Chính sách đầu tư “sáng nắng chiều mưa” ở “thủ phủ resort Việt”: Đứng rót tiền làm ăn, quỳ đề nghị bồi thường

(PLO) -  Sau nhiều năm nằm trên giấy, dự án cảng Kê Gà đã phá sản. Năm 2014, sau khi TKV bị rút giấy phép đầu tư dự án, Thủ tướng đã chỉ đạo TKV phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận xem xét bồi thường cho 11 doanh nghiệp bị thiệt hại sau khi dừng quy hoạch dự án cảng Kê Gà. Câu chuyện “quy hoạch trên giấy, tiền ngàn tỷ mất thật” tưởng đi vào hồi kết, nhưng đến nay, sau hơn 4 năm triển khai, việc bồi thường vẫn đi vào ngõ cụt với nhiều doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là dự án resort Vạn Sanh (thuộc Công ty Vạn Trụ).
Resort Vạn Sanh nằm mỏi mòn chờ bồi thường, mới mong có tiền sửa sang tu bổ đưa vào hoạt động
Resort Vạn Sanh nằm mỏi mòn chờ bồi thường, mới mong có tiền sửa sang tu bổ đưa vào hoạt động

Nại đủ lý do “né” bồi thường

Ông Vũ Chí Công kể, đến năm 2014, mười một đại dự án du lịch hầu hết đã buông xuôi, tài sản phơi nắng phơi sương. Cho nên khi nghe tin bỏ dự án cảng, nhà đầu tư nào cũng vui mừng le lói hy vọng kinh doanh trở lại.

Ai cũng nghĩ sau khi được bồi thường, dù chỉ đáng một phần nhỏ của thiệt hại, doanh nghiệp sẽ nhẹ lòng, nếu còn sức sẽ tái đầu tư trên dự án resort cũ. Nén uất ức chuyện chính sách địa phương “sáng nắng chiều mưa”, ông chủ resort Vạn Sanh liều mạng đi vay ngân hàng 9 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư vào biển Kê Gà.

Tuy nhiên, khi UBND tỉnh Bình Thuận và TKV lập hội đồng bồi thường, không ít doanh nghiệp bị thiệt hại đã thất vọng, đặc biệt là Vạn Trụ. 

Đầu tiên, hội đồng bồi thường lấy hai lý do để gạt Vạn Trụ ra khỏi danh sách được bồi thường. Thứ nhất, từ khi có thông báo năm 2009 của Sở Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp thuộc phạm vi quy hoạch cảng Kê Gà phải dừng xây dựng, nhưng Vạn Trụ (lúc bấy giờ có tên Đức Hạnh) vẫn thi công.

Vạn Trụ chỉ dừng lại khi nhận được quyết định thu hồi đất của tỉnh năm 2011, như vậy bị quy là “không chấp hành lệnh của tỉnh. Thứ hai, sau khi UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất (năm 2011), Vạn Trụ bị cho là “không hợp tác kiểm đếm thiệt hại”. Chưa kể, trong một văn bản của TKV sau này còn cho rằng Vạn Trụ “không thiệt hại”.

Trước những thông báo này của cơ quan chức năng, ông Công bức xúc cho biết, doanh nghiệp của ông được tỉnh ra quyết định cấp phép đầu tư, cho nên khi Sở Xây dựng đề nghị các doanh nghiệp dừng xây dựng đột ngột vào năm 2009 là không hợp lý. “Lúc đó, resort đang trong thời gian cao điểm của xây dựng, chúng tôi không thể dừng thi công đột ngột theo lệnh mà buộc phải hoàn thiện những phần thi công còn dang dở nhằm mục đích chống lún, sập đổ các hạng mục đã đầu tư thi công”, ông Công nói.

“Mặt khác, với chủ trương kêu gọi đầu tư “tiền hậu bất nhất” của tỉnh Bình Thuận, là một doanh nghiệp, chúng tôi quá bức xúc khi việc đầu tư hợp pháp bị dừng, bị thiệt hại, nên tôi đã thực hiện khiếu nại chủ trương xây dựng cảng Kê Gà. Chúng tôi đã sử dụng đúng quyền của mình để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, như vậy mà cơ quan chức năng quy chụp Vạn Trụ “không chấp hành lệnh ngưng thi công”. Đối xử với chúng tôi như vậy vừa trái luật, vừa không hợp tình”.

