Chủ tịch Quảng Bình: 'PCI thấp là một sự xấu hổ của nền hành chính tỉnh!'

(PLVN) - Trong lần xúc tiến đầu tư hồi năm ngoái, Quảng Bình ghi nhận con số cam kết đầu tư hơn 7 tỷ USD. Điều đó chứng tỏ đang có một hấp lức tương đối lớn đối với các doanh nghiệp ở tỉnh này. Thế nhưng, trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm, Quảng Bình thường có thứ hạng thấp. Vì sao?


Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật: “Quảng Bình tuy có chuyển biến nhưng chưa mạnh như các tỉnh khác nên xếp hạng PCI chưa cao”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật: “Quảng Bình tuy có chuyển biến nhưng chưa mạnh như các tỉnh khác nên xếp hạng PCI chưa cao”.

“Chi phí không chính thức” vẫn phổ biến

“Số vốn đăng ký đầu tư vào Quảng Bình trong cuộc xúc tiến đầu tư năm 2018 như thế là tương đối lớn, là một sự nỗ lực của tỉnh. Nhưng bên cạnh những nhà đầu tư nói thật làm thật, vẫn có những doanh nghiệp từ nói đến làm, khoảng cách khá xa. Có doanh nghiệp trước đây xin cấp đất nhưng dùng dằng mãi không làm hoặc làm đối phó…

Theo quy định, dự án giao hết thời hạn mà không triển khai thì phải thu hồi. Việc này khiến một số doanh nghiệp không hài lòng, thậm chí họ đâm đơn kiện lại chính quyền… Có thể vì những chi tiết đó mà khi khảo sát, xếp hạng PCI, doanh nghiệp sẽ thắc mắc vì sao tỉnh này thoáng mà tỉnh kia lại chặt… Rất có thể đó cũng là một trong những nguyên do khiến doanh nghiệp không bằng lòng khi được hỏi, dẫn tới vị trí của Quảng Bình trên bảng xếp hạng PCI thời gian gần đây chưa cải thiện được nhiều?”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - ông Trần Công Thuật giải thích.

- Trong số các chỉ số làm căn cứ xếp hạng PCI hàng năm có chỉ số thành phần được khảo sát để xem xét chấm điểm đó là “chi phí không chính thức”. Một số địa phương cũng ít nhiều bị ảnh hưởng vì điều này. Quảng Bình thì sao, thưa ông?

- Liên quan đến việc cải thiện PCI của tỉnh, tôi đã từng nói với các sở ngành, địa phương rằng, PCI của Quảng Bình thấp là một điều đáng xấu hổ vì nó đánh giá, phản ánh nền hành chính của chúng ta - của những cán bộ, công chức, người lãnh đạo trong bộ mày đó có thực sự linh hoạt, năng động, trách nhiệm với người dân, doanh nghiệp hay chưa.

Tất nhiên, nói như vậy không phải là nói toàn bộ hệ thống, nhưng cũng cần phải xem lại những “ông”, nhưng bộ phận giao dịch, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, người dân xem đã ổn hay chưa. Tôi cho rằng chuyện “chi phí không chính thức” ở Quảng Bình vẫn đang tồn tại, và ngành nào cũng có chứ không riêng gì những ngành, lĩnh vực nhạy cảm.

Cải cách thủ tục hành chính, thực sự đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp... sẽ giúp cải thiện PCI của các địa phương.
Cải cách thủ tục hành chính, thực sự đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp... sẽ giúp cải thiện PCI của các địa phương.   

Không “chiều” doanh nghiệp thái quá

- “Chi phí không chính thức” theo một số người là những khoản “lót tay” của doanh nghiệp cho cán bộ có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính. Vì thế, có ý kiến nói rằng, nên gọi đúng tên của hành vi này để có cơ sở xác định và ngăn ngừa tiêu cực, qua đó giúp các địa phương cải thiện PCI. Ý kiến của ông như thế nào?

- Cụm từ “chi phí không chính thức” gọi như thế có vẻ dễ nghe, nhưng sự thực nó được dùng để mô tả những hành vi tiêu cực, với động cơ không trong sáng theo kiểu mặc cả phải “có 300 lạng việc này mới xong” mà người xưa thường nói, tại các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay.

Theo tôi nên xem xét gọi đúng tên, đúng bản chất nó ra. Chẳng hạn những khoản nào thì được coi là không chính thức để những cán bộ, công chức có ý định nhận những khoản tiền đó từ doanh nghiệp, người dân tự mình thấy đó sai trái và phải xác định rõ trách nhiệm của chính quyền là đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chức phận cụ thể của từng cán bộ trong bộ máy.

Tôi nghĩ nếu vấn tiếp tục gọi là “chi phí không chính thức” thì có khi mấy “ông” cán bộ giải quyết thủ tục hành chính chưa chắc đã thấy nặng lòng, thấy áy náy khi cầm tiền hay vòi vĩnh doanh nghiệp.

- Theo ông, những nỗ lực gần đây liệu có giúp cho Quảng Bình có được sự bứt phá trong bảng xếp hạng PCI trong thời gian tới?

- Đích thân tôi đã chủ trì hai cuộc họp bàn về việc cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Vì thế, tôi tin tưởng vấn đề này sẽ có chuyển biến. Sở dĩ thời gian gần qua tỉnh chưa có nhiều khởi sắc trong bảng xếp hạng này vì Quảng Bình tuy có chuyển nhưng chuyển chưa  mạnh bằng các địa phương khác nên trên bảng xếp hạng vị trí chưa cao.

Quan điểm của chúng tôi một mặt phải chấn chỉnh lại bộ máy hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư, làm ăn thuận lợi nhất tại Quảng Bình; mặt khác, phải tôn trọng các quy định của pháp luật không thể “chiều” nhà đầu tư một cách thái quá để được tiếng là cởi mở mà “xé rào” thì không nên.

Thực tế, thời gian gần đây đã có khoảng 40 dự án của các nhà đầu tư đang bị dừng lại để xem xét do vi phạm một số quy định. Thậm chí, có dự án của nhà đầu tư vào những khu đất đẹp nhưng vi phạm thời hạn, chúng tôi cũng cương quyết ra quyết định thu hồi.

- Trân trọng cảm ơn ông!

PCI là kênh thông tin tham khảo quan trọng về địa điểm đầu tư

Chỉ số PCI được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005 cho 42 tỉnh, thành. Từ lần thứ hai, năm 2006 đến nay, tất cả các tỉnh, thành đều được đưa vào xếp hạng, đồng thời các chỉ số thành phần cũng được tăng cường thêm.

PCI được xem là "tiếng nói" quan trọng của các doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư và cũng là động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Được biết, trong bảng xếp hạng PCI năm 2018, Quảng Bình đứng thứ 54/63 tỉnh thành, với 61,06/100 điểm.

Đọc thêm