Chính quyền cần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

(PLO) - Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Hậu Giang - Tiềm năng đầu tư và phát triển”, diễn ra hôm qua (28/9).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá Hậu Giang có lợi thế lớn với nguồn nguyên liệu nông, thủy sản dồi dào, sản lượng cây ăn quả lớn; lúa chất lượng cao có thương hiệu; hạ tầng giao thông được kết nối thuận lợi. Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, niềm tin của các nhà đầu tư vào tỉnh Hậu Giang ngày càng rõ nét, đây là điều rất quan trọng.

Về lâu dài, Thủ tướng đề nghị tỉnh phải có tầm nhìn phát triển đặt trong quy hoạch của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn vùng chỉ cần một quy hoạch duy nhất, trên cơ sở đó, Hậu Giang và các tỉnh khác có sự phân công lao động, sản xuất dựa trên thế mạnh của mình. Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tiếp tục gỡ bỏ các rào cản cản trở sự phát triển của tỉnh, tiêu biểu là môi trường đầu tư kém cạnh tranh, chưa tạo được niềm tin và khơi được nguồn vốn trong dân vào phát triển. Các cấp chính quyền phải thật sự cầu thị, lắng nghe, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.

“Chính quyền không chỉ đạo doanh nghiệp phải sản xuất sản phẩm gì mà cần đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp về môi trường pháp lý, về thủ tục, thông tin,  dịch vụ công, về tiếp cận thị trường để doanh nghiệp tự quyết định và thuận lợi trong sản xuất kinh doanh. Đấy là cách tiếp cận kiến tạo, phát triển nhằm phát huy tính sáng tạo của thị trường, của nhà đầu tư. Chính phủ cũng như chính quyền các cấp không yêu cầu sản xuất sản phẩm nào mà chúng tôi cung cấp thông tin, dịch vụ công cho nhà đầu tư để nhà đầu tư quyết định làm sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước và quốc tế”, Thủ tướng nêu rõ.  

Cho rằng thực trạng phát triển doanh nghiệp của Hậu Giang còn yếu, khoảng 400 người dân mới có một doanh nghiệp, thấp hơn 3 lần so với mức bình quân cả nước, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi để thúc đẩy khởi nghiệp. Cùng với đó cần có biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu của nhà đầu tư.

“Chúng ta có nguồn nhân lực rất dồi dào trong độ tuổi lao động cao hơn mức bình quân của Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng đào tạo có nghề nghiệp, có nhu cầu cho các doanh nghiệp, cho sự phát triển thì đây là khâu yếu. Chính vì vậy tỉnh muốn thu hút để phát triển cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục đào tạo, nhất là lao động nông thôn, chuyển đổi hiệu quả lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp đóng góp 27% GDP của tỉnh nhưng lao động nông nghiệp chiếm đến trên 70% toàn tỉnh, số lượng lao động nông thôn ở Hậu Giang còn quá lớn và cần chuyển đổi mạnh cơ cấu này”, Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng cũng lưu ý, tỉnh cần đặc biệt chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị cần có chiến lược kinh doanh dài hơi, bền vững. Đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. “Sông nước mênh mông thế này mà xả thải thì cả làng, cả xóm, cả mấy tỉnh ô nhiễm chứ không chỉ một tỉnh. Phải lo cho cái chung. Trung ương, Quốc hội đều đặt vấn đề phải xử lý nghiêm việc này”, Thủ tướng lưu ý.

Đối với các nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị có chiến lược kinh doanh lâu dài và bền vững tại Hậu Giang. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải đề cao việc bảo vệ môi trường. Cùng với đó là kịp thời phối hợp, định kỳ làm việc với chính quyền địa phương để tháo gỡ vướng mắc.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao các các chủ trương đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ và hợp tác.

Đọc thêm