Một điều thấy được, ông Vũ Chí Công khiếu nại việc thu hồi đất của doanh nghiệp đang đầu tư du lịch để giao lại cho TKV xây dựng dự án cảng Kê Gà là có căn cứ, cơ sở. Thực tế đã chứng minh, dự án cảng sau đó bị phá sản vì không hiệu quả. 

Về chuyện bị cho rằng “không hợp tác kiểm đếm”, ông Vũ Chí Công giải thích, hội đồng bồi thường đã làm khó doanh nghiệp ông, bởi “họ chỉ mời một lần duy nhất. Bữa đó vì lý do bất khả kháng, tôi không có mặt tại buổi họp kiểm đếm nên bị quy là không hợp tác”. “Trong khi theo quy định, hội đồng bồi thường thiệt hại phải mời chúng tôi lần 2, lần 3”, người chủ resort Vạn Sanh uất ức.

Vì bị loại khỏi danh sách được bồi thường, cho nên sau năm 2014, Công ty Vạn Trụ đã không được thông báo để làm các thủ tục bồi thường, hỗ trợ theo chính sách cho các dự án du lịch bị thiệt hại do ngừng đầu tư dự án cảng Kê Gà như những doanh nghiệp khác. 

Hai năm sau, ông Công mới biết được sự thật. Một hành trình khiếu nại đòi bồi thường bắt đầu. 

“Trên nóng, dưới lạnh”

Việc đi đòi quyền lợi của Vạn Trụ, khiếu nại chính sách bồi thường thiếu nhất quán đối với Vạn Trụ sau một năm ròng rã đã có kết quả. Năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã chỉ đạo “UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với TKV xác định mức độ thiệt hại để bồi thường cho Vạn Trụ”. 

Là cơ quan chủ trì, trong một văn bản, UBND tỉnh Bình Thuận cũng khẳng định, tại thời điểm Nhà nước có chủ trương thu hồi đất để đầu tư xây dựng cảng Kê Gà thì Công ty Vạn Trụ đã có xây dựng một số hạng mục công trình trên đất và có thiệt hại. Về phía người bị thiệt hại, Vạn Trụ đề nghị mức bồi thường hơn 29 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, hội đồng bồi thường bị cho là đã làm khó cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Chí Công nhớ lại: “Họ yêu cầu tôi nộp “hợp đồng thi công xây dựng” từ năm 2007 đến năm 2011, “bản vẽ thiết kế xây dựng”, rồi “dự toán” các hạng mục công trình cùng hồ sơ “hoàn công”... Tôi đã nộp tất cả những gì Vạn Trụ có: Các hợp đồng thi công xây dựng từ năm 2004 đến năm 2011; toàn bộ hoá đơn, chứng từ mua vật liệu xây dựng phục vụ cho việc xây dựng khu du lịch; các “giấy phép xây dựng”, “bản vẽ thiết kế xây dựng”... Tổng cộng các tài liệu, chứng từ hơn 1.000 trang giấy A4. Vậy mà Sở Tài chính Bình Thuận vẫn cho rằng “chưa đáp ứng được đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu””. 

Theo ông Công, điều phi lý nhất là yêu cầu phải có “hồ sơ hoàn công” mới được xem xét bồi thường. Trong khi công trình chưa hoàn thiện thì làm sao hoàn công, khác nào đánh đố doanh nghiệp? Ông Công cho biết, trên thực tế không riêng gì Vạn Trụ, giá trị bồi thường rất ít ỏi so với giá trị đầu tư hoặc giá trị thiệt hại của các doanh nghiệp nơi đây.

Tuy nhiên, việc hội đồng bồi thường xem nhẹ hoá đơn chứng từ do doanh nghiệp cung cấp, mà chú trọng hồ sơ hoàn công, càng đẩy doanh nghiệp vào thế khó được bồi thường.

Kể đến đây, người đại diện Công ty Vạn Trụ uất ức: “Doanh nghiệp chúng tôi đầu tư không phải nhằm mục đích kiếm tiền bồi thường. Việc bồi thường cũng không phải do cái sai của doanh nghiệp. Vậy sao cứ làm khó chúng tôi”.

Lúc này, trong khi Vạn Trụ vẫn miệt mài hành trình khiếu nại đòi bồi thường thì các doanh nghiệp du lịch khác bị thiệt hại như Đồi Phong Lan, Thế Giới Xanh, Thạnh Đạt… đã được tạm ứng trước một phần tiền bồi thường. Người nhiều được tạm ứng hơn 20 tỷ đồng, người ít được vài tỷ đồng. Ông Công nói: “Phải chăng vì trước đây tôi là người dám nói ra sự thật, dám khiếu nại cơ quan chức năng, nên nay bị trù dập, làm khó?”.

