần giá sữa khi thị trường minh bạch

(PLO) - Một tuần sau khi quy định về trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi chính thức được áp dụng, tình trạng giảm giá kiểu “xôi đỗ” vẫn diễn ra do chưa tới hạn chót 21/6.  Bộ Tài chính cho biết sẽ duy trì việc áp giá trần tới khi nào thị trường đáp ứng yêu cầu quản lý giá...
Áp trần giá sữa, mỗi gia đình tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng tiền sữa cho trẻ em mỗi tháng. Ảnh minh họa
Áp trần giá sữa, mỗi gia đình tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng tiền sữa cho trẻ em mỗi tháng. Ảnh minh họa
Sau đợt công bố giá bán lẻ, 5 mặt hàng sữa của Abbott giảm giá khá mạnh. Từ 1/6, tại hệ thống siêu thị Ocean Mart, mức giảm nhiều nhất là 143.000 đồng/hộp sữa Similac Gain IQ 1,7kg và mức giảm thấp nhất là 42.000 đồng/hộp Abbott Grow3 900g. Từ ngày 11/6, giá sữa bán lẻ của Mead Johnson cũng giảm ấn tượng, với mức giảm từ 60.000 đồng/hộp (Afamil A+1 400g) tới 196.000 đồng/hộp (Enfagrow A+3 vanilla 1,8kg). 
Cách đây ít ngày, Vinamilk cũng đã công bố giá bán buôn đối với 35 sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (gồm có 5 dòng sữa thuộc diện áp trần giá sữa của Bộ Tài chính và 30 dòng sữa Vinamilk tự đăng ký cho phù hợp). Theo đó, 35 sản phẩm này có mức giảm từ 6% đến 23%, tương đương 2.300 - 85.000 đồng/hộp tùy loại. Cụ thể, 5 sản phẩm sữa do Bộ Tài chính quản lý và công bố giá có mức giảm phổ biến từ 19% đến 23%/sản phẩm, 30 sản phẩm do Sở Tài chính công bố chỉ có mức giảm từ 6% trở lên.
Siêu thị giảm giá, cửa hàng tặng quà
Sau khi cơ quan quản lý áp trần giá bán buôn đối với các mặt hàng sữa, đại lý bán lẻ được cộng tối đa thêm 15% giá bán buôn, các siêu thị đã tuân thủ khá nghiêm túc, thể hiện mức giá niêm yết công khai.Vì thế, khách hàng dễ dàng tính được giá bán trong siêu thị đã hợp lý hay chưa, so sánh, đối chiếu để đảm bảo quyền lợi. 
Trong khi đó, trên thị trường tự do vốn không niêm yết giá công khai, giá sữa cũng có giảm nhưng linh động hơn, bởi trên thực tế, thường thì giá sữa ở các cửa hàng có thấp hơn chút so với siêu thị do các tiểu thương giảm phần trăm lợi nhuận để thu hút khách. Ngoài ra, tại Hà Nội, một số đại lý, cửa hàng và hãng sữa đang áp dụng chương trình mua sữa tặng ba lô hoặc rút thăm trúng thưởng...
Trong khi UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch bình ổn giá các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, yêu cầu thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về quản lý giá sữa, minh bạch thị trường, minh bạch giá bán các sản phẩm sữa, góp phần đảm bảo an sinh xã hội thì Sở Tài chính TP.HCM cho biết đang chờ hướng dẫn cụ thể hơn của Bộ Tài chính để xác định giá bán lẻ. 
Bộ Tài chính đang tích cực xem xét các kiến nghị này để việc công bố giá bán lẻ tối đa đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được thực hiện đúng thời gian mà Bộ đưa ra là vào ngày 21/6/2014.
Chỉ bỏ trần giá sữa khi thị trường minh bạch
Cuối tuần, trong buổi đối thoại với đoàn doanh nghiệp (DN) do ông Jean Jaquaes Bouflet - Phó Đại sứ Liên minh châu Âu tại Hà Nội – dẫn đầu với sự tham gia của đại diện sứ quán Mỹ và bốn hãng sữa là Abbott, Friesland Campina Việt Nam, Mead Johnson, Nestlé, đại diện Bộ Tài chính đã giải đáp cơ sở tính giá tối đa với 25 sản phẩm sữa quy định thực hiện bình ổn giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi. 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, kết quả thanh tra 5 DN sản xuất, kinh doanh sữa năm 2013 và hai tháng đầu năm 2014 cho thấy nhiều chi phí bất hợp lý như hoa hồng, khuyến mãi… có thể tiết kiệm được và có thể tiết giảm để giảm giá thành sản phẩm. 
Theo ông Tuấn, theo dõi giá sữa nguyên liệu thế giới và mức giảm giá sữa ở Việt Nam cho thấy, dù giá sữa thế giới nguyên liệu chính có tăng, giảm nhưng giá sữa tại Việt Nam không giảm trong những năm qua. Trong khi đó, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng có sự chuyển giá của một số sản phẩm sữa. Vì vậy, để minh oan cho các DN về vấn đề này, Bộ Tài chính đề nghị cung cấp những tờ khai hải quan và mức giá bán của các sản phẩm tại một số nước như Thái Lan, Malaysia… để có cơ sở giải đáp thông tin cho người tiêu dùng và báo chí.
Đại diện Bộ Tài chính nêu quan điểm của Chính phủ và Bộ là không can thiệp quá sâu vào việc định giá cũng như không hạn chế hiệu quả kinh doanh của DN. Song, một khi thị trường khiếm khuyết, Nhà nước phải có sự can thiệp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không mong duy trì việc áp giá trần. Khi nào yếu tố thị trường lành mạnh, yếu tố đầu vào tăng hợp lý, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý giá thì sẽ dừng biện pháp này. 

Đọc thêm