Chi phí không chính thức vẫn “hiện diện” trong thủ tục hành chính thuế

(PLO) - 75% doanh nghiệp (DN) hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thuế (tăng 4% so với năm 2014) nhưng có 34% DN cho biết có hiện tượng chi trả chi phí không chính thức trong các lần thanh tra, kiểm tra thuế (tăng nhẹ so với năm 2014 là 32%). 
Công bố Báo cáo khảo sát đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: mức độ hài lòng của DN năm 2016
Công bố Báo cáo khảo sát đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: mức độ hài lòng của DN năm 2016

Báo cáo khảo sát đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: mức độ hài lòng của DN năm 2016 được Tổng cục Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới công bố sáng nay (7/3).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: "ngành Thuế rất nỗ lực trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế"
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: "ngành Thuế rất nỗ lực trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế"

41% doanh nghiệp còn gặp một vài phiền hà

Kết quả chung đánh giá sự hài lòng của DN năm 2016 là 75% (tăng 4% so với năm 2014). Nhìn chung kết quả phản hồi của DN về việc thực hiện TTHC khá tốt, tỷ lệ DN cho rằng các TTHC thuế đơn giản, dễ dàng thực hiện ở mức 8,54% và 8,6%.

Đặc biệt với nỗ lực của cơ quan thuế trong việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử đã đem lại lợi ích thiết thực cho DN, được cộng đồng DN đánh giá khá cao.

Mặc dù vẫn còn có những sự cố về nghẽn mạng, đường truyền của cơ quan thuế còn chậm, nhưng có 84,47% DN cho rằng cơ quan thuế đã thường xuyên phối hợp để khắc phục sự cố kịp thời.

Kết quả còn có 41% DN còn gặp một vài phiền hà trong thực hiện TTHC thuế, nhưng đã giảm đáng kể so với năm 2014 (năm 2014 là từ 46-57%).

Những phiền hà cụ thể mà DN thường gặp khi thực hiện các TTHC thuế là biểu mẫu hay thay đổi, thời gian giải quyết quá dài, phải trả thêm chi phí không chính thức, yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ và cán bộ không hướng dẫn, tận tình.

Trong các TTHC thuế mà DN phải thực hiện, hai loại thủ tục có tỷ lệ DN đánh giá đơn giản, dễ thực hiện thấp nhất là thủ tục miễn giảm thuế (69%), đặc biệt là việc miễn giảm thuế thu nhập DN và hoàn thuế (60%).

Có 53% DN đánh giá tốt/rất tốt cán bộ thuế hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu và tuân thủ đúng quy trình giải quyết công việc (tăng 9% so với 2014); Tỷ lệ cán bộ thuế am hiểu chuyên môn nghiệp vụ cũng được DN đánh giá cao ở các bộ phận như Kê khai kế toán thuế 67%; Thanh tra, kiểm tra thuế 65%; TTHT là 61% hay Quản lý nợ và cưỡng chế cũng đạt tỷ lệ là 60%.

Dù làm đúng vẫn phải có khoản bôi trơn

Khảo sát 2016 tiếp tục đề nghị các DN cho biết về tình trạng chi trả chi phí không chính thức khi tiếp xúc với cán bộ thuế. Tương tự như năm 2014, chi phí không chính thức trong cuộc khảo sát này chưa đánh giá về động cơ, nguyên nhân hay mục đích của DN khi chi trả chi phí không chính thức (chẳng hạn như DN tự chi do văn hóa kinh doanh, do cán bộ thuế đòi hỏi hay do có sự thông đồng, thỏa thuận của cả hai bên…) mà chỉ đánh giá thuần túy về hiện tượng hay những lo ngại theo cảm nhận của DN.

Bà Nicola Smithers – Chuyên gia Quản trị công trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới) nhận thấy, theo khảo sát, còn gần 50% DN được khảo đánh giá không cao tác phong làm việc của cán bộ thuế. Tất nhiên có sự khác nhau giữa các cơ quan thuế và sự thay đổi không dễ dàng vì cải tiến tác phong làm việc yêu cầu những thay đổi về con người và cần nhiều công tác đào tạo khi cơ quan thuế phải phục vụ số lượng lớn người dân và DN. Đồng thời cần sự cam kết chính trị mạnh mẽ ở tất cả các cấp và hỗ trợ của cộng đồng DN và toàn xã hội.

Theo kết quả khảo sát, có 34% DN cho biết có hiện tượng chi trả chi phí không chính thức trong các lần thanh tra, kiểm tra thuế, tăng nhẹ so với năm 2014 (là 32%).

