Chọn con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững

(PLO) - Ngày 25/9, tại Đà Nẵng, Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung (DHMT) phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND TP Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn Kinh tế miền Trung (CREF) lần 2/2017 với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững”. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Xây dựng không gian kinh tế thống nhất của vùng 

Chủ trì diễn đàn, dưới sự tham dự của nhiều bộ, ban ngành cùng hơn 400 lãnh đạo các Tập, đoàn kinh tế, doanh nghiệp khu vực duyên hải miền Trung và cả nước… Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết vùng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt, miền Trung có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước ta.  

Để xác định “con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững”, Phó Thủ tướng đã gợi ý một số vấn đề trọng tâm như làm thế nào để phát huy được tiềm năng, lợi thế của cả Vùng miền Trung và thúc đẩy liên kết nội vùng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;  tận dụng  lợi thế của các hành lang kinh tế và các trục kinh tế, xây dựng không gian kinh tế thống nhất của vùng, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, lựa chọn cơ hội đầu tư; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị đại biểu thảo luận các cơ chế, chính sách cần phải có các giải pháp liên quan đất đai, xây dựng, thủ tục hải quan, thuế, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tài chính, đào tạo nhân lực, phát triển du lịch, dịch vụ… để thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các địa phương miền Trung với nhau và với các vùng Tây nguyên, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ, các địa phương của Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar.

Chưa hóa giải xung đột lợi ích cục bộ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng sau diễn đàn miền Trung sẽ có bước đột phá. Tuy nhiên,  còn hơn 1/3 đại biểu bày tỏ nghi ngại. Thậm chí, nhiều chuyên gia phát biểu, qua bao năm, miền Trung vẫn loay hoay trong việc chọn con đường phát triển kinh tế bền vững.

Theo Giáo sư Đào Nguyên Cát, đã có nhiều diễn đàn bàn thảo và tìm giải pháp cho kinh tế miền Trung nhưng vẫn chưa hóa giải được những xung đột lợi ích cục bộ, vẫn mạnh tỉnh nào tỉnh đó khai thác tiềm năng, thế mạnh, liên kết vùng chưa thực sự hiệu quả. “Đây vẫn là những câu hỏi thường trực và đau đáu với bất cứ ai quan tâm đến kinh tế miền Trung và người dân miền Trung. Tôi hi vọng lần  này sẽ đưa ra được những giải pháp thực sự phù hợp, hiệu quả và thiết thực với các tỉnh miền Trung”, GS Đào Nguyên Cát nói.

Trong lúc đó, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, “mở cửa- hội nhập” được coi là năng lực phát triển “tự thân” và phát triển nhu cầu tự nhiên của Vùng, nhưng để duyên hải miền Trung phát triển thực sự, năng lực đó cần có thêm hàng loạt điều kiện và năng lực khác, đủ để chuyển hóa thành thực lực phát triển.

Đánh giá về liên kết vùng giữa các tỉnh duyên hải miền Trung, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thẳng thắn: “Một trong những nguyên nhân hạn chế liên kết vùng bởi do tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng tương đối tương đồng như biển, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp… Phần lớn các địa phương đều có xu hướng phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh hiện có của mình; vì vậy, cơ cấu ngành, sản phẩm của các địa phương trong vùng khá trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ”.

Tham dự Diễn đàn, đại diện Công ty FLC và nhiều chuyên gia, nhà đầu tư khác mong muốn Chính phủ hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp lớn để thuận lợi hơn đầu tư. Đặc biệt, có sự phân quyền, ủy quyền cho địa phương quyết định. 

Đọc thêm