Đá “trái bóng” trách nhiệm 

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, UBND tỉnh Bình Thuận là người chủ trì việc xem xét bồi thường cho Vạn Trụ, TKV chỉ là cơ quan phối hợp. Tuy nhiên, trong hành trình bồi thường cho Vạn Trụ, những gì đang diễn ra cho thấy các bên có dấu hiệu “đá trái bóng trách nhiệm”.

Đầu tiên, TKV đã bỏ qua ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận để từ chối việc bồi thường đối với Công ty Vạn Trụ. Sau nhiều lần ông Công khiếu nại, TKV đã đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận “xem xét và thống nhất không bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho Công ty Vạn Trụ”.

Lý do được nêu ra là: “Trong quá trình thực hiện các thủ tục thu hồi đất, doanh nghiệp không thực hiện chỉ đạo của tỉnh, vẫn tiếp tục xây dựng và kinh doanh bình thường. Do đó có thể xác định, việc dừng đầu tư dự án cảng Kê Gà không gây thiệt hại đối với doanh nghiệp này”.

Trước nhận định tréo ngoe này, ông Công bức xúc: “Dự án du lịch của Vạn Trụ đã kinh doanh hoạt động giờ phút nào mà TKV lại kết luận dự án “kinh doanh bình thường nên không bị thiệt hại””. Có mặt tại resort Vạn Sanh đầu tháng 11/2018, chúng tôi mới hiểu người chủ đang cố cầm cự để duy trì sự sống cho các công trình trong khu du lịch theo kiểu “thoi thóp”.

Gần 10 năm trôi qua, các công trình trong khu du lịch của Cty Vạn Trụ đã xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục không còn sử dụng được. Cho dù nơi đây không hề có một hoạt động kinh doanh nào, nhưng ông Công vẫn phải thuê người trông coi để resort Vạn Sanh không trở thành hoang phế như những nơi khác. 

Không hiểu có phải vì TKV là bên chi trả tiền bồi thường nên UBND tỉnh Bình Thuận đã đánh mất vai trò chủ trì của mình? Trong một chỉ đạo, UBND tỉnh Bình Thuận “thống nhất để TKV thuê tư vấn pháp luật cùng làm việc với UBND tỉnh để hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và giải quyết khiếu nại của Vạn Trụ”.

Nhưng đến nay TKV cũng không thực hiện điều này. Và lẽ ra, trong thẩm quyền, UBND tỉnh Bình Thuận phải nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi sinh thì sự lập lờ trách nhiệm giữa TKV và Bình Thuận khiến doanh nghiệp lại càng bế tắc. 

“Chỉ cần áp dụng định giá tổng thể tài sản hiện hữu thuộc loại nào, rồi khấu trừ giá trị hạng mục nào còn sử dụng, giá trị hạng mục nào đã bị hao mòn, hư hỏng, sẽ tìm ra giá trị thiệt hại, cần bồi thường cho doanh nghiệp. Với Công ty Vạn Trụ, chúng tôi chọn mức độ thiệt hại thấp nhất là giá trị tài sản còn lại trên 70%, chỉ yêu cầu được bồi thường 30% giá trị.

Tuy nhiên, không hiểu tại sao hội đồng bồi thường lại không áp dụng các quy định sẵn có mà loay hoay đi tìm “cơ chế”, với “chủ trương xác định hỗ trợ”, như đánh đố doanh nghiệp”, ông Công phản ánh.

Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.

UBND tỉnh Bình Thuận đã vạch ra phương pháp bồi thường cho các DN: Đối với tài sản được đánh giá tỉ lệ còn lại từ 30% đến dưới 50% thì bồi thường 70% giá trị, còn lại trên 50% đến dưới 70% giá trị thì bồi thường 50% giá trị, còn lại trên 70% thì bồi thường 30% giá trị.
Như vậy, chỉ cần áp dụng định giá tổng thể tài sản hiện hữu thuộc loại nào, rồi khấu trừ giá trị hạng mục nào còn sử dụng, giá trị hạng mục nào đã bị hao mòn, hư hỏng, sẽ tìm ra giá trị thiệt hại, cần bồi thường cho DN. Công ty Vạn Trụ đã chọn mức độ thiệt hại thấp nhất chỉ yêu cầu được bồi thường 30% giá trị, nhưng vẫn bị làm khó.

Đọc thêm