Chịu thua tên miền "lạ" của các Bộ, ngành

Hàng loạt tên miền của các bộ và cơ quan ngang bộ hiện này không khác nào đánh đố người dân, ngay cả cổng thông tin của các bộ vẫn luôn kêu gọi “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” thì cũng xài các ký tự nước ngoài mà không phải ai cũng có thể nhớ nổi.

Hàng loạt tên miền của các bộ và cơ quan ngang bộ hiện này không khác nào đánh đố người dân, ngay cả cổng thông tin của các bộ vẫn luôn kêu gọi “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” thì cũng xài các ký tự nước ngoài mà không phải ai cũng có thể nhớ nổi.

Nói dzậy mà hổng phải dzậy

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn kêu gọi “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” nhưng không phải lúc nào “lời nói cũng đi đôi với việc làm”. Website của hai bộ này lần lượt là: http://www.moet.gov.vn, http://www.cinet.gov.vn. Không chỉ 2 bộ này, tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ - http://chinhphu.vn về các bộ và cơ quan ngang bộ sẽ thấy trong tổng số 18 bộ và 4 cơ quan ngang Bộ được đăng tải trên đó (trừ Bộ Quốc phòng không thấy thông tin về website) thì chỉ có Thanh tra chính phủ - http://www.thanhtra.gov.vn và Văn phòng chính phủ - http://www.vpcp.chinhphu.vn sử dụng tên miền tiếng Việt (không dấu hoặc viết tắt). Các cơ quan còn lại vẫn duy trì tên miền cũ bằng cách lấy các chữ cái đầu tiên theo tên tiếng Anh của Bộ mình rồi ghép lại. Chẳng hạn http://www.mofa.gov.vn; http://www.most.gov.vnhttp://www.mt.gov.vn http://www.moh.gov.vn; http://www.mpi.gov.vn ...

Chịu thua tên miền "lạ" của các Bộ, ngành ảnh 1
 

Khi nhìn vào những địa chỉ website được liệt kê bên trên, liệu có bao nhiêu người trong chúng ta nhận biết ra đó là địa chỉ website thuộc bộ nào của Chính phủ. Và nếu không có tên miền “.vn” ở đằng sau thì có lẽ nhiều người sẽ lầm tưởng đó là các tổ chứ nào đó trên thế giới chứ không phải là địa chỉ website của các bộ, ngành trong nước.

Mải đối ngoại, quên đối nội?

Xét về mặt công nghệ thì có lẽ không phải, vì để thiết lập cho 2 (hoặc nhiều hơn) tên miền chạy về cùng một địa chỉ website trên internet là một điều dễ dàng. Vậy lí do gì mà các bộ và cơ quan ngang bộ không muốn sử dụng tên miền tiếng việt đồng thời với tên miền hiện tại? Có thể lý giải điều đó như thế nào?

Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải đáp ứng các yêu cầu bảo đảm cho tổ chức, cá nhân truy nhập thuận tiện;

Tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" và tên miền cấp dưới của tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" là một phần của tài nguyên thông tin quốc gia, có giá trị sử dụng như nhau và phải được quản lý, khai thác, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký và sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam ".vn". Tên miền đăng ký phải thể hiện tính nghiêm túc để tránh gây sự hiểu nhầm hoặc xuyên tạc do tính đa âm, đa nghĩa hoặc khi không dùng dấu trong tiếng Việt.
Theo Mục a, Khoản 1, Điều 28 và Khoản 1, Điều 68 Luật Công nghệ Thông tin

Bộ Ngoại giao là cơ quan đăng ký và kích hoạt tên miền sớm nhất (14/12/1998) trong số các bộ và cơ quan ngang bộ. Có phải vì thế mà địa chỉ web -  http://www.mofa.gov.vn của bộ này đã vô tình trở thành khuôn mẫu để các bộ khác “bắt chước” noi theo cách đặt tên miền mà chỉ có “Tây” may ra mới nhớ và hiểu? Hay tại các bộ và cơ quan ngang bộ không có kinh phí, nhân sự và thời gian nghiên cứu để làm được điều đơn giản đó là đăng ký và cho chạy thêm một tên miền tiếng Việt nữa?

Không phải người dân nào cũng giỏi tiếng Anh để biết được cách sắp xếp, đặt tên địa chỉ website như hiện tại. Vậy phải chăng bản thân các cơ quan này lập ra website chỉ để phục vụ công tác đối ngoại là chính? Và cũng vì để cho “bằng bạn bằng bè” với quốc tế mà "lơ đãng" không để ý, quan tâm tới việc người dân có tìm thấy địa chỉ website của cơ quan mình trên mạng internet nhanh chóng thuận tiện hay không?

Ý tưởng đặt tên miền ngắn gọn, có ý nghĩa, không gây hiểu nhầm là chính xác nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc dễ nhớ, dễ hiểu và dễ tìm kiếm trên mạng internet. Việc tiết kiệm kí tự khi đăng ký và sử dụng các “siêu” tên miền như hiện nay không khác gì “đánh đố” người dân, với ngay cả những ai có chủ tâm ghi nhớ.

Một bộ quy tắc tên miền thống nhất

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Chính phủ không đưa ra một quy tắc đặt tên miền thống nhất trên cả nước cho các bộ và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Yêu cầu ngoài tên miền tiếng Anh viết tắt do lịch sử để lại như hiện nay thì đồng thời phải có tên miền tiếng Việt chạy cùng trên mạng internet.

Nhân sự kiện Bộ Thông tin và Truyền Thông đang có chiến dịch cấp phát tên miền tiếng Việt miễn phí cho tất cả công dân và tổ chức, rất mong các bộ và các cơ quan, ban, ngành sớm đăng ký, quảng bá và đưa tên miền tiếng Việt vào sử dụng cùng với tên miền hiện có. Chẳng hạn: Bộ Ngoại Giao: http://bng.gov.vn hoặc http://ngoaigiao.gov.vn; Bộ Y Tế: http://byt.gov.vn hoặc http://yte.gov.vn; Bộ Giáo dục và Đào tạo: http://bgd.gov.vn hoặc http://giaoducvadaotao.gov.vn;
Bộ Thông tin và Truyền thông:
http://btt.gov.vn hoặc http://thongtinvatruyenthong.gov.vn...

Chưa bàn đến vấn đề nâng cao chất lượng nội dung, cách đặt tên website nêu trên sẽ giúp cho những ai có nhu cầu "tham vấn" thông tin có thêm sự lựa chọn, góp phần để website thực sự là cổng thông tin, kênh giao tiếp giữa các cơ quan công quyền với công dân.

Dzoãn Hưng

Ảnh minh họa:
 

Đọc thêm