Qua khảo sát, một số DN thừa nhận “dù làm đúng vẫn phải có “khoản bôi trơn” vì sợ bị bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục quyết toán, thanh, kiểm tra thuế”. DN cho rằng, “Các khoản phải nộp không chính thức còn tồn tại quá nhiều gây mất bình đẳng và cạnh tranh  không lành mạnh”

Tuy công tác thanh, kiểm tra thuế năm 2016 được đánh giá tương đối tích cực trên một số phương diện so với năm 2014 nhưng DN vẫn “kêu” vì thanh, kiểm tra thuế quá nhiều.

Khảo sát năm 2016 cho thấy, hơn 53% DN từng tiếp đoàn thanh, kiểm tra thuế trong 1 năm gần nhất. DN càng có doanh thu, quy mô lớn thì tỷ lệ tiếp đoàn thanh, kiểm tra càng nhiều.

“Đáng lo ngại là có 9% cuộc thanh, kiểm tra thuế do các cơ quan khác thực hiện. Thậm chí cả cơ quan kiểm lâm cũng thực hiện kiểm tra thuế đối với DN” – ông Đậu Anh Tuấn nói.

Quá trình  khảo sát cũng ghi nhận việc DN phàn nàn vì trong quá trình thanh, kiểm tra DN phải thêm nhiều khoản chi cho cán bộ thuế để “không bị hành”, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Không để DN một mình “loay hoay” với thủ tục thuế

Để việc thực hiện nghĩa vụ thuế được đơn giản, dễ dàng hơn, DN mong muốn việc xây dựng các văn bản pháp luật về thuế đúng thời hạn và có chất lượng cao hơn, ổn định hơn trong thực tiễn. Các quy  định trong việc thực hiện TTHC của cơ quan thuế cần rõ ràng, dễ hiểu, cách giải thích câu từ phải cụ thể để tránh việc tiêu cực và và tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện đúng chính sách của nhà nước.

DN cũng đề nghị ổn định các mẫu báo cáo, biểu mẫu hạn chế thay đổi để hạn chế mất thời gian cập nhật cho phần mềm kế toán và chi phí của DN.

Dẫn ví dụ việc thay đổi biểu mẫu quyết toán, sổ sách, một công ty sẽ phải thu thêm phí cho 01 phiên bản cập nhật theo thông tư mới là 5 triệu đồng, ông Đậu Anh Tuấn nhận định: “Cả nước có bao nhiêu DN cần phải cập nhật và toàn quốc phải mất khoản tiền rất lớn”.

Theo DN, “chính sách thuế thay đổi quá nhiều lần trong một năm, DN chưa kịp thông suốt văn bản này đã có văn bản khác. Bên cạnh đó còn quá nhiều công văn hướng dẫn mà DN không biết. Do vậy, sai sót là khó tránh khỏi vì có quá nhiều văn bản mới” – ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết.

DN cũng mong cơ quan thuế tiếp tục thực hiện các TTHC thuế thông qua phương thức điện tử giúp tiết kiệm thời gian thực hiện TTHC thuế cho DN.

Khá nhiều DN mong muốn cơ quan thuế tăng cường việc hỗ trợ cho nhóm DN nhỏ, siêu nhỏ bằng cách đơn giản hóa các mẫu biểu, thủ tục kê khai, báo cáo đơn giản, dễ hiểu…để giúp cho việc tuân thủ của DN được dễ dàng hơn.

Theo DN, cơ quan thuế cần  “bố trí cán bộ chuyên môn phù  hợp công việc phụ trách, đồng thời có những hình thức kỷ luật đối với những công chức có thái độ nạt nộ, hách dịch, thiếu nhiệt tình, thân thiện với người nộp thuế.

Phải xây dựng tác phong làm việc cởi mở, có văn hóa và nghiêm túc. Công chức thuế phải là người hướng dẫn, giúp đỡ người nộp thuế thực hiện hiện đầy đủ, kịp thời các thủ tục về thuế chứ  không phải tận dụng sai sót của người nộp thuế để phạt”. 

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI: Việc đánh giá mức độ hài lòng của DN đối với cải cách TTHC thuế cũng như kết quả khảo sát đã có nhiều tiến bộ so với năm 2014. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề nên cần nâng cao chất lượng tuyên truyền, cung cấp thông tin về thuế, tiếp tục đơn giản hóa TTHC và ứng dụng CNTT đồng bộ hơn nữa, tập trung vào những khâu có “nguy cơ” cao.

Cải thiện công tác thanh kiểm tra thuế để giúp DN tìm ra sai sót, khắc phục, sửa chữa chứ không chỉ nhằm “tìm lỗi để phạt”. Có các biện pháp hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ (hộ kinh doanh) tuân thủ pháp luật vì họ không có nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác kế toán…

Cải cách TTHC thuế đang đi đúng hướng nhưng cộng đồng DN vẫn hy vọng cơ quan thuế sẽ tăng tốc hơn nữa để thúc đẩy hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ, siêu nhỏ dù đóng góp không lớn nhưng có ý nghĩa quan trọng trong tạo việc làm cho xã hội.

Đọc thêm