Chờ đợi những “mắt xích toàn cầu” từ Việt Nam

(PLVN) - Covid-19 xuất hiện cũng là lúc thế giới nhận ra cần phải có những thay đổi tích cực trong chuỗi sản xuất toàn cầu, không thể chỉ phụ thuộc vào một thị trường. Với mức độ ổn định của xã hội và tăng trưởng dương trong “năm Covid thứ nhất”, Việt Nam đang là một điểm đến đầy hứa hẹn của những nhà đầu tư lớn trên toàn cầu.
Nhiều DN toàn cầu muốn tăng tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam.  (Ảnh minh họa)
Nhiều DN toàn cầu muốn tăng tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Cơ hội lớn cho nhà cung cấp Việt Nam

Đầu năm 2021, những công bố mới nhất về việc gia tăng các gói đầu tư từ các “ông lớn” công nghệ như Apple (thông qua Foxcon) và Intel đã cho thấy việc Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư (NĐT) lớn hàng đầu thế giới. Rất nhiều công ty, tập đoàn lớn chọn Việt Nam làm bến đỗ và tìm cách nội địa hóa sản phẩm của mình. Đây chính là cơ hội để Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu. 

Những ngày đầu tiên vào Việt Nam, hãng Canon đã ngay lập tức đặt vấn đề tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Công ty đa quốc gia này  vẫn đang “đỏ mắt” tìm kiếm. Theo số liệu mới nhất, đến nay, Canon có 340 nhà cung cấp trên toàn cầu, trong đó tại Việt Nam có 147 nhà cung cấp. Trong số này chỉ có 20 nhà cung cấp thuần Việt Nam nhưng vài năm qua con số vẫn dừng lại ở đây. Canon đã nội địa hóa 65% nhưng phần lớn lại “rơi” vào các DN đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi Canon hiện có 59 hạng mục cần nội địa hóa tại Việt Nam, cần rất nhiều nhà cung cấp thuần Việt. 

Tương tự, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Ford luôn kiên trì đi tìm các nhà cung cấp nội địa tại Việt Nam đủ chất lượng theo tiêu chuẩn của Tập đoàn và đưa vào danh sách các nhà cung cấp Q1 đạt chuẩn trong toàn bộ hệ thống sản xuất của Ford trên toàn cầu.

“Tất cả những nhà cung cấp lọt vào danh sách cung ứng cho Ford Việt Nam sẽ có cơ hội lọt vào danh sách các nhà cung ứng của Ford ở bất kỳ quốc gia nào do chúng tôi cùng có một tiêu chuẩn trên toàn cầu” - đại diện Ford khẳng định. Hiện Ford cũng mới có khoảng 6-7 nhà cung cấp Q1 ở Việt Nam. 

Samsung Việt Nam, một trong những NĐT luôn mở rộng, lập kế hoạch để tìm kiếm, đào tạo các nhà cung cấp ở Việt Nam hiện đã có khoảng 50 nhà cung ứng thuần Việt là nhà cung ứng trực tiếp và khoảng 200 nhà cung ứng thứ cấp (thông qua một công ty khác có thể là DN FDI). Số lượng nhà cung cấp Việt ở Panasonic và Toyota cũng đang dần tăng lên, dù mới chỉ ở những linh phụ kiện có giá trị thấp. 

Tăng cơ hội trở thành một “mắt xích toàn cầu”

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công  nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hiện công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang được Việt Nam quan tâm, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt những ngành sản xuất chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản…

Cũng theo ông Hoài, bước đầu Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái CNHT và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa; Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điển hình là tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.

Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với một số DN FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm, kết nối các DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. 

Mới đây, Bộ Công Thương đã xây dựng và chính thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và CNHT. Đây là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối B2B trong và ngoài nước, giúp các DN, NĐT tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các DN Việt Nam và DN FDI, các tập đoàn đa quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ đã xây dựng, báo cáo Chính phủ ban hành nhiều chính sách có hiệu quả để phát triển CNHT như: Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016-2025; Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT; triển khai xây dựng các Trung tâm Kỹ thuật nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho DN công nghiệp nói riêng và DN CNHT nói chung (theo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan) để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị cho DN nội địa, đáp ứng các yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các DN FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Đọc thêm