Chọn nhà đầu tư chiến lược: Lọc hóa dầu Bình Sơn có nhiều sự lựa chọn

(PLO) - Trước thềm IPO, Lọc hóa dầu Bình Sơn được ví như cô gái đẹp có nhiều chàng trai “trồng cây si” nhưng vẫn chưa chọn ai…
Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn
Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn

Nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm cổ phiếu chi phối

Theo phương án cổ phần hóa  (CPH) Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), vừa được Chính phủ phê duyệt (Quyết định 1978/QĐ-TTg) Công ty cổ phần (CTCP) Lọc hóa dầu Bình Sơn có vốn điều lệ hơn  31 nghìn tỷ đồng. 

Về cơ cấu vốn điều lệ, cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ tại BSR  là 1.333.214.835 cổ phẩn, chiếm 43% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong DN là 6.483.000 cổ phần, chiếm 0,21% vốn điều lệ; 241.556.969 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ; 1.519.244.812 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ. Mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. 

“Như vậy BSR là DN có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành CPH (3,2 tỷ USD). Dự kiến vào ngày 17/1/2018 tại Sở GDCK TP HCM (HOSE), BSA sẽ bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng (IPO) 7,79% vốn điều lệ, tương đương 242 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phiếu. Theo tính toán lần IPO này,  thu về cho nhà nước gần 1 tỷ USD”- Lãnh đạo BSR cho biết.

Nhiều “ông lớn” quan tâm

Theo ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng Giám đốc BSR, BSR đã chuẩn bị cho đợt phát hành này từ nhiều năm nay. Đặc biệt, từ giữa năm 2016, công ty rốt ráo tìm nhà đầu tư chiến lược là những đối tác có năng lực tài chính đủ mạnh, cùng ngành nghề để phát triển lọc hóa dầu tại Việt Nam.

Sau khi gửi thư mời, BSR đã nhận phản hồi và làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác, là các tập đoàn lớn muốn tham gia làm đối tác chiến lược trong những tháng cuối năm 2017. Trong đó, có hai công ty nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hóa dầu định mua tối đa cổ phần cho phép (ở mức 49%), gồm World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi). 

Trong tháng 11 vừa qua, hàng loạt công ty, tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới và khu vực đã đến tìm hiểu cơ hội hợp tác tại BSR. Vào ngày 7/11/2017, Tập đoàn Năng lượng Repsol (Tây Ban Nha)  đến tìm hiểu BSR. “Qua buổi làm việc, đại diện Repsol mong muốn không chỉ sở hữu cổ phần tại BSR mà còn tham gia sâu hơn vào công tác quản trị, điều hành, thương mại, mua bán dầu thô… của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất”- ông Nguyên cho biết.

Sau Repsol, ngày 23/11, Đoàn đại biểu thuộc Hội đồng Dầu khí các Quốc gia Đông Nam Á (ASCOPE) đã tham quan NMLD Dung Quất, tìm hiểu cơ hội và mong muốn hợp tác đầu tư  mua cổ phần của  BSR như Tập đoàn PetroleumBrunei, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Indonessia (Pertamina), SRC (Singarpore).

Trước đó, các Tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Rosneft- Nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Tập đoàn SK (Hàn Quốc), PTT- Công ty lớn nhất của Thái Lan và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Kuwait đã đánh tiếng mua cổ phần của NMLD Dung Quất.

Bên cạnh các đối tác nước ngoài, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng mong muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua việc mua cổ phần của của BSR và ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất…

Tại buổi gặp mặt báo chí  chiều qua, 14/12, Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên cho biết hiện BSR vẫn đang cân nhắc, chưa chọn đối tác chiến lược chính thức. Tổng Giám đốc BSR cũng nhấn mạnh: Nhà đầu Nhà đầu tư chiến lược phải là các đối tác lớn có năng lực tài chính đủ mạnh, cùng ngành nghề để phát triển lọc hóa dầu tại Việt Nam, cam kết đồng hành gắn bó lâu dài để hỗ trợ BSR thực hiện dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, các dự án nghiên cứu phát triển đa dạng hóa sản phẩm định hướng hóa dầu của BSR trong thời gian đến, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của Công ty trong dài hạn…

Kết quả SXKD của BSR trong 11 tháng đầu năm 2017 rất ấn tượng với các chỉ tiêu như sau: Về sản lượng, nhà máy đã nhập 6,08 triệu tấn dầu thô và xuất bán 5,57 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại (đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu trong cả nước). Doanh thu đạt 71.900 tỷ đồng, vượt 15,8% so với kế hoạch. Nộp NSNN 9.060 tỷ đồng, vượt 2000 tỷ đồng (26,3%) so với kế hoạch. Đến nay, Công ty BSR đã đạt và vượt tất cả kế hoạch chỉ tiêu SXKD năm 2017 bao gồm: Sản lượng sản xuất, doanh thu, nộp NSNN, lợi nhuận… Sau gần 9 năm đi vào hoạt động từ tháng 2/2009, NMLD Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862,5 ngàn tỉ đồng (~38 tỉ USD), nộp NSNN hơn 143,1 nghìn tỉ đồng (gần 7 tỉ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư ban đầu). Các chỉ số tài chính của Công ty BSR trong 11 tháng 2017 đều ở mức cao với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ ROE là 21,12%; Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS là 10,56%; Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ROA là 11,9%. Đặc biệt năm qua, NMLD Dung Quất đã hoàn thành đợt bảo dưỡng tổng thể định kỳ lần 3, vượt tiến độ chế biến dầu thô 10 ngày so với kế hoạch, đóng góp thêm cho ngân sách nhà nước gần 303 tỷ đồng. Hiện tại NMLD Dung Quất hoạt động ở công suất tối ưu 106 – 108% công suất thiết kế. Hiện BSR là DN đứng thứ 16 trong tốp 500 DN lợi nhuận tốt nhất 2017 và đứng thứ 7 DN lớn nhất Việt Nam 2017 theo đánh giá của Vietnam Report.

Đọc thêm